Theo hãng thông tấn Reuters ngày 25/4, WHO cảnh báo các chính phủ cần phải chống lại việc cấp “hộ chiếu miễn dịch” hay "các chứng nhận không còn nguy cơ" cho những người bị nhiễm COVID-19 đã hồi phục vì không thể bảo đảm được tính chính xác.
Việc cấp "hộ chiếu miễn dịch" hay "các chứng nhận không còn nguy cơ” có thể làm tăng nguy cơ lây lan liên tục vì những người đã hồi phục có thể bỏ qua lời khuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn chống lại virus.
|
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP. |
“Một số chính phủ đã đề xuất rằng việc phát hiện các kháng thể đối với SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, có thể làm cơ sở cho loại “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “chứng nhận không còn nguy cơ”, cho phép các cá nhân đi du lịch hoặc quay trở lại làm việc với giả định rằng những người này được bảo vệ chống lại tái lây nhiễm”, WHO cho biết.
WHO khẳng định hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và có kháng thể thì không bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Chile tuần trước cho biết nước này sẽ bắt đầu trao "hộ chiếu sức khỏe" cho những người được coi là đã khỏi bệnh. Sau khi được sàng lọc để xác định xem họ có phát triển kháng thể để miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 hay không, họ có thể ngay lập tức quay lại công việc.
Mời độc giả xem thêm video: WHO chính thức đặt tên cho virus corona mới là SARS-CoV-2 (Nguồn video: VTC1)
WHO cho hay cơ quan này đang tiếp tục đánh giá bằng chứng về phản ứng của kháng thể với virus SARS-CoV-2 - xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đã hồi phục đều có kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số người có lượng trung hòa kháng thể trong máu rất thấp, "cho thấy rằng khả năng miễn dịch tế bào cũng rất quan trọng đối với quá trình phục hồi".
Thiên An