Theo đó, đây được coi là một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật thời kì hậu chiến tranh. Trong cuộc họp vào sáng ngày 1/7, Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và đối tác liên minh là Đảng Công Minh mới (New Komeito) thông qua một bản dự thảo cuối cùng nhằm loại bỏ các rào cản pháp lý trong bản Hiến pháp Hòa bình của nước này trong việc hạn chế các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ nước này.
|
Từ trái qua phải, ông Phó Chủ tịch Đảng Công Minh mới Kazuo Kitagawa, Phó Chủ tịch đảng LDP Masahiko Komura và Tổng Thư ký Shigeru Ishiba trong một cuộc họp của liên minh đảng cầm quyền về chính sách an ninh quốc gia ngày 20/6.
|
Theo đó, dự thảo ghi, Chính phủ đã kết luận rằng, Hiến pháp cần phải được giải thích lại để cho phép lực lượng vũ trang sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu cần thiết như các biện pháp tự vệ trong điều kiện nhất định. Các biện pháp tự vệ này sẽ được sử dụng khi một quốc gia nước ngoài có mối quan hệ thân thiết với Nhật Bản đối mặt với cuộc tấn công vũ trang, và cả khi sự sống còn của nước Nhật bị đe dọa và các quyền cơ bản của con người bị đảo ngược.
Sau cuộc họp vào sáng 1/7, Phó Chủ tịch đảng LDP, ông Masahiko Koumura phát biểu với cánh phóng viên rằng, liên minh đảng cầm quyền đã ra quyết định trên nhằm đáp ứng kiến nghị từ Thủ tướng Shinzo Abe. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Đảng Công Minh mới Kazuo Kitagawa cho hay, việc diễn giải lại Hiếp pháp đã đạt tới giới hạn của nó.
“Bất kì sự thay đổi nào sẽ kéo theo đòi hỏi về một sửa đổi trong Hiến pháp”, ông phát biểu.
Nội các dự kiến sẽ chính thức thông qua sự thay đổi chính sách này trong một cuộc họp bất thường diễn ra vào cuối ngày 1/7. Còn Thủ tướng Abe sau đó sẽ tổ chức một cuộc họp báo để giải thích lý do đằng sau quyết định trên.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới 2, Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản cấm sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nước khác mà chỉ sử dụng lực lượng vũ trang nhằm mục đích tự vệ. Còn Thủ tướng Shinzo Abe liên tục nêu lý do cho việc đẩy mạnh thay đổi Hiến pháp nhằm nới lỏng quyền sử dụng quân đội là để ứng phó với tình hình căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là bởi sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và mối đe dọa từ Triều Tiên. Động thái này của ông Abe đã vấp phải nhiều sự chỉ trích trong dân chúng.
Thanh Nga (theo NHK)