Cảnh sát Ấn Độ bắt giữ 14 nghi phạm được cho là có liên quan đến cáo buộc tiêm nước muối thay cho vaccine Covid-19 tại 9 điểm tiêm chủng ở Mumbai trong tháng 5 và tháng 6, New York Times đưa tin ngày 4/7.
Các đơn vị điều phối việc tiêm chủng, bao gồm các chuyên gia y tế, được cho là phải trả từ 10-17 USD cho mỗi liều vaccine giả nói trên. Các nhà chức trách sở tại cho biết họ đã tịch thu hơn 20.000 USD từ các nghi phạm.
Vishal Thakur, một cảnh sát ở Mumbai, cho biết: "Các nghi phạm bị cáo buộc tội làm giả (vaccine) và lừa đảo".
Luật sư Siddharth Chandrashekhar đệ đơn kiện lên một tòa án ở Mumbai. Ông mô tả vụ lừa đảo này là một thực tế "đau lòng". Đại diện của tòa án cho biết họ "thực sự rất bất ngờ khi các vụ việc tiêm vaccine giả đang có chiều hướng gia tăng".
|
Người dân Mumbai tham gia tiêm chủng ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ ở Mumbai, tại Kolkata, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông đóng giả là công chức có bằng thạc sĩ về di truyền học. Ông này được cho là đã điều hành 8 điểm tiêm vaccine giả.
Trong số 500 người bị tiêm vaccine giả ở Kolkata có ít nhất 250 người khuyết tật và người chuyển giới, theo nguồn tin từ cảnh sát sở tại.
Atin Ghosh, quan chức Kolkata, cho biết vaccine giả được chứa trong các lọ có nhãn hiệu là vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất.
Vụ lừa đảo được đưa ra ánh sáng sau khi nữ diễn viên kiêm chính trị gia Mimi Chakraborty nghi ngờ về mũi vaccine mình được tiêm. Sau đó cô đã báo cảnh sát.
Debashis Barui, một quan chức y tế Kolkata, nói rằng nhiều người trong số các nạn nhân đang "hoảng sợ" về những tác dụng phụ có thể xuất hiện từ liều vaccine giả mà họ được tiêm.
Ông Barui nói với AFP: "Các nhà chức trách sẽ lập tức tiến hành điều trị cho những người bị tiêm vaccine giả nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra".
Ấn Độ đã triển khai gần 39 triệu liền vaccine ngừa Covid-19, theo hãng tin NDTV.
Tính đến ngày 4/7, theo thống kê của Worldometers, Ấn Độ ghi nhận hơn 30,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 402.000 trường hợp tử vong.
Theo Đại Hoàng/Zingnews.vn