Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/3 nhận định rằng đang có "những dấu hiệu đáng khích lệ" về tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu khi số ca nhiễm ở Italy có giảm so với những ngày trước.
"Mặc dù tình hình vẫn rất nghiêm trọng, chúng ta bắt đầu thấy vài dấu hiệu đáng khích lệ. Italy, nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, đã chứng kiến tỷ lệ nhiễm bệnh chậm hơn một chút, dù còn quá sớm để nói rằng dịch bệnh đang đạt đỉnh ở đó", ông Hans Kludge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, nhận định.
Trên toàn cầu, 6 trên 10 trường hợp nhiễm Covid-19, và 7 trên 10 trường hợp tử vong là diễn ra ở châu Âu. Khi virus corona lan rộng khắp lục địa, nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm khắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm đóng cửa biên giới, dừng hoạt động sản xuất cũng như hạn chế tụ họp nơi công cộng.
Theo ông Kluge, các nước này sẽ sớm xác định được mức độ thành công của các biện pháp phong tỏa. Nhưng ông cũng cảnh báo các chính phủ và công dân châu Âu cần phải làm quen với một thực tại mới tạo nên bởi đại dịch, và phải chuẩn bị cho tác động lâu dài.
"Đây không phải là một cuộc đua nước rút, đây là một cuộc đua marathon", ông Kluge nói.
IMF kêu gọi G20 tăng quỹ khẩn cấp
Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi lãnh đạo các nước G20 tăng gấp đôi quỹ khẩn cấp của nhóm để củng cố khả năng phản ứng với đại dịch Covid-19, thứ được cho là sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2020.
Trong một thông báo gửi tới lãnh đạo của tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết độ sâu của cuộc khủng hoảng và tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc ngăn chặn đại dịch và "mức độ quyết liệt và phối hợp của các chính sách tài chính và tiền tệ của chúng ta".
Số ca tử vong tại Tây Ban Nha vượt 4.000
Tây Ban Nha thông báo có 655 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ qua trên đất nước, giảm nhẹ so với số ca tử vong của ngày hôm trước (738). Như vậy tới nay số người tử vong vì virus corona ở Tây Ban Nha đã vượt mốc 4.000 (4.089).
Những số liệu này củng cố cho tuyên bố của chính phủ cho biết tình hình bệnh dịch đã ổn định hơn sau các biệt pháp phong tỏa quyết liệt được đưa ra vào 2 tuần trước.
Tuy nhiên hôm 25/3 ông Ferrnando Simon, người đứng đầu Trung tâm Y tế Khẩn cấp của Tây Ban Nha nói rằng nước này vẫn chưa qua đỉnh dịch, và mới chỉ ở gần nó mà thôi. Số ca nhiễm mới trong ngày 26/3 là 8,578 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc từ khi dịch bùng phát lên 56.188.
|
Một bệnh viện dã chiến mới hoàn thành tại Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Moscow đóng cửa tất cả cửa hàng, trừ nơi bán thực phẩm
Chính quyền thành phố Moscow tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà hàng, quán bar, công viên, và bất cứ cửa hàng nào không bán thực phẩm trong bối cảnh Nga ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 kỷ lục. Các cửa hàng thuốc được phép mở cửa trong thời gian này.
Biện pháp này, tương tự động thái của nhiều quốc gia châu Âu khác, từng được xem là khó có thể tưởng tượng cho đến tận tháng 3, giờ đã trở thành một phần của phản ứng được thiết lập để chống lại sự lây lan của virus corona.
Trong một thông báo trên mạng xã hội, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cũng ra lệnh đóng cửa một số văn phòng của chính quyền thành phố, và kêu gọi người dân Nga ở thủ đô không tới các địa điểm tôn giáo, cũng như người dân cả nước không tới các địa danh ở Moscow trong kỳ nghỉ lễ kéo dài vào tuần tới.
Toàn bộ các chuyến bay quốc tế cất cánh và hạ cánh ở Moscow cũng bị tạm dừng, ngoại trừ các chuyến bay đưa người Nga ở nước ngoài hồi hương.
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-18 tăng kỷ lục trong ngày 26/3, với 182 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 840. Đã có 3 người được xác nhận tử vong vì virus, mặc dù nhiều người cho rằng nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19 không được ghi nhận với nguyên nhân viêm phổi.
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-18 tăng kỷ lục trong ngày 26/3, với 182 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 840. Đã có 3 người được xác nhận tử vong vì virus, mặc dù nhiều người cho rằng nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19 không được ghi nhận với nguyên nhân viêm phổi.
Tokyo cảnh báo ca nhiễm "bùng nổ"
Tokyo cũng chuẩn bị đưa ra các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn để ngăn chặn một "sự bùng phát" số ca nhiễm mới.
Thị trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko kêu gọi người dân thủ đô "bằng mọi giá" phải ở trong nhà cuối tuần này để ngăn chặn sự bùng phát các ca nhiễm, do có sự gia tăng về số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Bà Yuriko cho biết tình hình là "nghiêm trọng", nhưng không đưa ra các biện pháp phong tỏa bắt buộc như các nơi khác trên thế giới.
Iran có 2.234 người chết
Trong khi đó, Bộ Y tế Iran hôm 26/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 157 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì virus corona lên đến 2.234.
Bộ Y tế Iran cũng cho hay tổng số ca nhiễm đã tăng lên đến 29.406. Hiện Iran là nước đứng thứ sáu thế giới về số ca nhiễm, theo thống kê của Đại học John Hopkins.
Iran hôm 25/3 cũng đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm giao thông liên tỉnh, một ngày sau khi chính phủ cảnh báo đất nước có thể đối mặt với sự tăng vọt về số ca nhiễm, theo Reuters.
|
Lính cứu hỏa phun thuốc khử trùng trên đường phố Tehran hôm 18/3. Ảnh: Reuters. |
Giới chức cũng lên tiếng về việc nhiều người Iran phớt lờ khuyến cáo ở nhà, không đi lại nhân dịp năm mới truyền thống theo lịch Ba Tư, bắt đầu vào ngày 20/3.
"Những ai đã đi xa trong kỳ nghỉ năm mới nên lập tức trở lại thành phố mà không dừng nghỉ ở các thành phố khác trên đường quay về", Hossein Zolfaghari, thành viên nhóm chỉ đạo chống dịch quốc gia Iran, nói.
Tổng thống Hassan Rouhani nói Iran sẽ khống chế được sự lây lan của virus trong 2 tuần tới, cho hay các biện pháp mới đã được thực hiện để giảm thiểu tác động kinh tế với tầng lớp thu nhập thấp.
Ông cũng cho biết chính phủ sẽ gửi thư cho lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei để xin phép rút 1 tỷ USD từ quỹ tài sản đất nước.
Theo Sơn Trần-Đông Phong/Zing.vn