Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Putin khoảng 45 phút.
|
Một cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng với lãnh đạo nước ngoài. Ảnh: Reuters |
Theo đài Sputnik, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.
Trước đó thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, hai ông Putin và đã tiến hành một cuộc nói chuyện qua điện thoại. Theo Nhà Trắng, trong cuộc đàm thoại của ông Trump với Tổng thống Putin, có sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Trước đó, cũng trong ngày thứ bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phía Nga hy vọng rằng sau khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ, bị suy thoái dưới thời Tổng thống Barack Obama, sẽ được cải thiện.
Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng được VOA dẫn lời không cung cấp chi tiết về những gì được thảo luận, nhưng hai nhà lãnh đạo được cho là đã bàn bạc về tương lai của những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Nga, sau khi nước này sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 27/1, phụ tá cao cấp của Tổng thống Donald Trum là Kellyanne Conway cho biết rằng ông Trump và ông Putin có thể thảo luận về những biện pháp trừng phạt này trong một cuộc điện đàm vào ngày 28/1, cuộc điện đàm thứ ba trong số năm cuộc điện đàm của ông Trump dự kiến diễn ra trong ngày với các nhà lãnh đạo thế giới. Đó là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng 1. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga nói rằng họ muốn "bình thường hóa" quan hệ giữa hai nước.
Theo RFI, trong một diễn biến có liên quan, ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã lần đầu tiên tới trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để gặp gỡ các chỉ huy quân đội, với mục tiêu chính là tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh nhằm gia tăng cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong thời gian tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump thường chỉ trích cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria tiến triển quá chậm. Ông Trump cam đoan, nếu đắc cử, sẽ cho các tướng lĩnh ““30 ngày”” để chuẩn bị một kế hoạch đánh bại IS. Trong những tuần gần đây, giới chỉ huy quân sự Mỹ được huy động để chuẩn bị các phương án, theo yêu cầu của tân Tổng thống Donald Trump.
Giải thích về chiến lược mới của ông Trump, tướng về hưu David Barno cho rằng để có thể “đạt được các kết quả nhanh hơn”, quân đội Mỹ sẽ phải “triển khai nhiều binh sĩ hơn trên thực địa” và điều này sẽ dẫn đến “nhiều tổn thất hơn”.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai hơn 5.000 binh sĩ Mỹ ở Iraq và khoảng 500 lính đặc nhiệm tại Syria. Theo truyền thông Mỹ, rất có thể, Lầu Năm Góc sẽ tăng mạnh số binh sĩ trong chiến dịch giải phóng Raqa - “thủ phủ” tự xưng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Minh Châu (TH)