Indonesia: Bệnh viện báo động khi 8 bác sĩ tử vong vì Covid-19

Google News

Thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân là một trong những nguyên nhân khiến các nhân viên y tế tại Indonesia bị lây nhiễm và tử vong trong cuộc chiến chống Covid-19.

Các bệnh viện ở Indonesia cảnh báo các y bác sĩ có nguy cơ nhiễm Covid-19 rất cao và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ đặc biệt. TS Mohammad Adib Khumaidi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia cho rằng nguyên nhân của chuyện này là thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân.
8 bác sĩ chết vì Covid-19, các bệnh viện báo động
Vào ngày 21-3, BS Djoko Judodjoko trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Jakarta (Indonesia). Vị bác sĩ 70 tuổi này vốn mắc các bệnh tiềm ẩn đã nhiễm và được điều trị COVID-19 nhưng không qua khỏi.
Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia, ông là một trong bảy bác sĩ ở Indonesia nhiễm và chết vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
TS Pandu Riono, em rể của ông Judodjoko, viết trên Twitter: “Chia tay người anh yêu quý. Tha lỗi cho em đã không thể thúc đẩy chính phủ dưới thời ông Jikowi (Tổng thống Indonesia Joko Widodo - PV) vượt qua đại dịch COVID-19. Anh bị nhiễm bệnh khi đang làm việc. Nhiều nhân viên y tế cũng đã nhiễm bệnh và ra đi. Lý do thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) là không thể tha thứ được”.
Indonesia: Benh vien bao dong khi 8 bac si tu vong vi Covid-19
 Nhân viên y tế điều trị một bệnh nhân COVID-19 tại phòng cách ly ở BV đa khoa Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THE PHNOM PENH POST 
“Nói thôi chưa đưa đủ, chúng ta cần phải hành động” - chuyên gia y tế công cộng thuộc ĐH Indonesia viết trên Twitter.
Hiện hơn 40 nhân viên y tế ở Indonesia đang được điều trị COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 liên quan tới những nhân viên y tế đã khiến các đồng nghiệp của họ trên khắp Indonesia cảnh giác hơn, đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ họ.
“Đây không chỉ là những con số, không chỉ là thống kê. Đây là những con người” - TS Riono nói với kênh Channel News Asia (CNA).
Trả lời phỏng vấn CNA, y tá Siswanto cho hay ông lo ngại về những nhân viên y tế chết do COVID-19.
“Tôi rất lo lắng… chính quyền địa phương phải cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân đầy đủ cho các y tá” - ông nói.
Ông Siswanto làm việc tại BV Gunung Jati ở TP Cirebon, tỉnh Tây Java. Bệnh viện này đến nay đã điều trị hai bệnh nhân COVID-19, trong đó một người đã qua đời còn người kia đã hồi phục và xuất viện.
Indonesia: Benh vien bao dong khi 8 bac si tu vong vi Covid-19-Hinh-2
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại bệnh viện khẩn cấp điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Jakarta. Ảnh: REUTERS
Tại TP Malang thuộc tỉnh Đông Java, TS Didi Candradikusuma - người đứng đầu khoa về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới của BV Dr Saiful Anwar cũng có chung lo lắng này.
“Các bác sĩ và y tá có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, vì vậy các biện pháp bảo vệ đặc biệt là PPE cần phải đặt làm ưu tiên hàng đầu” - TS Candradikusuma nói với CNA.
Thiếu nghiêm trọng thiết bị bảo hộ cá nhân
TS-BS Riono, em rể của BS Judodjoko đã qua đời, nói rằng việc thiếu PPE là một trong những nguyên nhân khiến các nhân viên y tế tử vong trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó của CNA, TS Candradikusuma nói rằng trang thiết bị tổng hợp tại BV Dr Saiful Anwar như găng tay và khẩu trang đủ dùng trong bốn tháng tới. Tuy nhiên, ông nói do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến nên thiếu hụt.
“Số lượng hiện tại không đủ bởi vì nhu cầu cao và chúng tôi sắp hết nguồn cung. Vì vậy, quyên góp nên là quyên góp PPE hay thiết bị y tế thay vì tiền” - ông Candradikusuma nói thêm.
Hiện tại, BV Dr Saiful Anwar điều trị ba bệnh nhân COVID-19.
Chính quyền Jarkarta cho biết ít nhất 44 nhân viên y tế tại thủ đô đã nhiễm COVID-19 tính đến ngày 24-3.
“Với tình hình hiện tại, một điều chắc chắn là họ (nhân viên y tế) không có lựa chọn nào ngoài điều trị cho bệnh nhân mà không có thiết bị bảo hộ cá nhân đầy đủ” - TS Khumaidi lưu ý.
BS Pratiekauri của BV Sulianti Saroso nói thêm: “Chúng tôi sắp hết nguồn hàng PPE. Chúng tôi sẽ hết hàng trong tuần này. Chúng tôi cố gắng mua từ nhiều nơi khác nhau nhưng có điều là chúng tôi đang cạnh tranh với các bệnh viện khác”.
Trong khi đó, ở thủ đô Jakarta, BV Persahabatan đã kêu gọi tất cả đội ngũ y tế tại quần đảo đề phòng hơn và duy trì sức khỏe cá nhân khi bốn bác sĩ được điều trị tại bệnh viện đã qua đời.
TS Siti Pratiekauri làm việc tại BV Sulianti Saroso về điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở Jakarta cho hay các chuyên gia y tế đang trải qua những thăng trầm cảm xúc nhưng họ cố gắng hỗ trợ lẫn nhau. Bà Pratiekauri chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên y tế để đối phó dịch COVID-19.
“Chính phủ nên ủng hộ chúng tôi và quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi rất vui khi mọi người đã nghĩ tới chúng tôi bằng cách quyên góp, ủng hộ PPE… và những vòng hoa kèm theo những lời động viên chúng tôi. Điều này đã giúp chúng tôi về mặt tinh thần” - bà Pratiekauri nói.
Indonesia: Benh vien bao dong khi 8 bac si tu vong vi Covid-19-Hinh-3
Nhân viên y tế Indonesia chuẩn bị phòng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP 
Hiệp hội Y khoa Indonesia đang xem xét nguyên nhân của tất cả cái chết nói trên và đang nhấn mạnh những gì họ nói là vấn đề lớn.
“Vấn đề vào lúc này là nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cần được cách ly vì họ đã tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 và họ đã phàn nàn về các triệu chứng (của COVID-19). Chúng tôi đã nhận được báo cáo này từ các đồng nghiệp ở Jakarta, Surabaya và Malang” - Tiến sĩ Mohammad Adib Khumaidi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia, cho biết.
Ông Khumaidi nói thêm nguyên nhân của chuyện này là thiếu PPE.
Ngoài bảy bác sĩ qua đời nói trên, Hiệp hội Y khoa Indonesia còn báo cáo trường hợp một bác sĩ là thành viên của đội đặc nhiệm chống COVID-19 đã tử vong do đau tim và kiệt sức.
Indonesia: Benh vien bao dong khi 8 bac si tu vong vi Covid-19-Hinh-4
 Nhân viên y tế tại một phòng khám cộng đồng ở Bogor, Indonesia phải mặc áo mưa đề phòng lây nhiễm COVID-19 do thiếu đồ bảo hộ. Ảnh: Istimewa
Một số nhân viên y tế chết dù không điều trị bệnh nhân COVID-19
Tiến sĩ Riono nói rằng ông Judodjoko thực tế không điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Ông Riono cho rằng mọi nhân viên của cơ sở y tế, kể cả các bác sĩ điều hành phòng khám riêng nên nhận thức rằng họ có thể đang phục vụ những người đã nhiễm COVID-19.
“Họ nên được cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhiều báo sĩ không ý thức chuyện này, họ nghĩ họ đang điều trị cho những bệnh nhân bình thường nhưng những gì xảy ra là họ (bệnh nhân) đang lây nhiễm cho các bác sĩ. Đó là lý do trong vài tháng đầu, nhiều nhân viên y tế sẽ bị nhiễm bệnh” - ông nói.
Indonesia: Benh vien bao dong khi 8 bac si tu vong vi Covid-19-Hinh-5
 Người dân giữ khoảng cách xã hội tại một bệnh viện ở Padang, tỉnh Tây Sumatera, Indonesia. Ảnh: REUTERS
TS Riono lưu ý: “Những gì đang xảy ra hiện nay là nhiều người ở Indonesia đã nhiễm bệnh nhưng vẫn chưa biết do thiếu bộ kit xét nghiệm”.
Chuyên gia y tế công cộng này nói thêm: “Việc bảo vệ nhân viên y tế là ưu tiên số 1. Họ làm việc không phải vì tiền… họ làm vì tiếng gọi nghề nghiệp trong họ”.
Ông nói rằng nếu Indonesia gặp vấn đề về nguồn cung PPE, nước này có thể sản xuất trong nước.
BV Dr Moewardi tại TP Solo cho hay họ đang sản xuất bộ đồ phòng dịch của riêng họ trong vài ngày qua vì không thể mua được ở bất cứ đâu.
Bất kể tình hình khó khăn thế nào, ông Siswanto - y tá tại bệnh viện Gunung Jati nói rằng có một điều ai cũng có thể làm.
“Cộng đồng (nói chung) phải tuân thủ các quy định của chính phủ và tuân theo việc giữ khoảng cách xã hội” - ông Siswanto nói.
Indonesia hôm 23-2 nhận một lô PPE từ Trung Quốc. Nước này đã bắt đầu phân phát chúng trên toàn quốc song BS Pratiekauri nói như vậy vẫn không đủ.
“Chúng tôi đã nhận 1.500 bộ đồ bảo hộ nhưng nó sẽ hết trong năm ngày” - bà nói. BS Pratiekauri nói thêm họ đặc biệt cần khẩu trang, nhiệt kế và giày bảo hộ.
Hôm 23-23, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn tới các nhân viên y tế đã qua đời. Ông Widodo cho biết 300 triệu rupiah (tương đương 18.622 USD) sẽ được giải ngân dưới dạng tiền bồi thường cho mỗi nhân viên y tế tử vong.
Tổng thống Widodo cũng thông báo rằng các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa, nha sĩ, nữ hộ sinh và y tá cũng như các nhân viên y tế khác sẽ được cung cấp tiền hỗ trợ hằng tháng. Số tiền này sẽ dao động từ 5 triệu tới 15 triệu rupiah.
Tính đến ngày 25-3, Indonesia ghi nhận 709 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 58 người đã tử vong.
Theo Tri Túc/PLO