Số ca mắc Covid-19 thực tế ở Ấn Độ có thể lên tới hơn nửa tỷ

Google News

Số ca nhiễm và ca tử vong được ghi nhận ở Ấn Độ có thể chưa phản ánh đúng thực tế vì các vấn đề về cơ sở hạ tầng và con người.

Ấn Độ, nơi chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới hiện nay, đã báo cáo hơn 17,6 triệu trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể cao hơn tới 30 lần, nghĩa là hơn nửa tỷ trường hợp, theo CNN.
Các nhân viên y tế và nhà khoa học ở Ấn Độ từ lâu đã cảnh báo rằng số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 đã bị báo cáo thiếu đáng kể vì một số lý do, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, lỗi đến từ con người và mức độ xét nghiệm thấp.
Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách ở New Delhi, cho biết: “Mọi người đều biết rằng cả số ca bệnh và số tử vong đều là những con số thấp nhất”.
So ca mac Covid-19 thuc te o An Do co the len toi hon nua ty
 Số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ có thể cao hơn 30 lần so với báo cáo. Ảnh: Reuters.
Ông cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi ước tính chỉ có một trong số khoảng 30 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện bằng cách xét nghiệm, vì vậy con số được báo cáo là số liệu thấp nghiêm trọng so với thực tế. Lần này, số liệu tử vong có lẽ cũng bị đánh giá thấp nghiêm trọng như vậy”.
Số người chết hàng ngày của nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa tháng 5, theo các mô hình dự đoán từ Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington.
Số người chết có thể lên tới hơn 13.000 người một ngày, gấp hơn bốn lần số người chết hàng ngày hiện tại, theo các dự đoán.
Ông Laxminarayan nói: “Tôi nghĩ không có gia đình nào không có người chết vì Covid-19. Mỗi gia đình có ít nhất một người qua đời vì căn bệnh”.
Năng lực xét nghiệm của Ấn Độ đã tăng lên đáng kể kể từ làn sóng Covid-19 đầu tiên. Vào khoảng thời gian này năm ngoái, quốc gia đã xét nghiệm cho chưa đầy nửa triệu người mỗi ngày. Hiện tại, "họ đang thực hiện gần 2 triệu xét nghiệm mỗi ngày", tiến sĩ Soumya Swaminathan, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì “tỷ lệ dương tính trung bình trên toàn quốc là khoảng 15%, ở một số thành phố như Delhi, con số này lên đến 30% hoặc cao hơn", bà Swaminathan nói vào ngày 26/4. “Điều đó có nghĩa là có rất nhiều người ngoài kia bị nhiễm bệnh mà không được phát hiện”.
Theo Bhramar Mukherjee, giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan, có một vài nguyên nhân dẫn đến việc xét nghiệm thiếu.
Nguyên nhân rõ ràng nhất là nhiều người bệnh không có triệu chứng. Những người này được gọi là “ca nhiễm thầm lặng”. Họ không nghi ngờ rằng mình bị nhiễm virus nên đã không đi xét nghiệm.
Ngoài ra, mỗi địa phương lại có cơ chế báo cáo ca nhiễm khác nhau, và người dân ở các vùng nông thôn thường khó tiếp cận hơn với việc xét nghiệm. Những cư dân có thu nhập thấp có thể không có đủ thời gian nghỉ làm và đi xét nghiệm.
Theo Hồng Ngọc/Zingnews.vn