Thời Lê Trung Hưng, qua các đời chúa Trịnh sự chuyên quyền ngày càng lớn, biến vua Lê thành những vị hoàng đế bù nhìn. Chúa quyết định tất cả mọi việc từ chuyện chi tiêu của vua cho đến việc đưa ai lên ngôi, thậm chí cả tính mạng vua cũng nằm trong tay chúa. Chính vì vậy chuyện chúa Trịnh Sâm giết Thái tử Lê Duy Vĩ mà vua Lê Hiển Tông bất lực không thể làm gì để cứu con là chuyện không lạ, nhưng lạ lùng ở chỗ sau đó có chuyện báo ứng ly kỳ mà hậu thế không mấy người được rõ.
Vụ án bi thảm xảy ra vào tháng 12 năm Tân Mão (1771) nhưng nguyên nhân của nó bắt đầu từ nhiều năm trước đó với sự ghen tức đố kị của Trịnh Sâm đối với Thái tử Lê Duy Vỹ. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí thì thái tử là người vóc dáng đẹp đẽ, tư chất thông minh, thấy nhà vua bị mất quyền, thái tử căm tức lắm, thường vẫn khảng khái nuôi chí thu phục lại quyền bính. Thái tử lại từng xem khắp kinh sử, yêu mến các nho sinh; nên hào kiệt trong thiên hạ không ai là không ngưỡng vọng... Chúa Trịnh Doanh cũng rất yêu mến Thái tử nên đã gả con gái của mình cho, hi vọng sau này Thái tử lên ngôi, con gái mình sẽ thành Hoàng hậu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép ngắn gọn như sau: “Thái tử lúc còn nhỏ, thông minh, nhanh nhẹn, xem rộng sách Kinh, sách Sử, đối với sĩ phu rất lễ độ; thần dân không ai là không mến yêu thái độ, dung nghi. Trịnh Doanh rất trọng tài của thái tử, nên đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gả cho”.
Còn Trịnh Sâm cũng được đánh giá là người thông minh, quyết đoán, giỏi thơ văn, có tâm hồn lãng mạn nhưng vị chúa này cũng rất kiêu ngạo, nhỏ nhen và vụ thảm án cung đình bức hại Thái tử Lê Duy Vĩ, vị hoàng đế tương lai xuất phát chính từ sự kiêu ngạo, nhỏ nhen đó. Thấy cha và mọi người khen ngợi và quý trọng Duy Vĩ thì trong lòng không vui, càng ganh ghét cả về địa vị và tài năng. Sách Đại Việt sử ký tục biên viết ngắn gọn như sau: “Lúc Sâm làm thế tử vẫn ghen ghét thái tử”.
Vụ việc căng thẳng xảy ra trong một bữa ăn ở phủ chúa, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay: “Thái tử có lần cùng với Trịnh Sâm gặp nhau ở phủ đường, được chúa giữ lại ban cơm và bảo hai người cùng ngồi chung một mâm. Bà Chính phi họ Nguyễn, cũng là mẹ vợ Thái tử, ngăn lại và bảo rằng: “Thái tử và Thế tử, danh phận là vua tôi, sao lại có thể cùng ngồi chung một mâm được? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu”; bèn sai người đưa thế tử sang mâm khác. Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng: "Ta với Duy Vĩ hai người, phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được”.
Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: “Lúc Sâm lên ngôi chúa, bèn mưu cùng nội thần Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Huy Đĩnh vu tội cho Thái tử. Khi ấy Sâm vu cho Thái tử thông dâm với cung nhân của Ân vương, chúng đem sự trạng tâu lên vua, xin bắt Thái tử giam lại. Sâm sai Phạm Huy Đĩnh đem thân binh vào điện bắt Thái tử. Trước đấy giếng núi Tam Sơn ở sau cung điện bỗng có tiếng vang như sấm, Thái tử tin thuật số, biết là tất sẽ bị nạn, nói để vua biết, vua cũng làm lễ cầu cho Thái tử thoát nạn. Đến bấy giờ Đĩnh đến, Thái tử biết tai họa đã xảy ra, Thái tử bèn trốn vào tẩm điện của vua. Đĩnh vào Đông cung tìm Thái tử không được, bèn vào thẳng điện đình kể tội trạng Thái tử và nói với vua rằng: "Tôi nghe Thái tử ẩn trong điện, xin bắt giao cho tôi!". Nhà vua ôm Thái tử hồi lâu không nỡ buông ra. Đĩnh cứ quỳ mãi ở dưới sân, Thái tử biết không thoát được, khóc lạy ở trước giường vua rồi ra chịu trói. Đĩnh đưa Thái tử về trong phủ Chúa, Sâm sai giam lại, tra kết thành án, bắt vua ký vào rồi phế Thái tử làm dân thường”. Sau đó, Trịnh Sâm lại ép nhà vua lập người con thứ tư là Lê Duy Cận làm hoàng thái tử.
|
Trịnh Sâm.
|
Quyết làm đến tận cùng việc ác, bè đảng của chúa đứng đầu là Phạm Huy Đĩnh và Hoàng Ngũ Phúc tự dựng thành bản cáo trạng dâng lên, các đình thần cũng hùa ý theo đó kết án Thái tử phải tội giảo (thắt cổ). Sau đó, Trịnh Sâm sai Phạm Huy Đĩnh trực tiếp thắt cổ giết Thái tử, sách Hoàng Lê nhất thống chí cho hay: “Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay. Hôm ấy nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1771)”. Sau khi bắt giam vợ con của Thái tử nhốt vào ngục, Trịnh Sâm còn ra lệnh giết nhiều người thân cận của Thái tử và những quan lại phản đối hành động tàn bạo của ông.
Bình luận về vụ án này, các sử gia triều Nguyễn trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Một việc vô cùng thê thảm, đau đớn đến ngàn đời. Đọc sử đến đây làm cho lỗ mũi người ta phải chua xót!”. Người đời cũng cảm thông mà đặt ra câu phong dao than thở nỗi vô tội của Thái tử: “Thế gian đồn trá cho mình/Oan ơi hỡi ức, vốn tình mình không!”. Đối với kẻ chủ mưu là Trịnh Sâm, nhân dân thấy những việc bạo ngược của ông chúa này mà nghiến răng than oán nhưng không thể nói thẳng ra mới lấy việc trồng cây, ăn quả mà bày tỏ thái độ bằng câu ca: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Nào ai vun quén cho mày đặng ăn?”. Nói ăn quả phải nhớ người đã trồng cây là ý nhắc tới họ Trịnh là bề tôi, nhờ công tôn phù vua Lê mà được hưởng ân sủng vượt bậc, nối đời thế tập chức vương, dù nắm thực quyền nhưng trên danh nghĩa vẫn là kẻ dưới bởi “Lê tồn Trịnh tại; Lê bại Trịnh vong”, thế mà không biết nhớ ơn lại nhẫn tâm tàn độc.
Người ta có câu “nhân nào quả nấy”, “ác giả ác báo”, chúa Trịnh Sâm tưởng rằng giết hại được thái tử, loại bỏ được một người có chí muốn giành lại quyền lực về cung vua, thế nhưng chính Trịnh Sâm khiến cho cơ đồ của họ Trịnh sau mấy trăm năm chuyên quyền nhanh chóng đi tới sụp đổ chỉ vài năm khi ông chúa này chết. Sách Việt Nam phong sử có đoạn viết: “Đời truyền rằng con trưởng của Trịnh Sâm tên là Khải không được Trịnh Sâm yêu thương. Trịnh Sâm đã hại thái tử, về sau lại sinh ra Trịnh Cán. Trịnh Cán có dáng mạo giống in như thái tử Lê Duy Vĩ lúc ngồi thường lắc đầu, được Trịnh Sâm cưng lắm. Mẹ của Trịnh Cán là Tuyên phi Đặng Thị Huệ phế Khải lập Cán lên ngôi chúa, đúng là đôn đốc việc sớm suy vong của họ Trịnh đấy”.
|
Tượng chúa Trịnh Cán. |
Cũng trong sách này, khi bình về câu “Dẫu xây chính bậc phù đồ/Chi bằng làm phúc cứu cho một người” đã cho biết câu chuyện lạ lùng sau vụ thảm án như sau: “Phù đồ, tháp của tăng đồ ở chùa Phật. Một người, chỉ thái tử Lê Duy Vĩ. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, Thái tử nhà Lê là Duy Vĩ bị chúa Trịnh Sâm vu cáo và thắt cổ giết chết.
Về sau hồn của Thái tử Lê Duy Vĩ linh thiêng. Chúa Trịnh Sâm ở trong phủ thấy thái tử ở trong cửa phủ. Có khi chúa Trịnh Sâm đi ra ngoài thì thấy thái tử ở bên cầu hay ở trên thành. Chúa Trịnh Sâm lo hàng trăm cách yểm trừ mà không ngắn dứt được. Một hôm, chúa Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ cùng ngồi thuyền dạo chơi ở Hồ Tây, thấy thái tử hiện lên ở mặt nước trước mũi thuyền. Chúa lấy súng bắn thì thái tử biến mất, một lát lại thấy thái tử hiện ra nữa. Khi Đặng Thị Huệ có thai và sinh ra Trịnh Cán, có người bảo dáng mạo của Trịnh Cán giống hệt như của thái tử. Về sau Trịnh Cán đau, chỉ nhắm mắt gãi đầu và lắc đầu giống như trạng thái của người bị thắt cổ vậy. Chúa Trịnh Sâm sai người đi cầu thầy ở khắp bốn phương chữa trị mấy năm cũng không hiệu nghiệm. Chúa Trịnh Sâm bèn cầu đảo ở khắp đền chùa linh hiển và cho lập đàn chay ở trong cung, ngày đêm đốt hương cầu khấn cũng không cũng không thấy bệnh của Trịnh Cán khỏi được, cho nên người ngoài mới đặt lời hát như thế. Nói ngày nay phải tiêu vô số để đốt hương cầu khấn, dựng không biết bao nhiêu tháp Phật sao bằng lúc đầu cứu mạng cho một người bị giết oan? Đó là thương xót thái tử phải vô tội mà chết oan và cũng là làm sáng tỏ việc chúa Trịnh đã tạo ra nhiều ác nghiệt vậy”.
Lê Thái Dũng