Chuyện về 9 người sống sót trong thảm họa Titanic

Google News

Chỉ có 864 người trong thảm họa Titanic được cứu sống bởi tàu Carpathia. Trong số 864 người ấy, có 9 người thoát chết trong những hoàn cảnh rất đặc biệt...

Ngày 10-4-1912, tàu Titanic thuộc sở hữu của Công ty vận tải biển The White Star Line, khởi hành từ cảng Southampton, Anh Quốc đến thành phố New York, Mỹ, và đây cũng là chuyến đi đầu tiên kể từ khi hạ thủy. Sau 5 ngày vượt Đại Tây Dương, vào 23 giờ 40 phút ngày 15-4, Titanic đâm phải một núi băng trôi trên biển rồi chìm 2 tiếng rưỡi sau đó.
Titnic chở theo 2.435 hành khách. Khi thảm họa xảy ra, 1.571 người thiệt mạng, phần lớn chết đuối do không chạy thoát khỏi phòng ngủ nằm ở những tầng dưới lúc nước tràn vào, hoặc nhảy xuống biển và phải ngâm mình trong làn nước lạnh giá suốt nhiều tiếng đồng hồ. Chỉ có 864 người được cứu sống bởi tàu Carpathia. Trong số 864 người ấy, có 9 người thoát chết trong những hoàn cảnh rất đặc biệt...
1. Elizabeth Shutes đã 40 tuổi khi tàu Titanic chìm. Là người giúp việc cho một gia đình quý tộc Anh quốc, mua vé ở boong hạng nhất. Theo quy định, khi thuyền trưởng Edward Smith ban hành lệnh di tản thì những hành khách ở boong hạng nhất phải là những người được ưu tiên lên xuồng cứu sinh nhưng chẳng hiểu sao, cái tên Elizabeth Shutes lại đứng số 1 trong danh sách.
Thoạt đầu, Elizabeth Shutes cho rằng đã có sự nhầm lẫn. Cô cố gắng giải thích cho viên sĩ quan phụ trách cứu hộ trên tàu Titanic rằng ông bà chủ của cô cùng 4 đứa con họ mới chính là những người cần được cứu. Tuy nhiên, viên sĩ quan bỏ ngoài tai ý kiến của Elizabeth Shutes rồi đẩy cô vào xuồng khiến cô ngã sấp, gãy mất cái răng cửa.
5 tiếng sau đó, Elizabeth Shutes được tàu Carpathia vớt lên cùng 27 người khác trong khi, theo thiết kế, sức chứa của xuồng là 65 người. Gia đình nhà chủ của cô chẳng ai còn sống.
2. Là thư ký thuộc một công ty kinh doanh tơ lụa ở London, thời điểm xảy ra thảm họa Titanic, Laura Mabel Francatelli vừa tròn 30 tuổi. Mua vé ở khoang hạng ba, Laura chỉ mặc bộ quần áo ngủ, đi chân không, theo cầu thang chạy lên boong khi cô nghe nhân viên phụ trách khoang thông báo lệnh rời tàu.
Không thể leo lên xuồng cứu sinh vì có quá nhiều người chen lấn, Laura nhặt lấy một chiếc áo phao quàng vào cổ. Lúc tàu Titanic chìm đến gần chỗ cô đứng, cô cùng mấy người khác nhảy xuống dòng nước lạnh buốt. May mắn cho Laura là chỉ chừng 40 phút sau đó, một xuồng cứu sinh vớt cô lên.
Khi nhìn thấy ánh sáng trên tàu Carpathia - là chiếc tàu đầu tiên đến cứu các nạn nhân - đang chạy cách đó hơn 8km, Laura cùng 42 người khác cầm mái chèo, chèo như điên dại. Để leo lên được boong tàu cao gần 10m, tất cả phải bám vào chiếc thang dây. Trong số 43 người, chỉ 20 người lên được chiếc Carpathia - kể cả Laura. 23 người còn lại có lẽ do quá mệt và lạnh cóng, rơi xuống biển mất tích.
3. Charlotte Collyer là người thứ 3 trong số 9 hành khách thoát chết trong những hoàn cảnh rất đặc biệt sau thảm họa Titanic. Cô cùng chồng và con gái mua vé khoang hạng nhì. Lúc lệnh rời tàu được thông báo, chồng cô kéo cô cùng con gái chạy lên mặt boong. Đã 3 lần, sĩ quan cứu hộ dành quyền ưu tiên lên xuồng cứu sinh cho phụ nữ và trẻ em nhưng chồng cô vẫn cứ muốn cả gia đình phải đi chung với nhau nên họ đã bỏ lỡ cơ hội sống sót.
Cuối cùng, khi chen lấn, giành giật, giẫm đạp nhau để lên chiếc xuồng số 16 và lúc xuồng đã được hạ xuống biển, Charlotte Collyer không nhìn thấy chồng và con gái đâu nữa. Khi tàu Carpathia cập bến New York, Charlotte Collyer lên bờ chỉ có một mình.
4. Lawrence Beesley, một giáo sư vật lý tại Đại học Downing, Anh quốc, mua vé khoang hạng nhì trên tàu Titanic để đến Toronto, Canada, thăm người anh ruột. Khi Titanic chìm, ông dễ dàng trèo lên chiếc xuồng cứu sinh mang số 13 vì rất nhiều hành khách đứng trước ông, ai cũng sợ con số... xui xẻo ấy!
Lúc được tàu Carpathia vớt, trên xuồng của Lawrence Beesley cũng chỉ có 13 người! Sau này Lawrence luôn cho rằng con số 13 là con số mang lại may mắn nhất cho đời ông. Khi vợ sinh con trai đầu lòng, Lawrence đặt tên cho đứa bé là Lawrence Thirteen (Lawrence Mười Ba).
5. Eva Hart là một trong số rất ít những đứa trẻ sống sót sau thảm họa Titanic. Lúc đó 7 tuổi, Hart đi cùng cha mẹ với vé ở khoang hạng ba. Có lẽ là số phận vì thoạt đầu, khi gia đình Hart quyết định chuyển đến thành phố Manitoba, bang Maryland, Mỹ, để mở một hiệu thuốc thì họ đã đặt vé trên tàu Philadelphia.
Eva Hart (giữa). 
Tuy nhiên, gần đến ngày khởi hành, một cuộc đình công của công nhân ngành than tại cảng Southampton đã khiến chiếc Philadelphia không thể xuất bến đúng lịch. Vì vậy, cha Hart quyết định đổi vé sang tàu Titanic.
Ngay khi lên tàu, mẹ Hart đã không thích chiếc tàu này vì bà mắc phải một chứng bệnh gọi là “bệnh sợ không gian hẹp”. Bà gọi tàu Titanic là “một cái hộp cá” bởi lẽ các phòng trong khoang hạng ba đều khá nhỏ và bít bùng.
Đêm xảy ra thảm họa, bà đã yêu cầu chồng và con gái lên boong, ngồi chơi ở những chiếc ghế cạnh bể bơi. Khi Titanic chìm, Hart được một thủy thủ đưa vào xuồng cứu sinh số 4 vì ưu tiên cho trẻ con. Từ đó, cô bé không bao giờ còn gặp lại cha mẹ mình nữa.
6. Jack Thayer, 17 tuổi, cùng gia đình mua vé khoang hạng nhất. Khi Titanic va chạm với núi băng và bắt đầu chìm thì Jack cùng bạn anh là Milton đang ở phòng khiêu vũ. Chạy ngược về khoang hạng nhất tìm cha mẹ nhưng không thấy, Jack và Milton quyết định nhảy xuống biển vì chẳng thể chen lấn để lên xuồng cứu sinh. Dòng xoáy nước tạo ra lúc chiếc Titanic chìm đã kéo Jack và Milton chìm theo nhưng anh may mắn thoát được.
Trồi lên mặt nước, Jack không thấy Milton đâu nữa. Bơi được một lát và khi đã sắp chết cóng, Jack thấy một chiếc xuồng cứu sinh nằm úp sấp. Bằng tất cả nỗ lực, anh lật xuồng trở lại rồi leo vào. Suốt hơn 4 tiếng sau đó, Jack chèo xuồng đi quanh khu vực chiếc Titanic chìm và vớt được tổng cộng 57 người. Khi lên tàu cứu hộ Carpathia, Jack gặp lại mẹ mình còn cha anh mất tích.
7. Rhoda Abbott cùng 2 con trai sống ở Mỹ. Họ sang London thăm một người bà con rồi trở về bằng tàu Titanic khi chiếc tàu này thực hiện chuyến hải hành vượt Đại Tây Dương lần đầu tiên. Lúc Titanic bắt đầu chìm, Rhoda Abbott và 2 con nhanh chóng chạy lên boong và điều này đã trở thành may mắn vì phần lớn hành khách mua vé khoang hạng ba đều chết đuối khi nước biển tràn vào.
Nhưng chỉ vài phút sau đó, cái mà Rhoda Abbott nghĩ là may mắn lại trở thành sự bất hạnh. Lúc 3 mẹ con chạy đến xuồng cứu sinh, 2 con trai của Abbott được ưu tiên cho lên xuồng còn Abbott thì không vì mặc dù là phụ nữ nhưng cô lại bị cho là... quá già! Thay thế vị trí của cô là J. Bruce Ismay - người thứ 9 sống sót vì “hèn nhát”.
Tuy nhiên, khi 2 đứa con của Abbott cùng nắm tay nhau trèo lên xuồng cứu sinh thì đứa lớn trượt chân, kéo theo đứa nhỏ rơi xuống biển. Chứng kiến cái chết của 2 con mình, Abbott ngất xỉu. Được một người tốt bụng bế lên xuồng cứu sinh, Abbott sống sót nhưng từ đó đến lúc qua đời (1966) trong một bệnh viện tâm thần, Abbott không bao giờ trở lại trạng thái bình thường.
8. Michael (2 tuổi) và Edmond (4 tuổi) là 2 bé trai người Pháp nhưng sống cùng cha mẹ ở London, Anh quốc. Do mâu thuẫn với vợ là Navratil, cha của 2 đứa trẻ đã lên kế hoạch bắt cóc cả 2 rồi đưa chúng sang Mỹ bằng cách sử dụng tên giả là Hoffman để mua vé tàu Titanic.
Khi Titanic chìm, cả Michael và Edmond đều được cho lên xuồng cứu sinh còn người cha do là đàn ông nên phải ở lại. Trong lúc đó, tại London, bà Navratil - là mẹ của 2 bé trai - không ngừng tìm kiếm con mình.
Bằng cách nhờ một số tờ báo đăng ảnh Michael và Edmond, hơn 1 tháng sau bà Navratil mới biết 2 con trai của bà đã ở trên tàu Titanic lúc thảm họa xảy ra và may mắn được tàu Carpathia cứu sống. Riêng chồng bà nằm trong danh sách những người mất tích.
9. Người thứ 9 trong số 864 người sống sót sau thảm họa Titanic là J. Bruce Ismay. Ông ta là Chủ tịch Công ty White Star Line, đơn vị sở hữu tàu Titanic cùng nhiều tàu biển khác.
Ngày 10-4-1912, khi Titanic thực hiện chuyến hải hành đầu tiên vượt Đại Tây Dương thì J. Bruce Ismay cũng là hành khách đầu tiên trong danh sách ở khoang hạng nhất. Lúc Titanic va phải núi băng trôi rồi chìm, J. Bruce Ismay vẫn lại là người đầu tiên nhảy lên xuồng cứu sinh, chiếm chỗ của Rhoda Abbott vì mặc dù là phụ nữ được quyền ưu tiên nhưng theo lệnh của J. Bruce Ismay, Rhoda Abbott bị bỏ lại vì... quá già!
Sau thảm họa Titanic, các nhà điều tra mới phát hiện rằng theo thiết kế, tàu Titanic phải có 48 xuồng cứu sinh, mỗi chiếc chở được 65 người nhưng J. Bruce Ismay đã ra lệnh giảm xuống chỉ còn 16 chiếc vì theo ông ta, quá nhiều xuồng cứu sinh sẽ làm “suy giảm lòng tin của hành khách, nhất là những hành khách thuộc tầng lớp thượng lưu, quý tộc vì Titanic là con tàu không thể nào chìm”. Hành động nhảy lên xuồng cứu sinh của J. Bruce Ismay được dư luận gọi là “Ngài Ismay sống sót nhờ hèn nhát”.
Cũng theo kết quả điều tra, 23 giờ ngày 15-4, Cyril Evans, sĩ quan điện tín trên tàu Californian - lúc ấy chạy cách chiếc Titanic chừng 12km - đã gửi một bản tin cảnh báo đến tàu Titanic, rằng có một núi băng lớn trôi ngay phía trước. Khi sĩ quan trực ban Jack Phillips đưa bản tin này cho thuyền trưởng Edward Smith và ông chủ tàu J. Bruce Ismay thì Ismay trả lời: “Thôi đi, im đi! Tôi đang bận!”.
1 giờ 16 phút sáng, 2 sĩ quan là Stone và Gibson trên tàu Californian thấy xuất hiện trên nền trời nhiều pháo hiệu màu đỏ. Lập tức, họ báo cho thuyền trưởng Stanley Lord. Tuy nhiên, do thiếu thống nhất các quy định chung về ý nghĩa của màu sắc pháo hiệu thời bấy giờ nên thuyền trưởng Lord không dám chắc nó có phải là pháo hiệu cấp cứu hay không. Cuối cùng Stanley Lord ra lệnh “cứ theo dõi tiếp” rồi đi ngủ cho đến sáng hôm sau, ông mới biết Titanic đã chìm...
Theo Vũ Cao/CAND