Boris Berezovsky là một trong những nhà tài phiệt nổi danh nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Ông được phương Tây xếp vào nhóm oligarch – những nhà tài phiệt quyền lực chi phối cả kinh tế và chính trị Nga.
|
Ông trùm Boris Berezovsky khi còn ở đỉnh cao quyền lực. |
Làm giàu đến chóng mặt
Tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Lâm Nghiệp Moscow năm 1968, Berezovsky làm kỹ sư rồi nắm trong tay tấm bằng tiến sĩ của một trường đại học danh giá bậc nhất Liên Xô năm 1983.
Trước khi lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh, Berezovsky đã là trưởng bộ phận của Viện Khoa học kiểm soát thuộc Học viện Khoa học Liên Xô.
Trong thời gian còn làm việc tại Viện Khoa học, Berezovsky đã tạo dựng được mối quan hệ khá tốt với các quan chức Avtovaz. Đây là doanh nghiệp quốc doanh chuyên sản xuất ôtô cho thị trường nội địa.
Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng và bóng bẩy, nhà máy này thực chất lại là sự thất bại to lớn trong những năm cuối thời Liên Xô. Không chỉ sử dụng thiết bị lỗi thời, lạc hậu, năng suất sản xuất của nhà máy cũng chỉ bằng 1/30 so với các nhà máy chế tạo ôtô ở Mỹ, Nhật Bản.
Nhưng một con người am hiểu kiến thức như Berezovsky lại nhận ra cơ hội làm giàu từ Avtovaz. Ông là người đề xuất với ban lãnh đạo Avtovaz về chương trình hiện đại hóa nhà máy thông qua hệ thống điều khiển tự động.
|
Boris Berezovsky đứng bên cạnh cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin. |
Từ đó, Berezovsky tham gia điều hành đại lý xe Lada do Autovaz sản xuất. Trong quá trình điều hành đại lý, Berezovsky âm thầm “tư nhân hóa lợi nhuận” nhà nước. Đại lý của Berezovsky bán xe Lada dưới giá thành sản xuất, chỉ 3.500 USD so với 4.800 USD và đưa chi phí chênh lệch vào nguồn ngân sách quản lý.
Đối tác Logovaz lại lấy chính số lượng xe Lada này bán ra thị trường với giá 7.000 USD. Khoản tiền chênh lệch chảy vào túi của các doanh nghiệp tư nhân và chính Berezovsky trong khi doanh nghiệp nhà nước Liên Xô không ngừng thua lỗ.
Đến khi công ty nhà nước đứng trước bờ vực phá sản, Berezovsky với số tiền khổng lồ tích lũy đã ra tay mua lại quyền sở hữu.
Lấn sân sang chính trị
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Berezovsky làm thân với Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin bằng cách trả nhuận bút cho ông Yeltsin viết hồi ký. Berezovsky cũng mua chuộc con gái của Yeltsin bằng nhiều món quà và đồ trang sức đắt tiền để dần có một chân trong chính trường, Aleksandr Korzhakov, một cựu quan chức an ninh trong chính quyền của ông Yeltsin, từng nói.
Chính Berezovsky đã thuyết phục Tổng thống Yeltsin trao cho ông ta quyền kiểm soát ORT, một kênh truyền hình lớn của Nga để phục vụ lợi ích của tổng thống. Berezovsky cũng mua TV-6, một trong những kênh truyền hình tư nhân đầu tiên của Nga.
Nhà tài phiệt khét tiếng Berezovsky cũng tìm cách thuyết phục Điện Kremlin cho ông ta và các đối tác mua công ty dầu mỏ Sibneft với giá rẻ để lấy kinh phí hoạt động cho kênh truyền hình.
Đổi lại, Berezovsky là một trong những nhà tài phiệt hậu thuẫn mạnh nhất để ông Yeltsin tái đắc cử Tổng thống năm 1996.
Ở giai đoạn đỉnh cao, Berezovsky nắm trong tay cả công ty hàng không quốc tế Aeroflot và đưa người của mình vào quản lý để chuyển giao lợi nhuận vào túi riêng. Năm 1997, tạp chí Forbes của Mỹ ước tính tổng tài sản Berezovsky sở hữu lên tới 3 tỷ USD.
“Không ai làm giàu từ sự sụp đổ của Liên Xô mà không phải đối mặt với vực thẳm”, tác giả người Mỹ Paul Klebnikov viết trong cuốn sách về Berezovsky với tựa đề “Bố già của Điện Kremlin”.
Mọi chuyện thay đổi khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống vào năm 2000. Berezovsky khi đó vẫn có ghế trong Quốc hội.
Chỉ 3 tuần sau, Berezovsky được cho là đã mâu thuẫn gay gắt với ông Putin. Cuối cùng, nhà tài phiệt Nga rời Quốc hội, bỏ sang Anh tị nạn.
Bị truy thu tài sản cho đến chết
Số tiền mà Berezovsky đem ra nước ngoài chưa bao giờ được tiết lộ rõ ràng. Những người giàu ở Nga thời điểm đó đã biết cách che giấu tài sản thông qua một mạng lưới các công ty ma ở nước ngoài hoặc giao tài sản cho người thân đứng tên. Nhiều thương vụ mua bán thậm chí còn không có giấy tờ chứng minh.
Tạp chí Forbes từng đánh giá Berezovsky chỉ còn vài trăm triệu USD khi đào thoát khỏi Moscow. Một phần tài sản của Berezovsky mất đi sau cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998, một phần khác không kịp chuyển ra nước ngoài và các nhà điều tra Nga phong tỏa.
Cuộc sống vương giả của ông trùm Berezovsky ở Anh với xe limousine Maybach, căn biệt thự đắt tiền hay các mối làm ăn lớn khiến giới chức Nga tin rằng Berezovsky vẫn còn rất nhiều tiền.
Năm 2006, Berezovsky lần đầu thừa nhận ông buộc phải bán toàn bộ những tài sản còn lại ở Nga trước sức ép từ Điện Kremlin. Berezovsky hy vọng việc từ bỏ tài sản ở Nga sẽ giúp ông tránh khả năng bị truy tố.
Berezovsky từng nói rằng cuộc đời ông Bản thân Berezovsky khi đó từ chối tiết lộ rằng ngoài việc bán nhà xuất bản Kommersant, nhà tài phiệt Nga còn phải từ bỏ những tài sản nào khác.
Nhưng mọi chuyện không hề giống như Berezovsky nghĩ. Tháng 11.2007, một tòa án ở Moscow tuyên Berezovsky 6 năm tù vì tội biển thủ gần 4,3 triệu bảng của hãng Aeroflot.
Tháng 6.2009, tòa án thành phố Krasnogorsk đã kết án Berezovsky 13 năm tù vì lừa gạt để chiếm đoạt 1,9 triệu USD của hãng AvtoVAZ.
Berezovsky đã may mắn không bị dẫn độ về Nga nhờ được cấp quyền tị nạn chính trị ở Anh. Nhưng bản án là cơ sở để Nga tịch thu bất động sản và coi các giao dịch tài chính của Berezovsky là hoạt động rửa tiền.
Trong những năm cuối đời, Berezovsky đánh mất hàng chục triệu USD vào các vụ kiện vô tiền khoáng hậu. Vụ ly dị năm 2011 với người vợ thứ hai đã khiến Belezovsky mất thêm 154 triệu USD.
Nhưng đáng chú ý nhất là vụ kiện tỷ phú Nga Roman Abramovich nhằm đòi số tiền 5,6 tỷ USD. Vụ kiện thất bại khi thẩm phán gọi Berezovsky là kẻ dối trá và ông phải trả tiền chi phí pháp lý vào khoảng 35 triệu USD.
Trước khi qua đời ngày 23.3.2013, Berezovsky từng nói rằng cuộc đời mình đã trải qua nhiều cay đắng. “Tôi đánh mất mục đích của cuộc sống. Tôi không muốn dấn thân vào chính trị nữa. Tôi đã 67 tuổi rồi. Tôi không biết phải làm gì cả”.
Mong muốn cuối đời của nhà tài phiệt Nga là được quay lại Moscow. “Tôi không mong gì ngoài việc được trở về Nga. Ngay cả khi họ sẵn sàng khởi tố tôi, tôi muốn về Nga”.
Nhưng cuối cùng, Berezovsky quyết định treo cổ tự tử ở London mà chưa kịp hoàn thành tâm nguyện cuối cùng.
Sau khi Berezovsky chết, chính quyền Nga vẫn tiếp tục chiến dịch tịch thu tài sản của ông trùm này ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoản tiền thu về không đáng kể, chỉ gần 1 triệu USD.
Hàng trăm triệu USD còn lại của Berezovsky đứng tên những người khác và rất khó có cơ hội thu hồi.
Năm ngoái, giới chức Anh chỉ tịch thu được 45 triệu USD của Berezovsky và số tiền này không đủ để trang trải khoản nợ khổng lồ được cho là lên tới gần 400 triệu USD của ông trùm tài phiệt Nga một thời.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt