Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến thăm 4 nước châu Á gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam; đồng thời tham dự một loạt sự kiện quan trọng tại khu vực.
Đây là chuyến thăm châu Á thứ hai của ông Esper kể từ khi lên nhậm chức vào cuối tháng 7, cho thấy những ưu tiên hợp tác quốc phòng của Mỹ tại khu vực này. Chuyến đi là dịp để chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác ở châu Á.
|
Bộ trưởng Mỹ Esper. Ảnh: Reuters. |
Khả năng Mỹ điều chỉnh quy mô hoạt động quân sự tại Hàn Quốc
Trước khi bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á của mình, ông Mark Esper đã đề cập tới việc Mỹ có thể điều chỉnh hoạt động quân sự của mình trên bán đảo Triều Tiên nếu điều này có ích cho các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên. Cụ thể là Mỹ có thể điều chỉnh cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc vào năm sau, hoạt động mà Triều Tiên luôn coi là một sự chuẩn bị cho các cuộc tấn công nước này đồng thời đã coi đó là gáo nước lạnh đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều.
Mặc dù ông Esper nói rằng Mỹ có thể điều chỉnh hoạt động quân sự của mình trên bán đảo Triều Tiên nhưng ông không nói rõ cụ thể sẽ điều chỉnh như thế nào, đồng thời cho biết mọi điều chỉnh sẽ được cân nhắc cùng với sự tham vấn của Hàn Quốc và đây không phải là một sự nhượng bộ đối với Triều Tiên, nước vừa tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiến hành diễn tập quân sự vào năm tới.
Mỹ và Hàn Quốc trên thực tế đã giảm quy mô của các cuộc diễn tập quân sự chung với hy vọng thuyết phục Triều Tiên tiến tới một thỏa thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân, tuy nhiên điều này đã không mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, mặc dù ông Esper để ngỏ khả năng điều chỉnh hoạt động quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh sẽ không làm ảnh hưởng tới sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội, điều đó có nghĩa cuộc diễn tập sẽ vẫn diễn ra nhằm có sự chuẩn bị đối phó với mọi động thái từ phía Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích các cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc là quá tốn kém và khiêu khích, tuy nhiên giới chức quân sự Mỹ cho rằng đây là một hoạt động quan trọng mang tính răn đe Triều Tiên và để đảm bảo rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào từ Bình Nhưỡng sẽ đều thất bại.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
Khi tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ở Thái Lan, chắc chắn Bộ trưởng Esper sẽ nhấn mạnh những ưu tiên và cam kết của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cụ thể là sẽ tương tự nội dung bản báo cáo mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố mới đây với tên gọi “Một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”. Bản báo cáo này cung cấp chi tiết về các sáng kiến ngoại giao, kinh tế, giám sát nhà nước và an ninh trong hai năm qua, từ đó cho thấy cam kết tiếp diễn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cách Mỹ đã và đang củng cố quan hệ giao lưu nhân dân cũng như quan hệ song phương.
Bản báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là sự cập nhật những gì phía Mỹ đã làm riêng cũng như cùng các đối tác liên quan trong thời gian qua phục vụ cho việc thực hiện ý tưởng về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông điệp đối ngoại mà phía Mỹ muốn phát đi gửi tới các nước trong khu vực là Mỹ kiên định thực hiện ý tưởng này chứ không đánh trống bỏ dùi trong khi thông điệp đối nội từ đó là chính quyền của Tổng thống Donald Trump có tầm nhìn mới mà còn xa hơn và chiến lược hơn so với chính quyền tiền nhiệm đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong thực chất, bản báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ là dùng sự nhìn lại để thể hiện định hướng hành động của Mỹ trong chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. So với tất cả các văn kiện chính sách chính thức hoặc hàm chứa quan điểm chính sách của chính quyền của ông Trump thể hiện cho tới nay về chiến lược này thì báo cáo nói trên vừa bao trùm và đầy đủ lại vừa chi tiết và cụ thể rõ ràng hơn cả. Có thể lọc được ra từ đó 4 điều đáng được chú ý:
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên phía Mỹ gắn kết chiến lược này với chiến lược hay chính sách của các đối tác khác để thể hiện là Mỹ không riêng biệt mà đồng hành cùng các đối tác, cụ thể như tầm nhìn và cách tiếp cận của Mỹ gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, với Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, với Kế hoạch Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Australia, với Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc và Chính sách mới gắn kết với phương Nam của Đài Loan (Trung Quốc). Cái gọi là “Tứ giác kim cương” được dựng làm trụ cột và trung tâm cho Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở giờ có thêm hai đối tác nữa ở khu vực liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.
Thứ hai đó là báo cáo này giống như sự cụ thể hoá và hoàn chỉnh hoá chiến lược của Mỹ cho khu vực này, bao trùm lên nhiều lĩnh vực với nội dung và dự án hợp tác cụ thể. Qua đó, người ngoài không thể không có cảm nhận là Mỹ đưa ra và thực hiện một chiến lược ở khu vực mà là một ý tưởng chiến lược của Mỹ cho các đối tác trong khu vực với sự tham gia cùng thực hiện của các đối tác này và thậm chí còn với cả sự phân công, phân vai để thực hiện.
Thứ ba, Trung Quốc cùng với Triều Tiên và Nga bị nêu đích danh trong báo cáo là địch thủ mà Mỹ chủ định và phải đối phó, chiến tranh mạng từ 3 nước này và mưu đồ cũng như hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông được Mỹ coi là những thách thức an ninh lớn nhất về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế, đòi hỏi Mỹ phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu để đối phó.
Và cuối cùng, phía Mỹ muốn phát đi thông điệp tới các nước trong khu vực là nên tin tưởng Mỹ và hoài nghi Trung Quốc, nên gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc.
Cam kết của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương
Đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Tổng thống Donald Trump không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và thay vào đó chỉ cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert Obrien làm trưởng đoàn tham dự. Tuy nhiên, không hẳn là ông Trump không quan tâm tới khu vực này mà thực tế ông Trump đang có quá nhiều vấn đề quan trọng khác phải bận tâm, cụ thể như cuộc điều tra luận tội trong nước hay thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ - ASEAN trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN tại Thái Lan, đại diện Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Mỹ dự một Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt vào quý 1 năm 2020.
Theo một số nhà quan sát, quyết định tổ chức Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ-ASEAN chỉ là động thái an ủi mà ông Trump dành cho các nước Đông Nam Á, nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều đó phản ánh một mối quan tâm có thật của Mỹ đối với khu vực. Đây không phải là một sáng kiến mới vì vào năm 2016, người tiền nhiệm của ông Donald Trump là Barack Obama đã từng mời các lãnh đạo ASEAN đến họp tại Sunnylands để nhấn mạnh hồ sơ Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.
Từ ngày ông Trump lên làm tổng thống, các quan chức Mỹ cũng đã từng xem xét khả năng tổ chức lại một thượng đỉnh tương tự, vừa để công nhận tầm quan trọng của khu vực đối với Mỹ, vừa giúp Tổng thống Trump khỏi nhức đầu với việc năm nào cũng phải bố trí thời gian, vốn rất hạn hẹp của ông, để qua Đông Nam Á dự các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN.
Chính vì lý do lịch trình mà Tổng thống Trump chỉ mới tham dự các cuộc họp của ASEAN vào năm 2017, qua năm sau 2018, ông đã phải cử Phó Tổng thống Mike Pence đi thay, và năm nay là một phái đoàn cấp thấp nhất của Hoa Kỳ tới dự thượng đỉnh kể từ khi Washington tham gia khối Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011.
Theo một số nhà quan sát, quyết định cấp tốc tổ chức một Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ - ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ tại hội nghị ASEAN để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á. Lời mời là một trong một loạt những cử chỉ nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á và điều này cũng đã được thể hiện trong bản báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ về các tiến bộ đạt được trong việc triển khai chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Nếu thực sự diễn ra, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt mới giữa Mỹ và ASEAN sẽ không phải là không có ý nghĩa.
Đối với Mỹ, hội nghị sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Trump củng cố thêm tầm quan trọng dành cho vùng Đông Nam Á nói chung và một loạt các quốc gia Đông Nam Á cụ thể nói riêng trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hình thành một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP). Hội nghị đặc biệt này cũng nhằm nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á trong dư luận Mỹ vì lẽ khu vực này không được công chúng Mỹ chú ý bằng các cường quốc châu Á khác như Trung Quốc hay Nhật Bản.
Còn đối với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những lo ngại mà họ có về chính quyền Trump, Thượng đỉnh Đặc biệt đó sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Trump công bố đề cử Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 6/2019 (Nguồn: VTC1)
Theo Phạm Huân/VOV.VN