Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, việc bệnh nhân suy gan, suy thận giai đoạn cuối ở Bệnh viện Bạch Mai nhảy lầu có thể coi là tự tử để tự giải thoát. Đây là một trường hợp điển hình về những ca tự tử do bế tắc trong cuộc sống.
"Đó là một người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo khó chữa trị. Hoàn cảnh sống của người bệnh đó khó khăn chồng chất lại thêm gánh nặng bệnh tật khiến họ không chịu đựng nổi.
Người bệnh đó đã chữa trị bệnh một thời gian, tức là họ từng có hi vọng sống. Tuy nhiên, do bệnh nặng, chữa bệnh tốn kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng quẫn nên theo thời gian hi vọng sống của người bệnh đó bị bào mòn, suy nghĩ tự tử sẽ xuất hiện. Về mặt tâm lý người bệnh sẽ coi chết như sự giải thoát cuối cùng kết thúc cho mọi lo lắng, để giải quyết bế tắc thoát khỏi bệnh tật, giải thoát cho bản thân và người thân", ông Chất phân tích.
|
Người mắc bệnh suy gan, suy thận giai đoạn cuối giống bệnh nhân tự tử ở BV Bạch Mai thường rất hay nghĩ quẩn, tự tử. (Ảnh: Hiện trường vụ tử tử tại Bệnh viện Bạch Mai) |
Còn Bác sĩ Mai Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp,
Bệnh viện Bạch Mai: "Những trường hợp người mắc bệnh như
người bệnh trên thường rất hay nghĩ quẩn, dẫn tới những hành vi cực đoan đáng tiếc. Vì căn bệnh suy gan và suy thận giai đoạn cuối, là bệnh hiểm nghèo rất khó chữa, thời gian chữa bệnh kéo dài mòn mỏi và tốn kém".
Bác sĩ Hùng phân tích: Thực tế, những người mắc suy gan giai đoạn cuối thì gan không thể thực hiện được các chức năng bình thường nữa. Khoảng 75% gan bị hủy hoại trước khi nó mất đi hoàn khả năng của nó.
Căn bệnh suy gan giai đoạn cuối, không có cách chữa trị và điều trị để loại bỏ được những hư hại ở gan khi bệnh phát triển, ngoại trừ cấy ghép gan trực tiếp. Người bệnh suy gan giai đoạn cuối có nguy cơ tử vong cao trừ phi được cấy ghép gan mới. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ cần chạy thận hoặc ghép thận để có thể tiếp tục sống.
Việc chữa trị đồng thời hai căn bệnh này để duy trì sự sống là rất tốn kém. Việc cấy ghép gan, thận là phẫu thuật lớn chi phí cũng không hề nhỏ. Với trường hợp bệnh nhân nhảy lầu tự tử ở Bệnh viện Bạch Mai thì việc chữa trị đã ngoài khả năng chứ không nói tới cấy ghép gan thận.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân nhiều người tự tìm đến cái chết chuyên gia Nguyễn An Chất cho biết:"Về mặt tâm lý học nguyên nhân dẫn tới hành vi tự tìm đến cái chết có rất nhiều.
Những người gặp phải sự thay đổi đột ngột môi trường sống, môi trường học tập, do mất mát người thân, mất tài sản, thua lỗ trong kinh doanh… Ngoài ra, những người gặp phải rắc rối trong các mối quan hệ vợ chồng, yêu đương, quan hệ thầy trò, đồng nghiệp, những người nhút nhát, tự ti, có ngưỡng chịu đựng thấp với áp lực rất dễ tìm giải thoát từ cái chết.
Ngoài ra hành vi tự tử cũng bắt nguồn từ tâm lý của những người bệnh tật. Trường hợp bệnh nhân tự tử ở Bệnh viện Bạch Mai là trường hợp điển hình".
Ngày 23/3 một bệnh nhân nam đã nhảy lầu tự tử tại Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể là do nạn nhân rơi vào bước đường cùng, không lối thoát vì mắc bệnh suy thận, suy gan giai đoạn cuối, điều trị nhiều lần không thuyên giảm. Trong khi đó gia đình bệnh nhân lại rất khó khăn.
Thu Minh