Mai Anh Tuấn là vị Thám hoa đầu tiên của
triều Nguyễn. Ông đã sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, quên mình vì nước vì dân, thể hiện đức tính cao quý của người trí thức.
Người khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn
Mai Anh Tuấn vốn tên khai sinh là Mai Thế Tuấn. Quê ông ở Thanh Giản, Nga Sơn (Thanh Hoá). Ông sinh năm 1815 tại thôn Lang Miến phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long (nay thuộc khu vực Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, có nhiều thế hệ có công bảo vệ đất nước. Từ cụ tổ tám đời đến ông nội Mai Anh Tuấn đều làm quan các triều đại nhà Lê và đều được phong tặng nhiều chức tước quan trọng.
Chỉ tính riêng thời Lê dòng họ Mai đã có tới 31 người đỗ đạt cao và làm quan lớn trong triều đình, có nhiều công trạng được ghi danh trong sử sách. Ông tổ bốn đời của ông là Tiến sĩ, Hương lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn. Cha ông là cụ Mai Thế Trinh, làm tri huyện Thanh Trì.
Lúc còn bé Mai Anh Tuấn rất thông minh, học giỏi, 18 tuổi đỗ tú tài, 29 tuổi đỗ Thám hoa, là vị khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn. Vua Thiệu Trị vui mừng chọn được người học giỏi nên đặt tên lại cho ông là Mai Anh Tuấn. Sau khi đỗ Thám hoa, Mai Anh Tuấn lần lượt giữ chức vụ Hàn lâm viện trước tác, Hành tẩu bi thư sở Toà nội các, Hàn lâm thị độc học sĩ, được vua giao duyệt quyển khoa thi Hội để chọn tiến sĩ. Tính Mai Anh Tuấn khiêm nhường, dễ dãi nhưng khi làm việc thì rất ngay thẳng, vững vàng, được mọi người nể trọng.
|
Cổng vào đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn tại Nga Sơn, Thanh Hóa. |
Bị tội vì dâng sớ can vua
Đến đời vua Tự Đức, có viên quan nhà Thanh tên là Ngô Hội Lân bị nạn trên biển Đông, được dân chài ta cứu sống. Tổng đốc Lưỡng Quảng có công văn xin nhà vua cho Ngô Hội Lân đáp thuyền buôn về nước. Để giữ mối bang giao tốt đẹp, triều đình Tự Đức định phái thuyền nhà nước đưa Lân trở về Trung Quốc. Nhân đó một số quan chức chỉ đạo mang theo hai vạn lạng bạc, bốn mươi vạn cân gạo ngon, yến sào, tôm he, gỗ quý với ý định kết hợp buôn bán kiếm lời.
Thời bấy giờ biên giới phía Bắc đang bị bọn thổ phỉ cướp phá, nhiều quan chức không quan tâm lo lắng đến việc trấn áp bọn thổ phỉ, quân lính thì mỏi mệt, cuộc sống của nhân dân vùng biên hết sức khổ cực. Trước tình hình đó, Mai Anh Tuấn dâng sớ lên vua Tự Đức, khuyến nghị bãi bỏ việc phái thuyền sang nước Thanh và đem số bạc, số gạo khao thưởng quân sĩ có công đánh giặc.
Sớ có đoạn viết: "Nếu muốn đằm thuyền khi vượt biển thì sao không dùng đất cát mà lại phải dùng nhiều của cải như vậy? Lấy cớ làm công tác ngoại giao để tiến hành buôn bán, nếu người nước ngoài biết thì quốc thể của chúng ta sẽ ra sao? Ngu dốt như bầy tôi đây còn biết là việc không nên làm, huống chi nhà vua sáng suốt, lại có hiền thần giúp đỡ há không biết đúng sai hay sao?...".
Lá sớ dâng lên làm cho Tự Đức bực mình và cho rằng Mai Anh Tuấn là kẻ khi quân phạm thượng, không tôn trọng nhà vua. Tự Đức giao xuống cho đình thần trị tội. May có nhiều đại thần can ngăn, kiến nghị lên nhà vua không nên vì lời nói cương trực mà trị tội một người rất có tài năng. Mai Anh Tuấn được tha tội chết và điều đi làm Án sát tỉnh Lạng Sơn.
(Còn nữa...)
Tất Đạt