Sau đời Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn đã trải qua giai đoạn khó khăn trong việc chọn người nối ngôi. Sự việc bốn tháng ba vua diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đã chiếm đóng và can thiệp sâu vào Nam triều cho thấy tình cảnh rối ren trong triều.
Mầm họa
Vua Tự Đức có tới 105 phi tần, cung nữ, nhưng lại "vô hậu", không có con nối dõi. Ông ta lo trước việc nối ngôi bằng cách nhận ba người cháu ruột làm con, đó là Ưng Chân, Ưng Đường và Ưng Đăng. Không ngờ đó lại là mầm họa về sau.
Trước khi băng hà, Tự Đức đã lập chiếu chỉ truyền ngôi cho Ưng Chân, chỉ vì ông con này lớn tuổi hơn cả, còn hai người kia còn nhỏ tuổi. Trong chiếu chỉ, ông viết cả những nhận xét không tốt về Ưng Chân: "Ưng Chân lớn tuổi nhất, từ lâu đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương được việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này, không dùng Ưng Chân thì dùng ai?".
Các quan phụ chính là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết xin nhà vua bỏ mấy đoạn trên đây, đặc biệt là câu "không chắc đảm đương được việc lớn", vì không có lợi cho vị vua mới. Nhưng Tự Đức khăng khăng bảo, phải giữ lại câu đó để khuyên răn, nhắc nhở.
Ngày 17/7/1883, sau khi Tự Đức băng hà, theo di chiếu, Ưng Chân vào chịu tang với tư cách là vua mới, niên hiệu Dục Đức.
|
Tranh minh họa. |
Làm vua 3 ngày
Ba ngày sau triều đình tổ chức lễ đăng quang chính thức tại điện Thái Hòa, Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu. Đến đoạn nói về tật xấu của Dục Đức, ông lướt qua không đọc. Lập tức quan đồng phụ chính Nguyễn Văn Tường đứng dậy nói lớn:
- Tại sao ông không đọc đoạn tiên đế nói đến những gì về hoàng tử Ưng Chân?
Nguyễn Văn Tường giằng lấy tờ chiếu, sai người khác đọc to lên. Tôn Thất Thuyết bèn nói:
- Đây là đoạn ông Thành cố ý không đọc. Vậy bây giờ phải dừng buổi lễ lại để xin ý kiến của Thái hậu xem ý Thái hậu xử lí như thế nào?
Hai vị đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường mang tờ chiếu đến trình bày với Thái hậu Từ Dũ. Theo ý Thái hậu, họ trở lại điện Thái Hòa, tuyên bố ba tội trạng của Dục Đức:
- Muốn sửa di chiếu;
- Có đại tang mà mặc áo màu;
- Tính nết hư hỏng, ăn chơi.
Đoạn, thét quân cấm vệ lột áo vua của Dục Đức và bắt cấm cố ngay tại Dục Đức Đường, vốn là nhà học của ông. Tất cả quần thần, kể cả Tiễn Thành, sợ xanh mắt, không dám ho he. Chỉ riêng có quan ngự sử Phan Đình Phùng lên tiếng can ngăn:
- Tự quân (vua nối ngôi) chưa làm gì có tội mà phế bỏ như thế sao phải lẽ?
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập tức ra lệnh bắt giam Phan Đình Phùng.
Như vậy là Dục Đức được làm vua trên danh nghĩa vẻn vẹn ba ngày. Sau đó bị giam tại Thái Y viện và bị bỏ đói mà chết.
Ngự sử Phan Đình Phùng được tha, nhưng cách bỏ hết chức quan, đuổi về quê. Sau này ông trở thành một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp nổi tiếng.
(còn nữa)
Dĩ Nguyên