Nên hay không đưa bé đi nước ngoài tiêm chủng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tiêm vắc xin trong nước đảm bảo an toàn. Việc đưa bé đi nước ngoài tiêm chủng tốn kém tiền của, thời gian nên cần cân nhắc kĩ.

Khan hiếm vắc xin 5 trong 1 dịch vụ, lo ngại những tai biến nguy hiểm nên nhiều gia đình chọn đưa bé đi nước ngoài tiêm chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo phải cân nhắc kỹ.
Trao đổi với pv Kiến Thức, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết: "Việc lựa chọn đi nước ngoài tiêm chủng là quyền của mỗi công dân, việc này cũng tương tự như lựa chọn ra nước ngoài khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi lựa chọn theo cách thức tiêm chủng nào đều cần lưu ý, phải tìm hiểu kỹ về vắc xin được tiêm, các thành phần trong vắc xin đó, quy trình tiêm chủng tại đất nước đó để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Các bậc cha mẹ nên tin tưởng và cho con tiêm chủng ở trong nước. Vắc xin 5 trong 1 được tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng, an toàn cho sức khỏe của trẻ. 
 Theo ông Trần Đắc Phu, cha mẹ nên tin tưởng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, vắc xin này an toàn cho trẻ.
Đã có chục triệu trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem ở nước ta và được vắc xin này bảo vệ. Những tai biến xảy ra sau khi tiêm chủng trong thời gian vừa qua chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác, chứ không liên quan tới chất lượng vắc xin. Việc đưa bé đi nước ngoài tiêm chủng là không cần thiết".
Theo GS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng Quốc gia, hiện nay, một số gia đình có điều kiện mang con em ra nước ngoài để tiêm vắc xin, dù con số này không nhiều nhưng cha mẹ cũng nên cân nhắc kỹ. Đưa con đi tiêm chủng ở nước ngoài khá tốn kém, lãng phí tiền của, thời gian. Bất kỳ loại vắc xin nào cũng không phải là an toàn 100%, chúng đều có nguy cơ gây phản ứng sau tiêm chủng.
Thực tế, quy trình tiêm chủng ở trong nước và nước ngoài không khác nhau nhiều. Không phải chỉ tiêm chủng trong nước mới có những tai biến hoặc phản ứng sau tiêm, còn tiêm chủng ở nước ngoài thì không.
Các nước trên thế giới cũng có những trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng. Đơn cử như trong năm 2013 và 2014, Ấn Độ, Buhtan, Srilanca, Trung Quốc và Nhật Bản cũng thông báo các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đối với các vắc xin 5 trong 1, viêm gan B, HPV...
 Phải cân nhắc kỹ khi có ý định đưa trẻ đi nước ngoài tiêm chủng.
Ở nước ta, vừa qua có một số trường hợp trẻ có những phản ứng nặng sau tiêm chủng, có trẻ tử vong sau tiêm làm dư luận hoang mang và giảm lòng tin của người dân. Tuy nhiên, sau nhiều đánh giá, thẩm định thì đều không có bằng chứng chứng minh những biến chứng này có liên quan tới chất lượng vắc xin. Các bà mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho con tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cũng liên quan tới vấn đề đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 dịch vụ ở nước ngoài, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, đã đưa ra những khuyến cáo trên báo chí. Theo ông Lân, khi quyết định đưa trẻ sang nước ngoài tiêm phòng, người dân nên cân nhắc kỹ vì không thể có lời khuyên tối ưu chung cho mọi trường hợp. Việc đưa trẻ nhỏ di chuyển dài còn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh của trẻ...
Ngoài ra, sau khi tiêm phòng, trẻ cần theo dõi ít nhất 24 giờ và khi nghi ngờ trẻ có phản ứng sau tiêm phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nên khi đưa trẻ đi nước ngoài tiêm chủng, trở ngại lớn nhất là về mặt thời gian và chi phí.
Ở nước ta, các vắc xin, công thức, lịch tiêm, đường tiêm trước khi được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đánh giá trên người Việt Nam cho kết quả tốt. Vì vậy, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đảm bảo được việc phòng bệnh cho trẻ.
Thu Nguyên