Phạt 100 gậy đánh vào quan tài
Bản án kỳ cục này là do
Nguyễn Ánh dành cho tướng Lê Văn Quân. Ông Lê Văn Quân quê ở Định Tường (nay là Tiền Giang), không rõ là sinh vào năm nào chỉ biết là đã theo phò Nguyễn Ánh từ thời trẻ. Trong trận mạc rất dũng mãnh xông pha nên được người đương thời đặt cho biệt hiệu là Dũng Nam Công.
Tuy xông pha trận mạc dũng mãnh nhưng Lê Văn Quân lại hẹp hòi trong cư xử với đồng liêu. Trong số các tướng lãnh cùng theo phò Nguyễn Ánh, Lê Văn Quân tỏ ra khinh thường Võ Tánh vì cho rằng ông này chỉ vì lấy công chúa Nguyễn Thị Ngọc Du mà được tin dùng chứ chẳng tài cán gì.
Định kiến đó đã dẫn đến tai họa cho ông. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết vào năm 1790, khi Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh ra đánh Bình Thuận. Trận đầu, quân của 3 người thắng lớn. Nhân đó Lê Văn Quân tự đề cao công trạng của mình. Bất bình, Võ Tánh khinh Lê Văn Quân ra mặt.
Nhân đà thắng lợi, Lê Văn Quân đánh ra tận Diên Khánh nhưng Nguyễn Văn Thành can ngăn nên ông đóng quân lại Phan Rang chờ thời. Chúa Nguyễn Ánh để Văn Quân ở lại còn Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành được lệnh rút quân về.
Quân hai ông kia vừa đi thì quân Tây Sơn tập kích. Lê Văn Quân không chống được, buộc phải đưa thư cáo cấp. Nhận thư ấy, Nguyễn Văn Thành khuyên Võ Tánh cùng nhau đem quân trở lại, nhưng Võ Tánh quyết không nghe, chỉ một mình Nguyễn Văn Thành trở lại cứu Lê Văn Quân.
|
Lăng mộ Lê Văn Duyệt ngày nay. Ảnh: Wikipedia. |
Sang mùa thu năm đó, Lê Văn Quân lại một lần nữa phải xin quân cứu viện khi bị Tây Sơn đánh mạnh ở Phan Rí. Từ đây ông bắt đầu nhụt chí thấy thua kém mọi người.
Thời gian ấy, quân Xiêm gây hấn ngoài bờ cõi, Nguyễn Ánh cho gọi Lê Văn Quân về để ra mặt biên giới Xiêm. Nhưng Văn Quân dùng dằng không tiến quân mà lại dâng biểu nói: Khi trước ở Bình Thuận, quan quân đến cứu viện khiến giặc phải rút lui, nhưng quan quân phần nhiều làm việc càn rỡ, cướp bóc dân đen, vậy, xin phái người tới xét hỏi để giữ nghiêm quân lệnh.
Ý tứ trong tờ biểu này, Lê Văn Quân muốn nhằm vào Võ Tánh. Nhận biểu, Nguyễn Ánh giận quở rằng : - Việc qua lâu rồi, hà cớ gì cứ phải xét lại để gây thêm phiền nhiễu. Vả lại, triều đình đang có lắm việc phải lo, thế mà không chịu nghĩ đến, toan tính việc nhỏ là sao ?
Đáp lại, Lê Văn Quân bèn cáo bệnh không tiến quân. Nguyễn Ánh bèn sai người đến thay và chia quân lính của Quân cho người khác chỉ huy. Về phần Quân thì bị giao cho đình thần nghị tội.
Các bề tôi bàn phải xử tử nhưng Nguyễn Ánh nghĩ Quân có công lao nên tha chết, chỉ tước hết quan chức. Về nhà, Quân uống thuốc độc tự tử.
Nguyễn Ánh nghe tin vừa tức giận vừa tiếc bèn tới tận nhà thương khóc nhưng đồng thời cũng sai người lấy gậy đánh vào quan tài 100 gậy rồi mới cấp cho 8 người lính làm phu mộ đem an táng.
Những bản án xâm phạm mồ mả
Đến thời vua Minh Mạng, ông vua này có hai lần xử án người chết nữa. Đó là vụ án
Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Cả hai tội phạm này đều bị xử sau khi đã yên phận dưới mồ.
Điểm tương đồng của cả hai ông này là đều là công thần triều Nguyễn, là những võ tướng đã theo Nguyễn Ánh vào sinh ra tử để lập ra vương triều. Thứ hai là đều bị nhà vua cho triều đình xử lại sau khi đã xuống suối vàng. Kết cục của những lần xử lại này đều là san bằng mồ mả và dựng những tấm bia với nội dung dạng như “gian thần Lê Chất phụng pháp xứ”.
Vụ án Lê Văn Duyệt đã nhiều lần được nói đến, nay xin lược thuật vụ án của Lê Chất. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau (Bính Thân, 1836) có quan Lại bộ tả thị lang Lê Bá Tú dâng sớ truy hặc Lê Chất phạm những 16 tội.
Một trong những tội to mà Lê Bá Tú hặc cho Lê Chất là khi điểm binh ở Bắc thành, dám lên tận Ngũ Môn mà ngồi ở giữa, không biết giữ đúng lễ của kẻ bề tôi. Ngoài ra còn nhiều tội trạng khác nữa.
Theo
Việt sử giai thoại (tập 8) của Nguyễn Khắc Thuần, Vua
Minh Mạng nghe đình thần tâu lên thì dụ rằng: Chất lòng lang dạ sói, nét rất quỷ quái, làm tôi thì bất trung bất chính, xử sự thì đại ác đại gian, việc gì làm cũng sai trái, ai ai biết đến cũng đều phải nghiến răng, tội lỗi nào phải chỉ có mười sáu điều như Lê Bá Tú nêu đâu.
Trước kia, trẫm nghĩ rằng, Chất cùng Lê Văn Duyệt, dẫu lòng chúng chẳng đáng kẻ làm tôi mà chẳng có ai phụ họa vào thì tất chúng chẳng dám làm điều ác. Vả chăng, chúng là nhất phẩm đại thần, cho nên dẫu có mưu gian mà bá quan cùng trăm họ chưa ai tố cáo thì cũng không nỡ khép vào trọng tội. Lũ chúng đã bị Diêm Vương bắt đi tưởng như thế là lưới trời thưa mà lọt được, và trẫm cũng chẳng thèm hỏi đến. Nay có người truy xét thì công tội đã có triều đình nghị luận, cốt sao tỏ rõ khi sống bọn chúng đã làm điều trái phép…”
Sau cùng, Minh Mạng ra một bản án tương tự như bản án dành cho Lê Văn Duyệt năm trước: “Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt dựa nhau làm điều gian manh, tội ác nặng ấy thấm đến tai đến tóc, giá có bổ quan tài của chúng ra mà vằm xác cũng không có gì là quá đáng. Nhưng, Chất và Duyệt tội ác giống nhau mà trước đây đã không bổ quan tài ra mà chém xác Duyệt, thì nắm xương khô của Chất, ta cũng chẳng thèm gia hình làm gì.
Vậy, sai Bình Phú Tổng đốc là Vũ Xuân Cẩn san bằng mồ mả của Chất rồi dựng tấm bia đá lên đó, khắc lớn mấy chữ gian thần Lê Chất phục pháp xứ (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp) cốt để răn những kẻ gian tặc cho muôn đời. Vợ Chất là Lê Thị Sa vốn ở cùng chỗ với chồng nên dự biết mưu gian, nếu có đem xử cực hình cũng là phải, nhưng nó chỉ là đàn bà, không thèm chém vội, vậy, tạm cho Lê Thị Sa cùng lũ con của chúng là Cận, Trương và Kỵ đều được giảm xuống tội trảm giam hậu”.
Những bản án vừa nêu là những lần hiếm có trong lịch sử nước ta. Có lẽ khởi đầu từ Gia Long với việc đánh 100 gậy vào quan tài Lê Văn Quân và sau đó là đào lăng mộ triều Tây Sơn lên để trả thù nên tạo ra tiền lệ cho Minh Mạng thi hành những bản án có tính “xâm phạm mồ mả” về sau đối với Lê Văn Duyệt và Lê Chất chăng?
Vũ Tiến Đức