Bất an trào lưu “chú hề quái dị” lan rộng khắp thế giới

Google News

Sự căng thẳng do trào lưu “chú hề quái dị” gây ra là điều có thể hiểu được trong bối cảnh các vụ xả súng và mối đe dọa khủng bố gia tăng ở Mỹ.

Những chú hề chân chính ở Mỹ đang nơm nớp lo sợ bản thân gặp nguy hiểm trong lúc làm việc do tác động tiêu cực từ làn sóng “chú hề quái dị” đang lan rộng trên thế giới.
“Đây là công việc của tôi. Tôi kiếm sống bằng việc hóa thân thành hề. Tôi đã làm hề chuyên nghiệp trong 34 năm nhưng công việc của tôi đang bị hủy hoại” - một cô hề sống ở bang New Jersey than thở.
Nỗi lo về sự an toàn
Người phụ nữ trên chia sẻ bản thân và đồng nghiệp không còn nhận được các cuộc gọi mời làm việc như trước. Không chỉ gặp khó trong công việc, cô hề này còn bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của mình. “Tôi có một chút lo lắng mỗi khi làm việc ở khu vực khác. Mọi người giờ đây đã cảnh giác hơn” - cô hề bộc bạch.
Trong khi đó, một chú hề chân chính ở TP New York cho rằng nỗi lo sợ “chú hề quái dị” đã bị phóng đại. Người này cho biết trong số những người ông từng tiếp xúc, số lượng người cảm thấy sợ “chú hề quái dị” chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Chú hề là một nghề tuyệt vời, nó tạo ra điều tích cực” - chú hề này chia sẻ.
Bat an trao luu “chu he quai di” lan rong khap the gioi
Cảnh sát ở bang Massachusetts - Mỹ bao vây một “chú hề quái dị” Ảnh: Global News 
Theo đài BBC, làn sóng “chú hề quái dị” hiện nay bắt đầu ở TP Greenville, bang Nam Carolina hồi tháng 8 khi người dân địa phương cảnh báo về những người hóa trang thành hề lừa bọn trẻ vào rừng.
Vụ việc nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Đáng lo ngại hơn, những cuộc tấn công bạo lực như cướp có vũ trang do những “chú hề quái dị” gây ra cũng được ghi nhận. Một số trường học và tòa nhà phải đóng cửa vì những đe dọa từ “chú hề quái dị”.
Trào lưu “chú hề quái dị” không chỉ hiện diện ở hơn 10 bang nước Mỹ mà còn lan sang những nước như Anh, Úc, New Zealand và gần đây nhất là Hà Lan. Hôm 10-10, một người trong trang phục hề với chiếc mặt nạ đáng sợ, tay cầm dao và búa được nhìn thấy gần một công viên ở thị trấn Oss, miền Nam Hà Lan. Một ngày sau đó, chú hề có vũ khí khác cũng được phát hiện tại TP Almere. Cả hai đã bị cảnh sát bắt giữ.
Còn tại Anh, theo báo The Telegraph, cảnh sát đã ghi nhận hàng chục trường hợp liên quan đến “chú hề quái dị” những ngày gần đây. Nhà chức trách đã cảnh báo người dân không nên mặc trang phục chú hề đi hù dọa hoặc gây hại người khác.
Trong động thái giúp đỡ chính quyền trấn an người dân theo cách hài hước, Công ty Cumbria Superheroes, chuyên bán trang phục siêu anh hùng, đã cho người hóa trang thành nhân vật Batman với nỗ lực “quét sạch” bóng dáng “chú hề quái dị” trên đường phố. Tại Mỹ, Nhà Trắng cũng kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật địa phương để mắt đến mối đe dọa an ninh này khi dịp lễ Halloween đến gần.
Không phải lần đầu
Ông Ben Radford, tác giả cuộc nghiên cứu có tên “Bad Clowns” (tạm dịch “Những chú hề xấu”), cho biết đây không phải lần đầu tiên nỗi ám ảnh về “chú hề quái dị” lan rộng ở Mỹ.
Vào năm 1981, cộng đồng từng hoang mang về những người đàn ông đeo mặt nạ chú hề dụ dỗ trẻ em tại các trường học và công viên ở bang Massachusetts, mặc dù khi đó không có ai bị bắt giữ. Ông Radford nói rằng vào thời điểm đó, xã hội lo ngại về mối đe dọa đến từ những kẻ xấu nấp sau cây để bắt cóc trẻ em.
Chuyên gia này nhận định nỗi sợ và niềm vui đến từ chú hề sẽ luôn song hành với con người. “Những nhân vật chú hề trong truyện dân gian và thần thoại thường là kẻ lường gạt. Tính cách của chú hề khá mơ hồ. Đôi khi đó là một nhân vật hạnh phúc” - ông Radford lý giải.
Trong bối cảnh các vụ khủng bố và xả súng gia tăng, sự căng thẳng do trào lưu “chú hề quái dị” gây ra là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều khiến ông Radford ngạc nhiên là sự lan rộng của trào lưu, một phần nhờ mạng xã hội.
Dù vậy, chuyên gia này tin rằng nỗi hoảng sợ sẽ giảm đi sau dịp lễ Halloween và những chú hề sẽ lại được gọi đến để mang lại niềm vui cho các bữa tiệc. “Làm hề là một công việc đã có từ lâu và đáng được tôn trọng” - ông nhận định với đài BBC.
“Tính mạng chú hề quan trọng”
Cơn sốt “chú hề quái dị” đã dẫn đến sự bùng nổ của hashtag #ClownLivesMatter (tạm dịch là “Tính mạng chú hề quan trọng”) trên mạng xã hội Twitter.
Dù vậy, một số người ủng hộ trào lưu #BlackLivesMatter (“Tính mạng người da màu quan trọng”) tại Mỹ cảm thấy bị xúc phạm bởi sự ăn theo nói trên. Họ cho rằng vấn đề cảnh sát giết chết người da màu đáng được quan tâm hơn nhiều chuyện công việc của chú hề.
Anh Jordan Jones, 22 tuổi, đã khởi động chiến dịch ClownLivesMatter nói trên sau khi quá bức xúc vì công việc chú hề của mình bị mang tiếng xấu. Theo đài RT, các hiệp hội chú hề cũng tận dụng mạng xã hội để tự bảo vệ mình trước sức ép mà họ phải đối mặt trong công việc mang lại tiếng cười cho mọi người. Thậm chí, nhà văn Stephen King, tác giả cuốn tiểu thuyết về một gã hề đáng sợ, cũng phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh.
Theo Xuân Mai/Người Lao Động