Rút kinh nghiệm lập vua lớn tuổi, khó bảo theo ý mình, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lần này nhằm đến một vị hoàng tử còn nhỏ tuổi. Đó là Ưng Đăng, con nuôi thứ ba của vua Tự Đức, khi ấy mới 14 tuổi.
Sự lựa chọn hoàn hảo
Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận làm con nuôi khi mới lên hai. Cậu bé được nhà vua giao cho vợ mình là bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi nấng. Ưng Đăng sớm hiểu biết, tính tình khoan hòa, chịu khó học hành, được nhà vua rất yêu. Vua lại sai bà Lễ tần Nguyễn Thị Bích dạy dỗ các kinh điển, phép tắc; sai các quan mang các tấu chương đến cắt nghĩa cho để làm quen dần với chính sự.
Vua Tự Đức vốn có ý để cho Ưng Đăng nối ngôi, nhưng khi đó vị hoàng tử này còn ít tuổi. Trong di chiếu, nhà vua có viết: "Ưng Đăng tính thận trọng dễ bảo, hầu hạ sớm hôm cẩn thận, chưa có khuyết điểm gì, nhưng tuổi còn ít, học chưa thông; đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu công việc, nên trẫm đành bỏ lòng riêng mà theo mưu kế lớn...". Mưu kế ấy là truyền ngôi cho Ưng Chân, mặc dù ông hoàng này đầy tật xấu.
Như vậy, với hai vị quyền thần, việc đưa Ưng Đăng lên làm vua là sự lựa chọn hoàn hảo, vừa theo ý tiên đế, vừa có thể điều khiển theo ý mình.
Bấy giờ, sau khi vua Tự Đức băng, Ưng Đăng ra sống ngay tại Khiêm Lăng, nơi chôn cất vua cha.
Một đêm về sáng ngày 29 âm lịch, giữa lúc trời mưa gió bão bùng, một đội quan quân đến Khiêm Lăng đón rước hoàng tử về Đại Nội. Ưng Đăng thấy thế sợ quá định chạy trốn, vẫn bị lôi ra. Cậu bé khóc lóc, giãy giụa, bị bắt ngồi lên kiệu.
Mặc dù hết lời khước từ, nhưng cuối cùng Ưng Đăng vẫn bị đặt lên ngai vàng với niên hiệu Kiến Phúc vào ngày 2/12/1883.
|
Vua Kiến Phúc. |
Cái chết bí ẩn
Được làm vua, nhưng Kiến Phúc không phải... làm gì cả, tất thảy mọi việc đều do hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định.
Tuy nhiên, chỉ làm vua tám tháng thì ông vua này qua đời vào ngày 31/7/1884.
Cái chết của Kiến Phúc cho đến nay vẫn còn bí ẩn. Giữa nhà vua và hai quan phụ chính chưa nảy ra mâu thuẫn về quyền lực. Nhưng có dư luận là Nguyễn Văn Tường đã ra tay đầu độc nhà vua trẻ. Nguyên cớ là khi ông vua trẻ này bị bệnh, bà Học phi luôn ở bên cạnh chăm sóc. Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường lấy cớ đến thăm đã tằng tịu với bà phi đang độ còn xuân sắc và bị ông vua con bắt quả tang. Tuổi trẻ còn bồng bột, Kiến Phúc đã lên tiếng sau này sẽ trừng trị họ. Sợ bị di họa, Nguyễn Văn Tường đã bỏ thuốc độc vào thuốc uống để người hầu dâng lên nhà vua...
Sự việc bốn tháng ba vua diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đã chiếm đóng và can thiệp sâu vào Nam triều. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền đôi câu đối sau: "Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường". Nghĩa là: "Một sông hai nước lời khôn nói/Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành".
(Ngoài nghĩa như trên, trong hai câu này còn ẩn hai chữ Thuyết và Tường là tên hai quyền thần bấy giờ).
Dĩ Nguyên