Cú lừa ngoạn mục của tình báo Mỹ dưới đáy đại dương

Google News

Mùa hè năm 1974, một con tàu lớn bất thường ra khơi từ bờ biển Bãi Dài ở California để hướng đến trung tâm Thái Bình Dương.

Được trang bị một giàn khoan khổng lồ và hiện đại nhất vào thời điểm đó, con tàu được thiết kế để lặn sâu xuống những vùng nước sâu và tối nhằm khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ dưới đáy biển.
Đó được coi là bước đi mạnh bạo nhất cho đến thời điểm đó nhằm hiện thực hóa giấc mơ từ lâu về việc mở ra biên giới mới trong ngành khai khoáng, khi đáy biển được đánh giá là chứa nhiều kim lại quý.
Con tàu Hughes Glomar Explorer mà Mỹ chế tạo để vớt chiếc tàu ngầm đắm của Nga. (Ảnh: Getty Images) 
Nhưng giữa những hào hứng của công chúng, toàn bộ chuyến thám hiểm này cuối cùng chỉ là một lời nói dối. Mục tiêu thực sự của thủy thủ đoàn trên con tàu khổng lồ đó là chiếc tàu ngầm mất tích của Liên xô.
6 năm trước đó, chiếc tàu ngầm K-129 bị đắm dưới độ sâu 1.500 dặm ở vùng biển tây bắc bang Hawaii (Mỹ) khi trên tàu đang có các tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Người Nga không tìm được con tàu này dù đã rất nỗ lực, nhưng mạng lưới thiết bị nghe dưới nước của Mỹ đã phát hiện âm thanh một vụ nổ nên sau đó dẫn đến chuyến đi của con tàu Mỹ nhằm trục vớt chiếc tàu đắm.
Với độ sâu như vậy, sứ mệnh trục vớt con tàu là điều chưa từng có tiền lệ. Những cuốn sách về vũ khí và mật mã tối mật cũng là thứ mà Mỹ muốn tìm được.
Với nỗ lực giành được lợi thế quân sự so với Liên Xô, chiếc tàu ngầm được Mỹ coi như viên ngọc trên vương miện. Việc tìm kiếm con tàu là cơ hội để Mỹ khám phá các tên lửa hạt nhân của Mátxcơva và thâm nhập hệ thống thông tin liên lạc hải quân.
Vì thế, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vạch ra một kế hoạch táo bạo, vạch ra Dự án Azorian để trục vớt chiếc tàu ngầm Nga. Riêng mục tiêu đó đã là quá khó. Nhưng bên cạnh đó còn một thách thức khác: làm sao để người Nga không phát hiện ra.
Các điệp viên Mỹ phải tạo ra một màn khói mù nên họ giả vờ là sẽ bắt đầu khai thác tài nguyên dưới đáy biển.
Chiến dịch PR rầm rộ được thực hiện để chuyển tải thông tin này. Họ cần một người đứng ra tuyến đầu, một người đủ giàu và kỳ dị để phù hợp với chiến dịch. Nhà tỷ phú sáng chế sống ẩn dật Howard Hughes hoàn hảo cho vai diễn này.
Ông Hughes đồng ý tham gia dưới danh nghĩa của mình. Con tàu độc đáo được thiết kế. Về mặt truyền thông, con tàu được trang bị mọi thứ để đào bới đáy biển.
Con tàu Hughes Glomar Explorer được chế tạo tinh vi giống như trong các phim James Bond. Thân tàu có những sàn rất rộng, có thể xoay để tạo nên một cái bể đủ chứa và che giấu chiếc tàu ngầm Nga.
Lắm trục trặc
Mãi đến năm 1974, tức 6 năm sau vụ chìm tàu ngầm Liên Xô, CIA mới sẵn sàng cho nhiệm vụ bí mật. Chi phí cho kế hoạch là 500 triệu USD, tương đương chi phí chế tạo một cặp tàu sân bay hoặc chi phí phóng tàu vũ trụ Apollo lên Mặt trăng.
Chưa có ai từng thử làm điều gì quy mô lớn như vậy dưới đáy đại dương. Bản thân chiếc tàu ngầm có trọng lượng gần 2.000 tấn, nhưng những ống thép dài dài 3 dặm cần để lôi chiếc tàu lên còn nặng hơn như vậy nhiều. Cần có những hệ thống mới để giữ con tàu Glomar Explorer ở đúng vị trí cũng như xử lý một vật thể trọng lượng lớn, vì thế tất cả mọi người trên tàu đều lo lắng.
Ông Dave Sharp, một trong số ít người của CIA, đến giờ đã sẵn sàng kể lại câu chuyện này. Ông nói rằng ông thấy vô cùng sợ hãi khi biển động đến mức muốn xé tung con tàu cồng kềnh.
Nhưng điều lo lắng hơn cả là bị người Nga phát hiện. Để khiến Nga tin rằng Howard Hughes thực sự quan tâm đến khoáng sản, các giám đốc điều hành doanh nghiệp được huy động đến dự nhiều hội nghị về khai khoáng dưới đáy biển và ở đó họ trình bày chi tiết nhiều kế hoạch về việc sẽ khai thác dưới mặt nước.
“Chúng tôi khiến chuyện khai khoáng dưới đáy biển trở nên đáng tin hơn. Chúng tôi thực sự gây nhầm lẫn cho nhiều người và điều ngạc nhiên là câu chuyện này tồn tại khá lâu”, ông Sharp kể.
Màn che đậy tốt đến mức nhiều trường đại học ở Mỹ mở các khóa học về khai khoáng dưới đáy biển và giá trị của những công ty liên quan đến ngành này cũng tăng mạnh. “Mọi người nghĩ, nếu Howard Hughes tham gia thì chúng ta cũng phải tham gia”, ông Sharp nhớ lại.
Dự án tìm kiếm tàu ngầm Nga cần diễn ra trong điều kiện thời tiết tốt nên chỉ có thể thực hiện trong mùa hè. Nhưng khi nó sắp được triển khai vào mùa hè năm 1974, Tổng thống Mỹ Richard Nixon sắp có chuyến thăm Nga để dự hội nghị thượng đỉnh nhằm kiến tạo hòa bình.
Việc vớt trộm tàu ngầm Nga sẽ không phục vụ mục đích này, nên Nixon nhất quyết yêu cầu tạm ngừng triển khai cho đến khi ông ra khỏi Nga. Đó là ngày 3/7. Khi đó, con tàu Hughes Glomar Explorer đã vào vị trí và chuẩn bị khởi hành vào ngày hôm sau.
Mọi việc không diễn ra suôn sẻ. Ông Sharp nhớ lại các máy bơm và dây nối liên tục hỏng. Con tàu bị rung lắc lớn khi thiết bị trục vớt bị sóng đẩy tới đẩy lui. Đến ngày 30/7, ông thấy qua camera rất nhiều con vật trông như cua và một con cá trắng rất lớn trông như cá mập dưới thân tàu.
Điều đáng ngạc nhiên là những chiếc móc thép khổng lồ đã chụp được chiếc tàu ngầm. Nhưng đó là khi thảm họa xảy ra. Lúc kéo tàu lên, lực kéo quá lớn, một chiếc móc sắt bị gãy khiến phần lớn chiếc tàu ngầm tuột xuống.
Chỉ có phần trước chiếc tàu ngầm vẫn giữ được. Thi thể 6 thủy thủ Liên Xô được đưa lên rồi sau đó được tổ chức một lễ thủy táng. Nhưng những tên lửa và sách mật mã trong tàu ngầm không bao giờ được tìm thấy.
Lịch sử chính thức của CIA khẳng định rằng dự án này là một trong những kế hoạch tình báo lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh, nhưng chi phí quá lớn và vẫn còn nhiều nghi vấn về giá trị mà nó mang lại. Một năm sau đó, những chi tiết câu khách về kế hoạch được báo chí đăng tải và kế hoạch vớt nốt phần còn lại của chiếc tàu ngầm bị cấm thực hiện.
Ông Sharp cho biết, việc tiết lộ kế hoạch khai khoáng dưới đáy biển chỉ là giả đã gây ra “cú sốc đột ngột” cho nhiều công ty khai khoáng cũng như nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hợp quốc vì khi đó họ đang thảo luận về quyền khai khoáng đáy biển.
Theo Bình Giang /Tiền Phong