Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Thế giới hiện có khoảng 40 nhóm máu khác nhau với hơn 600 loại kháng nguyên.
Nếu ai đó mang các kháng nguyên hiếm gặp hoặc thiếu khuyết những loại phổ biến, họ được xem là có nhóm máu hiếm. Trong đó, Rh-null là dòng máu hiếm nhất thế giới. Những người mang trong mình dòng máu quý thường có cuộc sống không dễ dàng và đối mặt nhiều nguy hiểm tới tính mạng.
Nhóm máu của họ trở thành di sản với y khoa. Không ít người bất chấp hiểm nguy, chọn cách chia sẻ máu của mình cho y học, hồi sinh nhiều mạng sống nguy kịch.
Nhóm máu chỉ 43 người trên thế giới có
Tình cờ trong một tai nạn khi nhỏ, Thomas (sinh năm 1963, ở Thụy Sĩ) được phát hiện mang trong mình nhóm máu hiếm nhất thế giới Rh-null. Nhân loại mới có 43 người mang nhóm máu này. Điều đó khiến cuộc sống người đàn ông đến từ Thụy Sĩ thay đổi hoàn toàn.
Khi còn nhỏ, Thomas không được đi trại hè vì cha mẹ sợ con gặp tai nạn. Việc lái xe cũng trở ngại vì được cho là có thể gây nguy hại tới tính mạng của ông. Thomas không được du lịch đến những nơi bệnh viện không có ngân hàng máu hiếm. Người đàn ông sinh năm 1963 cũng được miễn nhập ngũ.
Ví của Thomas luôn có chiếc thẻ tên kèm thông tin nhóm máu Rh-null phòng trường hợp ông phải nhập viện. Các bác sĩ khuyên Thomas không nên có con.
|
Thomas mang trong mình dòng máu quý hơn vàng và là di sản với nền y học thế giới. Ảnh: Pinterest.
|
Cho đến ngày nay, Rh-null vẫn là bí ẩn với y học thế giới. Các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu, giải mã bí ẩn về vai trò sinh lý của hệ máu Rh phức tạp. Những người mang trong mình dòng máu Rh-null có thể truyền cho bất kỳ ai cùng huyết hệ.
Tuy nhiên, khi cần kíp, những người như Thomas rất khó để tìm nguồn máu thích hợp. Nếu họ tiếp máu của người nào chứa một trong số 61 kháng nguyên Rh mà họ không có, điều này ngay lập tức sẽ gây hiện tượng không tương thích tế bào máu, nguy hiểm đến mức tử vong.
Mang trong mình dòng máu quý hơn vàng, Thomas chọn cách cống hiến cho y khoa. Người đàn ông này đi đến những nơi xa xôi như Pháp, Tây Âu hay một số quốc gia châu Âu để hiến máu. Nhiều lần trong số đó, Thomas không được tài trợ chi phí đi lại nhưng ông đều rất sẵn lòng.
Những lần hiến máu khiến Thomas đối mặt thêm tình trạng thiếu hồng cầu nhẹ. Vì vậy, ông chỉ được hiến máu 2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe. Người đàn ông này chia sẻ mang trong mình dòng máu quý hiếm là đặc ân và việc dùng nó để cứu người khiến Thomas thấy hạnh phúc.
Người đàn ông truyền máu cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh
James Harrison (sinh năm 1936, ở Australia) được mệnh danh là “người đàn ông có cánh tay vàng”. Bởi ông đã hiến máu hơn 1.000 lần trong cuộc đời từ năm 18 tuổi.
Nhóm máu của người đàn ông đến từ Australia chứa thành phần đặc biệt chữa được bệnh Rhesus. Bệnh Rhesus (hay huyết tán trẻ sơ sinh) là tình trạng người mẹ có nhóm máu âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu dương.
Ông James là một trong 50 người Australia có loại kháng thể đặc biệt này trong máu. Trung bình 3 tuần ông hiến máu một lần, liên tục hơn 60 năm. Theo Dịch vụ máu của Hội Chữ thập đỏ Australia, lượng máu này ước tính đã được sử dụng để cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ khỏi căn bệnh trên.
Năm 14 tuổi, James phải cắt bỏ phổi và cần truyền 13 lít máu. Giọt máu của những người mà James không biết tên đã cứu sống người đàn ông này. Kể từ đó, James quyết định sẽ hiến máu cứu người khi tròn 18 tuổi. Năm 2015, Guinness World Records ghi nhận ông là “người đàn ông có cánh tay vàng”.
|
Dòng máu của ông James Harrison đã cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới. Ảnh: CNN.
|
Người đàn ông hiến máu 100 lần
Gareth Paish (65 tuổi, đến từ Shipston on Stour, Anh) có nhóm máu O-, thuộc hệ Rh-. Những người mang nhóm máu này có thể truyền cho bất kỳ ai cần. Tuy nhiên, họ chỉ có thể nhận máu hiến từ người cùng nhóm O-. Nó thường được dùng để chữa bệnh cho các bé sơ sinh, trẻ nhỏ.
Chính vì thế, Gareth quyết định chia sẻ dòng máu của mình cho những người cần. Đến nay, ông đã hiến máu 100 lần. Lần đầu tiên hiến máu của người đàn ông này là năm 1974. Ông cho máu 12 tuần/lần. Lần cuối cùng người đàn ông này hiến máu là tại Bệnh viện Nhi đồng Birmingham, Anh.
“Tôi đã chuyển đến Stratford vì nơi này thuận tiện để hiến máu hơn. Thật vui vì biết rằng dòng máu của mình đã giúp đỡ được bệnh nhân nguy kịch nào đó”, người đàn ông này nói. Tại Anh, chỉ 7% người mang nhóm máu O- như Gareth.
|
Ông Gareth Paish kỷ niệm lần hiến máu thứ 100 của mình. Ảnh: Cotswoldjournal.
|
Thai phụ mang nhóm máu Bombay
Tháng 6, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải, Trung Quốc, phát hiện thai phụ tên Li (30 tuổi, ở Vân Nam) mang trong mình nhóm máu Bombay - một trong 4 nhóm máu quý hiếm nhất thế giới, bên cạnh nhóm máu Rh-null, Lutheran, Rh âm tính.
Bombay là nhóm máu ít được biết đến, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1952 tại Bombay, Ấn Độ. Đặc trưng của kiểu hình nhóm máu này là thiếu các kháng nguyên A, B và H. Những người mang loại máu hiếm này chỉ có thể chấp nhận máu từ cá nhân có nhóm máu Bombay khác.
Nhóm máu Bombay dễ bị xét nghiệm nhầm thành O. Nếu kết luận sai và truyền nhóm máu O cho bệnh nhân, điều này có thể gây phản ứng tán huyết nghiêm trọng, nguy cơ gây tử vong.
Tại Ấn Độ, chỉ 1/10.000 người mang nhóm máu này. Tại châu Âu, con số này thậm chí ít hơn, chỉ 1/1.000.000. Trung Quốc mới phát hiện 100 người có nhóm máu hiếm nói trên. Bombay thậm chí còn được mệnh danh là loại máu hiếm hơn máu gấu trúc.
Theo Thiên Nhan/ Zingnews