Vụ án đã khuấy đảo xã hội Pháp trong suốt 12 năm (1895-1906) với hai phe ủng hộ Dreyfus (dreyfusard) và chống Dreyfusard (anti-dreyfusard), dẫn đến nhiều hệ lụy với nước Pháp về sau.
|
Alfred Dreyfus - nạn nhân của một âm mưu nhằm tiêu diệt quân đội Pháp. |
Vụ án Dreyfus diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang tồn tại một cuộc khủng hoảng cả về chính trị và xã hội. Lúc này, sự căm thù của người Pháp với người Đức sôi sục sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1871 và từ chủ nghĩa bài Do Thái.
Trước đó, nền Đệ tam Cộng hòa Pháp đã trải qua tới ba cuộc khủng hoảng: chủ nghĩa Boulanger năm 1889, vụ bê bối Panama năm 1892 và nguy cơ vô chính phủ phản ánh trong một chuỗi đạo luật những năm 1893-1894 khiến nhiều người cho rằng nền Cộng hòa còn non trẻ của người Pháp có nguy cơ sụp đổ. Cuộc tranh cãi lan rộng tới các tổ chức, bao gồm các đảng phái chính trị, Giáo hội Công giáo, quân đội và các nhóm chống Do Thái.
Alfred Dreyfus là một Đại úy vô danh trong quân đội Pháp, xuất thân trong một gia đình gốc Alsace theo Do Thái giáo.
Vào năm 1894, một gián điệp của Pháp trong Đại sứ quán Đức phát hiện 1 lá thư bị xé nát trong thùng rác tại văn phòng của một tùy viên quân sự Đức. Ngay lập tức, người ta cho rằng một sĩ quan nào đó trong quân đội Pháp đã cung cấp những thông tin bí mật cho Chính phủ Đức.
Dreyfus bị nghi ngờ, do ông vốn là người Do Thái duy nhất ở Bộ Tổng tham mưu và vì ông làm việc ở bộ phận có thể nắm được các thông tin mật của Chính phủ Pháp. Hơn nữa, các nhà chức trách quân đội tuyên bố rằng chữ viết tay của Dreyfus tương tự nét chữ trên bức thư.
Bất chấp những lời kêu oan, Dreyfus vẫn bị kết tội phản quốc trong một phiên tòa quân sự bí mật, trong đó ông đã bị từ chối khi muốn được kiểm tra bức thư - bằng chứng mạnh mẽ chống lại mình.
Vị đại úy này bị tước quân hàm và phải chịu án chung thân trên đảo Quỷ, khu vực ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ thuộc Pháp.
|
Alfred Dreyfus bị tước quân hàm và phải chịu án chung thân trên đảo Quỷ cho tội danh mình không thực hiện. |
Cáo buộc Dreyfus liên quan đến hoạt động gián điệp khẳng định thêm sự thất bại của nền Cộng hòa và là bằng chứng nữa cho thấy sự phản bội của người Do Thái. Từ đây, một làn sóng chống người Do Thái dâng cao trong quân đội Pháp. Dreyfus tưởng như phải chết trong ô nhục khi bị giày vò trên đường đi tới đảo Quỷ, bị cùm xích, bỏ đói… Người ta còn khuyến khích Dreyfus tự sát bằng cách đặt trước ông một khẩu súng lục, nhưng ông đã từ chối và tuyên bố rằng “muốn sống để chứng minh sự vô tội của mình”.
Quá trình điều tra qua loa, cảm tính đã khiến vụ án có nhiều tình tiết bất thường cũng gây nhiều phẫn nộ cho những người ủng hộ ông.
2 năm sau khi Dreyfus bị kết tội, Trung tá Georges Picquart được bổ nhiệm làm Giám đốc lực lượng tình báo quân đội. Thấy có nhiều điểm vô lý, Picquart đã tiến hành xem xét các chứng cứ và điều tra chi tiết vụ án. Kết quả, kẻ phản bội thực sự phải là Thiếu tá Walsin Esterhazy.
Picquart nhanh chóng thông báo lên Bộ tham mưu nhưng họ quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của mình hơn là thực thi công bằng nên đã từ chối xem xét lại quyết định cũ. Và khi Picquart cố gắng mở lại vụ án, ông đã bị thuyên chuyển tới Tunisia. Esterhazy được tha bổng cho dù có những bằng chứng thuyết phục về tội lỗi của mình.
Tuy nhiên, Emile Zola, một người từng phục vụ trong lực lượng đã lên tiếng tố cáo quân đội che giấu thông tin về vụ án này. Sau đó, được hưởng ứng bởi nhà báo Bernard Lazare; chủ tịch danh dự của Thượng viện Auguste Scheurer là Kestner; Georges Clemenceau (một cựu nghị viên và nhà báo), vụ án được lật lại.
Dreyfus thực chất chỉ là nạn nhân trong một âm mưu nhằm tiêu diệt Pháp bằng cách gây tổn hại đến uy tín của quân đội Pháp. Vụ bê bối này đã gây ra một chuỗi những cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội ở Pháp, bộc lộ những rạn nứt trong nước Pháp dưới nền Đệ tam cộng hòa, khi mà sự tranh cãi giữa hai phe đã dẫn tới những cuộc luận chiến hết sức gay gắt về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài Do Thái.
Vào tháng 9/1899, Tổng thống Pháp ký lệnh ân xá cho Dreyfus nhưng phải đến năm 1906, sau 12 năm chịu oan sai – sự vô tội của ông mới được thừa nhận chính thức. Được phục hồi danh dự và cấp bậc, Dreyfus trở lại quân ngũ với quân hàm thiếu tá.
Theo Huyền Anh/Dân Việt