Cặp vợ chồng Malaysia dành 35 năm để sưu tầm lì xì

Google News

Trong nhiều thập kỷ qua, một cặp vợ chồng người Malaysia đã tích lũy được khoảng 60.000 bao lì xì và biến chúng thành một bộ sưu tập vô giá.

Cap vo chong Malaysia danh 35 nam de suu tam li xi

Ông Tan Tiam Lai và bà Lilian Tan với bộ sưu tập bao lì xì của họ.

Theo trang tin Straits Times, bà Lilian Tan - một cựu y tá 44 tuổi - đã bắt đầu sở thích sưu tầm bao lì xì từ năm 9 tuổi. Cho tới nhiều năm sau đó, bà đã truyền niềm yêu thích này sang chồng mình và cùng nhau theo đuổi đam mê.

Theo lời kể của bà Tan, khi còn nhỏ, bà luôn bị thu hút bởi hương thơm ngọt ngào và kiểu dáng bắt mắt của những bao lì xì ngày Tết. Cảm giác này cho đến tận hiện tại vẫn còn, và chính điều đó đã thôi thúc bà nỗ lực sưu tầm những bao lì xì này trong suốt 35 năm.

Chồng bà là ông Tan Tiam Lai (50 tuổi) cũng luôn ủng hộ và đồng hành cùng bà trong công cuộc sưu tầm này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông Tan ban đầu chỉ cảm thấy bộ sưu tập này là "một mớ giấy vụn".

Đến tận vài năm sau khi kết hôn với bà Lilian, ông mới bắt đầu hứng thú với bộ sưu tập bao lì xì và quyết định đồng hành cùng vợ. Hiện tại, cặp vợ chồng người Malaysia đã kết hôn được 23 năm và cùng sưu tầm bao lì xì được gần 20 năm.

Cap vo chong Malaysia danh 35 nam de suu tam li xi-Hinh-2

Bắt nguồn từ sở thích lúc nhỏ của bà Tan, hai vợ chồng đã cùng nhau sưu tầm bao lì xì suốt nhiều năm.

Chia sẻ với Straits Times, bà Tan kể rằng 8 năm trước, hai vợ chồng bà thậm chí đã tiêu tới 271 SGD (tương đương 4,7 triệu đồng) trong một ngày tại trung tâm mua sắm để đáp ứng mức chi tiêu tối thiểu, và đi đổi bao lì xì phiên bản giới hạn tại đây.

"Khi chúng tôi nhận được bao lì xì mà mình mong muốn từ lâu, cảm giác giống như một đứa trẻ nhận được kẹo hoặc đồ chơi mới và muốn ôm chúng đi ngủ vậy", ông Tan chia sẻ thêm.

Hiện tại, bộ sưu tập bao lì xì của hai ông bà đều được cất giữ trong các tấm nhựa và đặt trong các hộp tại nhà riêng ở Johor Bahru, Malaysia. Ngoài ra, bà Tan cũng đặt thêm vài gói silica hút ẩm trong mỗi hộp và thêm cả lá trà để khử mùi.

Theo chia sẻ từ bà Tan, hai ông bà không thường xuyên gặp nhau do chồng bà phải ở lại Singapore để làm việc. Ông Tan hiện là quản lý cửa hàng cấp cao tại Malaysia Dairy Industries - công ty sở hữu các thương hiệu như Marigold và Vitagen. Tuy không được gặp nhau mỗi ngày, bà Tan vẫn cảm thấy vui vẻ vì đây là một cơ hội giúp hai vợ chồng bà có thể sưu tầm được cả những bao lì xì ở Singapore.

Ngoài ra, để phát triển bộ sưu tập của mình, hai ông bà còn thường xuyên trao đổi bao lì xì qua đường bưu điện với những người sưu tầm khác và bạn bè ở Hong Kong.

Cap vo chong Malaysia danh 35 nam de suu tam li xi-Hinh-3

Một hộp bao lì xì lấy cảm hứng từ nghệ thuật cắt giấy của Trung Quốc.

Theo lời giới thiệu từ bà Tan, một trong những thiết kế độc đáo nhất trong bộ sưu tập của hai ông bà là chiếc hộp bao lì xì đến từ Hong Kong mà khi mở ra sẽ có hình ảnh bật lên. Chiếc hộp này cũng có các bao lì xì với thiết kế lấy cảm hứng từ nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Trung Quốc - một loại hình nghệ thuật cổ xưa mà hiện ít ai còn theo đuổi.

Ngoài ra, một hộp bao lì xì từ một quán sushi ở Hong Kong cũng là hộp lì xì yêu thích của bà. Bao lì xì trong hộp này được thiết kế thành các gói nhỏ giống như thức ăn, bao gồm ikura nigiri, nigiri cá hồi và tamago nigiri.

Hơn cả thế, ông bà còn sở hữu cả bộ lì xì ấn bản đặc biệt của Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore (NHB) từ năm Tân Mão 2011 đến nay.

Theo Hằng Nga/Zingnews