Các lệnh trừng phạt này bao gồm việc hạn chế đi lại, cũng như đóng băng tài sản đối vơi 150 cá nhân và 38 công ty Nga.
Ủy ban châu Âu (EC), trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/3, khẳng định lệnh trừng phạt mới sẽ có hiệu lực đến ngày 15/9, đồng thời nêu rõ việc trừng phạt này liên quan tới "các hành động làm xói mòn hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine".
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tin tưởng dẫn dắt nước Nga vượt qua khó khăn - Ảnh: REUTERS |
Việc gia hạn trừng phạt lần này hứa hẹn tiếp tục đào sâu khác biệt giữa Nga và EU, khi mối quan hệ giữa hai bên trở nên tồi tệ liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Từ năm 2014, EU bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên Nga nhằm phản đối việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Vì vậy một số quan chức ở Crimea cũng nằm trong diện trừng phạt kinh tế tương tự.
Cùng với Liên Hiệp Quốc, hiện Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia/tổ chức không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
EU cũng cáo buộc Nga tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy tại miền đông Ukraine, tạo ra cuộc xung đột làm hơn 10.000 người chết trong vài năm gần đây, bất kể Điện Kremlin luôn bác bỏ cáo buộc này.
Theo Nhật Đăng/Báo Tuổi Trẻ