"Pháo đài Hồi giáo", "trung tâm của chủ nghĩa khủng bố và buôn bán vũ khí", "hậu phương của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo", "xóm thánh chiến", những biệt hiệu này cho thấy quận Molenbeek St. Jean ở thủ đô Brussels lại một lần nữa được chú ý sau khi các vụ tấn công khủng bố ở Paris đêm 13/11.
|
Quận Molenbeek St. Jeanở Brussels tập trung nhiều người nhập cư với những phụ nữ che kín mặt, đàn ông râu rậm trong trang phục djellaba (váy dài).
|
Ngay tối 14/11, cảnh sát Bỉ đã mở chiến dịch truy quét tại khu vực này và bắt giữ năm người. Một trong những kẻ tấn công cũng đã được xác định cư trú trong khu vực Molenbeek. "Có thể hiểu rằng đây là một mạng lưới," quận trưởng Françoise Schepmans, cảnh báo.
Sau các vụ tấn công ở thủ đô Paris, Pháp phát hiện ra cái tên Molenbek mặc dù tên này thường xuyên được nêu trong các cuộc điều tra khủng bố trước đó, như các cuộc tấn công thất bại trong tàu tốc hành Thalys (8/2015), vụ Mehdi Nemmouche tấn công nhà thờ Do thái (5/2014), vụ tấn công Charlie Hebdo (1/2015). "Hầu hết các phóng viên Pháp đều ngạc nhiên khi thấy một quận ở Brussels lại tập trung nhiều người nhập cư với những phụ nữ che kín mặt, đàn ông trong trang phục djellaba (váy dài), những đàn ông có râu rậm…", Christophe Giltay, một phóng viên của hãng RTL nhận xét.
Chủ nghĩa cực đoan chính trị và tôn giáo
"Từ 20 năm nay, trong các cuộc điều tra về Hồi giáo cực đoan, chúng tôi đều tìm thấy dấu vết ở Molenbeek. Ở đây dân cư nghèo, ít nhất 50% là người nhập cư. Phần lớn không gây ra vấn đề gì nhưng có một bộ phận nhỏ không thuần", Claude Moniquet, chuyên gia chống khủng bố nhận xét. "Trước khi bà Schepmans làm quận trưởng, phần lớn mọi người mặc kệ khu vực này. Nhưng từ vài năm nay, khu vực này đã được chú ý. Một ủy viên cảnh sát được cử đến Molenbeek để phụ trách việc kiểm soát buôn bán và sử dụng ma túy", ông Claude Moniquet nói thêm.
Theo Alain Destexhe, thành viên Đảng Phong trào cải cách (MR), trong 20 năm qua, vấn đề đã tích tụ ở đây rất nhiều nhưng không ai đả động đến. Người ta đã tạo ra một "nồi áp suất" và một ngày nó phát nổ. Gốc rễ của vấn đề là chủ nghĩa cực đoan chính trị và tôn giáo.
Cách thức mà Bỉ thực hiện đối với sự trở lại của các chiến binh Syria được trích dẫn như một ví dụ cho các nước khác, nhưng tình hình ở Molenbeek-Saint-Jean vẫn còn là một vấn đề lớn. Thủ tướng Charles Michel và Bộ trưởng Nội vụ, Jan Jambon cũng như Tổng ủy viên cảnh sát liên bang, Catherine De Bolle đều khẳng định điều này hôm 15/11. Một kế hoạch cụ thể giải quyết vấn đề ở Molenbeek đang được soạn thảo và sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Theo Báo Tin tức