Công chúa Ngọc Hân đau đớn, muốn chết chung với vua Quang Trung?

Google News

Nói về sự ân cần của Nguyễn Huệ dành cho công chúa Ngọc Hân thì ngoài chi tiết trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép còn có cả trong sử.

Chẳng hạn năm 1787, khi sứ bộ Trần Công Xán (đại diện cho triều Lê) vào Phú Xuân đòi lại đất Nghệ An (đang do Tây Sơn kiểm soát), tuy không được nhưng lúc tiễn về, Nguyễn Huệ đem tặng một trăm nén bạc và bảo: - Đây là quà công chúa gửi tặng, các ông đừng từ chối.
Hay năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long thì ngoài mang theo 150 voi, 100 võng cáng còn để riêng 2 chiếc kiệu sơn son thiếp vàng, một cho Nguyễn Huệ, một cho Ngọc Hân. Có thể thấy khi làm gì thì Nguyễn Huệ cũng quan tâm đến công chúa họ Lê.
Cong chua Ngoc Han dau don, muon chet chung voi vua Quang Trung?
Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung (Lý Hùng và Thùy Lâm thủ vai) trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh minh họa. 
Nói về đức sáng của vợ hiền của công chúa Ngọc Hân khi làm Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung thì được ghi chép trong các bài biểu chúc mừng bà dịp Tết Đoan Ngọ. Bài biểu do triều thần chúc tụng có đoạn: "…Kính nghĩ Hoàng hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng, là chi nhánh của sông Ngân, sông Phái. Lúc bà vu quy cung nhân theo thử bậc, thuận lòng giúp rập, giặt giũ áo xiêm, tiếng tột đã chói lọi, nên cung kính thuận hòa, khi đưa dâu theo hằng trăm cỗ.
Lúc gà gáy, nửa đêm, bà ân cần giúp hoàng đế mặc áo thêm để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là bà, có một lần bà đã động viên nhắc nhở quân binh mang áo giáp ra chiến trường thì phải mang về chiến thắng. Về tề gia trị quốc, Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của hoàng đế. Bà khiêm nhường hòa nhã, vẫn phát huy mãi cái phẩm chất trong sáng tự nhiên”.
Một bài biểu khác chúc mừng bà có đoạn: “Kính nghĩ hoàng hậu bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc kinh Thư, giải kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào, siêng cần lo thành tựu nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu, tạo lập nên công nghiệp lớn”.
Nhưng thứ để tả tình cảm mà công chúa Ngọc Hân dành cho Nguyễn Huệ tha thiết nhất, nhiều nhất và không thể chối bỏ chính là các tác phẩm văn học mà bà để lại cho hậu thế. Hiện có 3 tác phẩm được nhiều người biết đến đề cập đến vua Quang Trung là
- Biểu chúc mừng vua Quang Trung nhập dịp lễ tứ tuần (1792)
- Ai tư vãn
- Văn tế vua Quang Trung
Trong văn tế vua Quang Trung, công chúa Ngọc Hân có nhiều câu rất cảm động như
“Tơ đứt tấc lòng ly biệt;
Châu sa giọt lệ cương thường.
Nhớ phen bến Nhị thuận buồm, hội bái việt chín châu lừng lẫy;
Vừa buổi cầu Ngân sẵn nhịp, đoàn ỷ la đôi nước rõ rang”
Hay
“Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt;
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương.
Tiệc vầy vui nhớ hãy rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần Ngự.
Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương”.
Một bài văn tế thì có thể lời lẽ thống thiết bi thương nhưng công chúa Ngọc Hân còn có bài Ai Tư Vãn là lời từ đáy lòng khiến người nghe càng phải sụt sùi đồng cảm.
Đó là lời tiếc nuối của một góa phụ trẻ mất chồng trong lúc còn nồng lửa yêu thương
“Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?
Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.
Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.
Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?
Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho”.
Và cao trào nhất trong Ai Tư vãn là công chúa Ngọc Hân thể hiện ý định quyên sinh theo chồng qua câu:
“Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e”.
Nhưng công chúa Ngọc Hân lại không thể làm điều đó vì còn phải chăm sóc hai con (với Nguyễn Huệ) nên đoạn ngay sau đó bà viết:
“Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo”.
Nếu công chúa Ngọc Hân không có tình cảm với Nguyễn Huệ sâu sắc thì bà không thể vắt tâm can, biến niềm đau thương thành từng câu từng chữ cảm động cả đất trời như vậy. Chỉ với Ai Tư vãn và Văn tế vua Quang Trung là đủ để diễn tả tình cảm thật của công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ. Ấy thế mà sau còn có nghi ngờ rằng sau công chúa Ngọc Hân đầu độc Nguyễn Huệ vì ghen tuông.
(Kỳ tới: Sự thật về chuyện ghen tuông của công chúa Ngọc Hân)
Anh Tú/Một thế giới