“Cuộc chiến amiăng” và cái kết đắng của một điệp viên tư nhân

Google News

Robert Moore - điệp viên cho nhiều công ty tình báo tư nhân - bị các đối tượng mình theo dõi kiện vì tội lén thu thập và tiết lộ thông tin cá nhân bất hợp pháp. Việc xét xử kéo dài đã khiến Moore phá sản.

Robert Moore, cựu giám đốc sản xuất chương trình truyền hình trở thành điệp viên cho nhiều công ty tình báo tư nhân cùng lúc. Ông ta nhận làm điệp viên ngầm giúp các công ty sản xuất chất amiăng độc hại theo dõi các nhà vận động cấm amiăng, thế nhưng lại ngả theo các nhà vận động và cung cấp thông tin giả mạo cho công ty tình báo đã thuê mình.
Rốt cuộc, Moore bị các đối tượng mình theo dõi kiện vì tội lén thu thập và tiết lộ thông tin cá nhân bất hợp pháp. Việc xét xử kéo dài đã khiến Moore phá sản.
“Làm tình báo tư nhân thu nhập cao hơn làm vườn”
Từ nhiều năm nay, tình báo tư nhân đã bùng nổ thành một ngành công nghiệp tỉ đô chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp, các luật sư và các công ty tài chính Wall Street những cuộc điều tra xác minh, thẩm định thông tin cũng như điều nghiên lai lịch đối tác kinh doanh tiềm năng, kể cả điều tra đối thủ cạnh tranh, những kẻ chống đối.
Được làm việc trong ngành công nghiệp tình báo tỉ đô này là may mắn lớn nhất mà ông Robert Moore có được trong cuộc đời.
Trước khi bước vào nghề tình báo tư nhân, Moore vốn là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra, sau đó chuyển sang làm nhà sản xuất chương trình hài cho một kênh truyền hình ở Anh. Thời gian làm việc tại đài truyền hình đối với Moore là rất thú vị và ông rất yêu thích công việc của mình, bởi Moore có khiếu pha trò, dẫn dụ những vị khách mới của chương trình vào tình huống khôi hài để gây cười.
Năm 2006, khi nguồn sáng tạo các pha tấu hài đã cạn cũng là lúc Moore đi chệch khỏi tôn chỉ mục đích của kênh truyền hình. Thế là mất việc. Moore đã hơn 40 tuổi và xem như khó tìm được việc làm mới do đã quá tuổi tuyển dụng.
Điệp viên tư nhân Robert Moore. 
Moore chuyển sang nghề làm vườn để kiếm sống qua ngày và luôn nuôi hy vọng có thể quay lại nghề sản xuất chương trình truyền hình vốn là niềm yêu thích của ông. Năm 2007, Moore tình cờ gặp lại một người quen cũ trong ngành truyền hình trên một bãi biển nước Anh.
Người bạn cũ này đã bỏ nghề truyền hình để sang làm tình báo tư nhân, làm việc tại công ty Kroll Inc, một thương hiệu trong ngành tình báo doanh nghiệp. Người bạn đã đưa ra đề nghị Moore về làm việc cho công ty. Đang lúc khó khăn về kinh tế vì nghề làm vườn thu nhập chẳng bao nhiêu, Moore suy nghĩ “làm một nhà điều tra tư nhân chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn làm vườn”. Thế là Moore nhận lời về làm việc cho công ty Kroll Inc.
Từng là nhà báo nên khi làm việc cho Kroll Inc, Moore dễ dàng thủ vai phóng viên báo chí để làm vỏ bọc hoạt động. Có lần ông ta còn giả làm một người giao hàng hóa để đột nhập vào dinh thự của một tỉ phú người Nga.
Vốn vẫn còn yêu thích nghề làm báo, Moore nhìn thấy những điệp vụ mình tham gia có vẻ khai thác làm phim phóng sự tài liệu. Năm 2011, khi đang làm việc và lãnh lương công ty Kroll Inc, Moore cũng bắt đầu làm việc hợp đồng cho công ty tình báo K2 Intelligence.
Người phụ trách công việc tình báo của Moore ở K2 Intelligenc là Matteo Bigazzi. Sau vài nhiệm vụ nhỏ, Bigazzi giao cho Moore nhiệm vụ lớn nhất với mức thù lao béo bở nhất trong sự nghiệp tình báo tư nhân của Moore. Mỗi năm, K2 Intelligence trả cho Moore đến 100.000 USD để thực hiện nhiệm vụ theo dõi các nhà hoạt động chống amiăng.
Bigazzi bảo Moore rằng một khách hàng mới tự xưng là một “nhà đầu tư Mỹ” muốn biết liệu các luật sư nguyên đơn Mỹ trong vụ kiện amiăng có tài trợ cho các nhà hoạt động cấm amiăng hay không. Một trong các luật sư đó là ông Steven Kazan, em trai bà Laurie Kazan-Allen, một trong những nhà hoạt động đứng đơn kiện Moore.
Theo ông Bigazzi, khách hàng của K5 Intelligence nghi ngờ rằng các luật sư Mỹ trong đó có ông Kazan đang cố xúi giục các công nhân ngoại quốc đâm đơn kiện các nhà sản xuất vật liệu xây dựng có chứa amiăng.
Amiăng là một loại vật liệu rất độc hại cho sức khỏe con người. Các nhà sản xuất amiăng tin rằng loại amiăng trắng hiện đang được sử dụng khá phổ biến tại các quốc gia đang phát triển không trực tiếp gây bệnh ung thư phổi nếu sử dụng đúng cách. Như vậy là yêu cầu của “nhà đầu tư Mỹ” là hoàn toàn xác đáng. Moore chấp nhận giúp ông ta tiến hành điều tra đối với các luật sư.
Cuộc rượt đuổi bất tận 
Cuộc điều tra của Moore mang bí danh là Dự án Mùa Xuân, và mục tiêu đầu tiên là bà Kazan-Allen và một liên minh quốc tế của các nhà hoạt động do bà sáng lập mang tên Liên minh Đoàn kết quốc tế cấm Amiăng (IBAS). Moore rất hăm hở bắt tay vào cuộc điều tra.
Trong một thư riêng, Moore nói với ông Bigazzi rằng cách tốt nhất để xâm nhập vào nhóm liên minh mà không gây nghi ngờ nào chính là đóng vai một nhà làm phim tài liệu đang rất muốn thực hiện một loạt phim về các ngành công nghiệp nguy hại, không chỉ riêng gì amiăng.
Moore giải thích rằng phải đưa ra phạm vi điều tra bao trùm nhiều ngành, không riêng ngành amiăng, để người ta thấy rằng việc ông ta xâm nhập vào nhóm là không có sự toan tính nào khác. Moore quyết định phải tạo lòng tin với bà Kazan-Allen bằng cách khơi gợi tình cảm nơi bà.
Bà Laurie Kazan-Allen. 
Khi bà Kazan-Allen gặp Moore, bà có ấn tượng ông ta là một người thông minh, có duyên và giàu năng lượng. Bà cũng thoáng thấy ở ông một người đi đầu trong cuộc chiến mở rộntg phạm vi cấm sử dụng vât liệu amiăng, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á. “Ông ấy rất lịch sự, nhiệt tình và hoàn toàn đáng tin” – bà Kazan-Allen nhận xét về Moore.
Moore đã sắp xếp kế hoạch để gặp mặt bà Kazan-Allen một cách hoàn hảo nhất. Đầu tiên là ông tìm cách kết bạn với một trong những cộng sự của bà Kazan-Allen, để sau đó người này giới thiệu ông với bà Kazan-Allen sẽ thuận tiện cho mục tiêu của mình hơn.
Không lâu sau, đến giữa năm 2012, mối quan hệ giữa hai người đã tiến triển tốt. Moore viết thư cảm ơn bà Kazan-Allen vì đã giới thiệu cho ông những quyển sách hay viết về ngành công nghiệp amiăng. Ông cũng không quên “khoe” với bà Kazan-Allen rằng mình có người chị gái trong ban lãnh đạo đài BBC của Anh. Moore nói với bà Kazan-Allen rằng ông ta muốn gặp gỡ thêm những nhà hoạt động khác nữa trong liên minh.
Moore cũng yêu cầu bà Kazan-Allen sắp xếp để mình được tham dự một hội nghị về amiăng ở Brussels. Bà Kazan-Allen đồng ý mà không hay biết rằng mục đích chính của Moore là để theo dõi vai trò và hoạt động của các luật sư như em trai bà tại hội nghị này.
Sau vụ đó, Moore tiếp tục nhận nhiệm vụ, cũng theo yêu cầu của “nhà đầu tư Mỹ”, đến Thái Lan để theo dõi các nhà hoạt động ở đó đang vận động quyết liệt cho việc cấm amiăng. Đến lúc này thì Moore bắt đầu tự vấn về việc mình đang làm. Trong quá trình theo dõi các nhóm hoạt động chống amiăng, Moore biết được rằng các nhóm đều xem amiăng trắng cũng độc hại không kém gì các loại amiăng khác.
Ông ta cũng tin rằng các nhà hoạt động đã đúng trong việc vận động cấm sử dụng amiăng và bắt đầu thắc mắc phải chăng khách hàng của công ty K2 Intelligence là một ai đó chứ không phải “nhà đầu tư Mỹ”. Trong một thư tín viết cho ông Bigazzi vào cuối năm 2012, Moore viết: “Tôi không thấy có sự chủ mưu dàn xếp nào ở đây cả”.
Moore kể với cơ quan điều tra rằng ông có thể bỏ công ty K2 Intelligence mà đi, nhưng làm như thế chẳng ích gì, vì K2 Intelligence sẽ tìm người khác thay thế ông. Nếu tiếp tục ở lại, ông có thể làm điều gì đó có ích để góp phần phanh phui ngành công nghiệp amiăng. Đây chính là lúc mà các nhà điều tra tin rằng Moore bắt đầu đánh lừa công ty đã thuê mướn mình.
Nhưng các nhà hoạt động thì không tin đó là sự thật, mà cho rằng động cơ quan trọng nhất trong mọi hành động của Moore thời điểm này là tiền, vì mức lương tại K2 Intelligence là tương đối cao cho công việc tương đối nhàn. Thế là Moore vẫn tiếp tục thu thập thông tin về các nhà hoạt động, nhưng ông ta khai với các nhà điều tra rằng, những báo cáo mà ông ta gửi về cho ông Bigazzi và công ty K2 Intelligence đều chứa đựng thông tin giả mạo.
Và khi ông Bigazzi cử ông đi theo dõi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Moore đã thuyết phục các quan chức tại đó đứng tên sản xuất một đoạn phim tài liệu ngắn do chính ông thực hiện nhan đề “Những nạn nhân của amiăng trắng”, trong đó mô tả một công nhân người Ấn Độ đã mắc bệnh ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng. Việc thực hiện đoạn phim này Moore hoàn toàn không thông báo với công ty K2 Intelligence và ông Bigazzi, nhưng sau đó đòi thanh toán tiền công. Đương nhiên, K2 Intelligence không hài lòng về việc này.
Về nguyên tắc, các công ty tình báo tư nhân không được tiết lộ danh tính khách hàng của mình. Thế nhưng vào cuối năm 2013, Moore được công ty K2 Intelltigence thông báo tên khách hàng trong vụ điều tra amiăng là Công ty Kusto Group ở Singapore.
Điều này rất lạ, nhưng Moore vẫn phải tin. Ông vào trang web của Kusto Group để tìm hiểu thông tin thì không tìm thấy gì liên quan đến vật liệu amiăng cả. Cái mà Moore tìm thấy chính là ông chủ của Kusto Group là tỉ phú người Kazakhstan tên Yerkin Tatishev, nhưng cũng chẳng có thông tin gì cho thấy Tatishev kinh doanh amiăng.
Tuy nhiên, Moore lại tình cờ có được mối liên hệ vào năm 2014 khi ông được công ty K2 Intelligence giao nhiệm vụ trở lại Thái Lan. Tại đó, Moore dò la những nhà quản lý của các công ty chuyên doanh ngói lợp nhà về tung tích công ty Kusto.
Tiếp đến, ông cho họ xem ảnh của những quản lý chi nhánh của Kusto tại Việt Nam thì những người này nhận diện được hai người do từng có tiếp xúc khi giao dịch mua bán amiăng với tỉ phú Tatishev. Họ xác nhận chính ông Tatishev từng đến Thái Lan và khuyến khích sử dụng miăng. Tuy nhiên, những đầu mối thông tin này chẳng đưa đến đâu.
Thế nhưng Moore lại bắt đầu tập trung chú ý tìm hiểu vai trò của công ty Kusto và tỉ phú Tatishev trong ngành amiăng. Trong một email gửi cho các nhà hoạt động chống amiăng vào năm 2015, Moore gợi ý họ nên quan tâm đến công ty Kusto và vai trò của các nhà sản xuất amiăng người Nga trong “cuộc chiến amiăng” ở Đông Nam Á. Rồi ông tìm gặp các nhà báo và nhà làm phim để đề cập vấn đề sản xuất một phim tài liệu về ngành công nghiệp amiăng.
Ông gặp một đạo diễn phim tài liệu tên là Dan Reed để thảo luận dự án làm phim. Moore vẽ ra một kịch bản như thật và tự mình xung phong đóng một vai quan trọng trong phim để thuyết phục đạo diễn Reed, nhưng bất thành. Kết cục, một phát ngôn viên của Kusto Grup khẳng định công ty chưa từng có hoạt động liên quan đến amiăng!
Ngõ cụt
Có vẻ như Moore đã đi chệch hướng không chỉ một lần trong sự nghiệp của mình. Từ chỗ thực thi nhiệm vụ được giao, Moore đã chuyển sang một cuộc rượt đuổi bất tận với những nhà sản xuất amiăng nhưng rốt cuộc chẳng làm gì được ai. Và khi Moore cố tình tiết lộ nhiệm vụ của công ty giao cho với đối tượng mình có nhiệm vụ theo dõi, thì chính đối tượng đó đã lật tẩy ông.
Ông Jules Kroll, nhà sáng lập 2 công ty tình báo Kroll Inc (năm 1972) và K2 Intelligence (2009), được xem là cha đẻ của ngành tình báo tư nhân
Đó là vào cuối năm 2015, khi K2 Intelligence giao cho Moore nhiệm vụ theo dõi nhóm vận động chống tham nhũng toàn cầu có tên là Global Witness. Thời điểm này, Global Witness đang hỗ trợ chính quyền một số quốc gia điều tra hai công ty dầu hỏa lớn do nghi ngờ đưa hối lộ. K2 Intelligence muốn Moore giúp một trong các công ty dầu hỏa đó tìm hiểu xem Global Witness đã nắm được gì qua cuộc điều tra.
Thế nhưng, Moore lại đi theo hướng khác. Tháng 6-2016, Moore gặp ông Simon Taylor, nhà đồng sáng lập Global Witness tại một nhà hàng nằm bên trong ga tàu hỏa St. Pancas, London. Ông đặt lên bàn ngay trước mặt hai người quyển sách tựa đề “Agent Zigzag” (Mánh khóe điệp viên) trong đó ghi chép những cuộc phiêu lưu nghề nghiệp của một điệp viên hai mang nổi tiếng người Anh, rồi đưa ra đề nghị giúp Global Witness “phản gián” lại K2 Intelligence.
Global Witness xem xét đề nghị của Moore nhưng quyết định không thể tin tưởng Moore. Thế là tổ chức này khuyến cáo ông Taylor cảnh báo các nhà hoạt động khác, trong đó có bà Kazan-Allen. Khi Moore phản bác vì không chịu tin mình, Global Witness liền tiếp xúc với một công ty luật, và công ty luật này sau đó đã đại diện cho 7 nhà hoạt động đâm đơn kiện K2 Intelligence, ông Bigazzi và Moore.
Vụ kiện kéo dài từ năm 2016 đến nay đã ngốn của Moore toàn bộ số tiền ông đã để dành suốt nhiều năm làm việc (375.000 USD) để chi trả các khoản phí pháp lý và nhiều thứ khác. Hiện Moore đã phải nhờ các luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí vì không còn tiền để trả.
Theo An Tôn/ANTG