Điều này một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi bấy lâu nay giữa Tây Ban Nha – Colombia vì hàng trăm tấn vàng, bạc, đá quý vẫn nằm nguyên vẹn trong con thuyền San José này.
Trận hải chiến định mệnh
Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Pháp là quốc gia hùng mạnh ở châu Âu. Vua Pháp là Louis XIV âm mưu thôn tính Tây Ban Nha làm thuộc địa. Nhân cơ hội đất nước Tây Ban Nha suy yếu do Vua nước này là Charles II không có con nối dõi lại bị bệnh tật hành hạ, ít quan tâm đến chính trường nên Vua Louis XIV đã bí mật đàm phán với Hà Lan và Anh về phân chia đất đai, thuộc địa của Tây Ban Nha. Pháp cũng đã bí mật ký với Anh một hiệp định phân chia Tây Ban Nha sau khi Vua Charles II chết.
|
Con thuyền San José trước khi bị đắm. Ảnh: lefigaro.fr. |
Trước tình hình này, năm 1700, Charles II viết di chúc sẽ trao ngai vàng cho cháu trai của Vua Pháp là Philippe sau khi mình qua đời. Trong bản di chúc, Vua Charles II yêu cầu Philippe sau khi kế vị ngai vàng không được sáp nhập Tây Ban Nha vào Pháp. Nếu Vua Louis XIV và Philippe không tuân thủ quy định này thì ngôi báu của Tây Ban Nha sẽ thuộc về Đại công tước Áo là Charles.
Đầu năm 1701, Vua Louis XIV đưa cháu mình sang nhận ngôi báu ở Tây Ban Nha. Tiếp đó, Louis XIV thông báo Philippe sẽ thay mình làm Vua Pháp trong tương lai nhằm thôn tính “hợp pháp” Tây Ban Nha. Sau sự kiện này, Vua Louis XIV đưa quân, chiến hạm đến tiếp quản các vùng đất là thuộc địa của Tây Ban Nha. Trong tình hình đó, Anh, Hà Lan, Áo... liên minh để chống lại Pháp. Với danh nghĩa “đòi quyền thừa kế”, tháng 3-1701, các nước liên minh tấn công Pháp.
Năm 1702, cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế ngôi vua Tây Ban Nha chính thức bắt đầu với sự đụng độ giữa Anh - Pháp, sau đó lan rộng ra các nước Hà Lan, Italy, Đức và Tây Ban Nha. Đây cũng là khởi đầu của cuộc chiến giữa Anh và Tây Ban Nha. Một trong những cuộc đọ sức trên biển ác liệt nhất giữa Hải quân Anh và Hải quân Tây Ban Nha là trận hải chiến Wager vào năm 1708, khiến con thuyền San José bị chìm cùng với một kho báu khổng lồ.
Theo CNN, chiến thuyền San José được đóng hồi năm 1698 và được trang bị vũ khí và 1 hải đội 20 tàu hộ tống nhằm phục vụ việc chuyên chở vàng, bạc, châu báu cho triều đình Tây Ban Nha từ các thuộc địa khi đó của vương quốc này tại châu Mỹ. Tàu được biên chế 600 người và được trang bị tới 60 khẩu súng thần công, trở thành phương tiện đáng gờm trên các đại dương. Ngày 28-5-1708, thuyền San José đã rời cảng Portobelo, Panama để vượt Đại Tây Dương trở về quê nhà.
Theo kế hoạch, trước khi ra khơi, chiến thuyền San José sẽ được hộ tống bởi một đội tàu chiến hùng mạnh. Tuy nhiên, đội tàu chiến này không đến kịp giờ xuất phát đã định của San José. Lo lắng về việc chậm trễ thời gian trở lại Tây Ban Nha, chỉ huy chiếc tàu khi đó là Đô đốc José Fernandez de Santillan đã quyết định xuất phát mà không có sự hộ tống của đội tàu chiến.
|
Đồ chế tác bị vỡ ở xác thuyền San José. Ảnh: WHOI. |
Quyết định sai lầm này khiến sau đó San José gặp nạn. Chỉ vài ngày sau khi xuất phát, San José đã bị bốn tàu chiến của Anh phục kích ở vùng nước gần bán đảo Barú (nay thuộc lãnh hải của Colombia). Dù được trang bị 60 khẩu thần công, San José vẫn không thể địch lại được hạm đội tàu chiến của Anh. Giao tranh được nửa giờ, kho thuốc súng trên tàu đột nhiên phát nổ, khiến San José bị đắm mang theo toàn bộ 200 tấn vàng, bạc và đá quý xuống đáy biển. Trong số 600 thuyền viên chỉ có 11 người sống sót.
Đến năm 1713, hiệp định đình chiến giữa Pháp, Anh, Hà Lan, Áo và Tây Ban Nha mới được ký kết. Tuy nhiên, con thuyền San José cùng khối tài sản trị giá hàng tỷ USD vẫn nằm sâu 600m dưới lòng biển. Theo nhận định của giới khảo cổ học quốc tế cũng như các sử gia hàng đầu thế giới, trên thuyền San José có chở 11 triệu đồng tiền vàng, 116 hòm ngọc lục bảo, cũng như vô số hòm đựng các loại đá quý và đồ trang sức khác, với tổng trị giá 17 tỉ USD.
"Chỉ tính riêng giá trị của lượng hàng hóa trên thuyền San José cũng đã vượt qua cả thu nhập hàng năm của Tây Ban Nhà tính từ mọi nguồn. Cộng tổng số vàng thỏi và tiền xu trên thuyền, con số còn lớn hơn thu nhập hàng năm của Tây Ban Nha tới hai đến ba lần. Thêm vào đó, nó còn chở cả các mặt hàng thương mại khác như ca cao, chàm, da thú, gỗ quý...", một tài liệu nghiên cứu viết.
Cuộc chiến tay ba
Suốt hơn 3 thế kỷ qua, việc tìm kiếm xác chiến thuyền San José trở thành mục tiêu hàng đầu đối với nhiều thế hệ "thợ săn kho báu" kế tiếp nhau. Cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Sea Search Armada (SSA), một công ty chuyên tìm kiếm kho báu dưới mặt nước có trụ sở ở Bellevue, Washington (Mỹ), đã ký thỏa thuận với Chính phủ Colombia, chấp nhận hưởng một nửa trị giá nếu như họ tìm thấy thuyền San José.
|
Hàng trăm nghìn đồng tiền xu bằng vàng và bạc được tìm thấy trong xác tàu Nuestra Senora de las Mercedes. Ảnh: AP. |
Gần 30 năm sau, phía Colombia đã thay đổi quan điểm, khi giới hữu trách ở Bogota tuyên bố rằng tài sản trên thuyền San José phải hoàn toàn thuộc về Nhà nước Colombia. Tuyên bố này đã khởi đầu một cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa Công ty SSA và Chính phủ Colombia.
Năm 2007, Tòa án Tối cao Colombia đã ra phán quyết, khẳng định Công ty SSA chỉ nhận được phân nửa số hiện vật không phải là những di sản văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nước này. SSA liền đưa vụ việc ra Tòa án Mỹ.
Tuy nhiên, kết luận của phía tư pháp Mỹ đưa ra đã gây bất lợi cho SSA. Tòa án Mỹ nhấn mạnh, chiểu theo Công ước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước, thì kho báu trên thuyền San José thuộc về tài sản của Nhà nước Colombia.
Đến tháng 12-2015, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố với báo giới rằng, hải quân nước này đã chính thức phát hiện chiếc thuyền buồm nổi tiếng San José của Tây Ban Nha, bị đắm ngoài khơi bờ biển Colombia hơn 3 thế kỷ trước chở theo một lượng kho báu khổng lồ trị giá hàng tỉ USD.
"Đây là kho báu có giá trị lớn nhất được tìm thấy trong lịch sử loài người", hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Juan Santos khi ông phát biểu tại thành phố cảng miền Bắc Cartagena, gần nơi phát hiện kho báu. "Số lượng và loại vật chất cho thấy không còn nghi ngờ gì về danh tính" con tàu, Ernesto Montenegro, người đứng đầu Viện Nhân chủng học và Lịch sử Colombia, khẳng định.
Theo Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) của Mỹ, con tàu được phát hiện nhờ một robot tự động dưới nước có tên The REMUS 6000. Đây là robot từng giúp tìm kiếm những mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu 447 của Hãng hàng không Pháp Air France gặp nạn hồi năm 2009. Sử dụng hệ thống định vị thủy âm được gắn trên robot, các nhà khoa học đã phát hiện vị trí đắm của tàu San José ở độ sâu hơn 600 m dưới mặt nước biển, gần đảo Barú. Ghi chép của REMUS 6000 cho thấy, xác tàu bị trầm tích bao phủ một phần. Hình khắc cá heo dùng để trang trí trên các khẩu súng thần công bằng đồng cho phép Roger Dooley, nhà khảo cổ học hàng hải ở MAC, xác nhận đây đúng là tàu San José.
Việc phát hiện con tàu này năm 2015 đã gây ra cuộc tranh cãi về quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần kho báu khổng lồ này giữa Tây Ban Nha-nước sở hữu San José trước đây, và Colombia - nước có lãnh hải bao trùm vị trí đắm tàu và là cựu thuộc địa đóng góp tài nguyên chủ yếu cho kho báu này cũng như với những nhà truy tìm kho báu người Mỹ - những người góp công xác định vị trí con tàu và con cháu hậu duệ của thủy thủ đoàn trên con tàu nói trên.
Theo quan điểm của Tây Ban Nha, Madrid dựa vào luật cờ hiệu được quốc tế công nhận. Luật này quy định việc bị đắm không làm đứt đoạn quyền sở hữu. Các quyền sở hữu chính đáng vẫn được giữ nguyên vẹn. Nguyên tắc này từng cho phép Tây Ban Nha thắng một vụ kiện năm 2008 nhắm vào những người đi săn kho báu Mỹ liên quan đến xác tàu đắm Mercedes, RFI cho biết.
Theo CNN, Mercedes là tàu khu trục nhỏ, có tên đầy đủ là Nuestra Senora de las Mercedes, thuộc biên chế của Hải quân Tây Ban Nha. Tàu Mercedes bị chiến hạm Anh đánh chìm ngoài khơi phía nam Bồ Đào Nha vào năm 1804.
Năm 2007, xác tàu được phát hiện bởi công ty trục vớt Odyssey Marine Exploration. Họ thu về hơn 500.000 đồng tiền xu bằng vàng và bạc, nặng gần 17 tấn. Khi đó, có tất cả ba bên tham gia tranh chấp, gồm Odyssey, chính quyền Tây Ban Nha và Peru, bên tuyên bố số tài sản trên tàu là kho báu bị đánh cắp của người Inca. Đến năm 2012, vụ việc mới được phân giải khi tòa án Mỹ ra phán quyết tuyên bố Tây Ban Nha là chủ sở hữu hợp pháp của kho báu.
Tuy nhiên, với lượng tài sản lớn hơn gấp nhiều lần được cho là chứa bên trong chiến thuyền San José, giới chuyên gia đánh giá cuộc chiến pháp lý liên quan tới số phận của con thuyền này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Vướng mắc hiện nay là việc Colombia vẫn chưa ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Đây là công ước sẽ khiến nước này phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu thông báo các kế hoạch thực hiện đối với xác thuyền San Joe cho UNESCO.
“Khi người ta nói đến vật báu của tàu San José, tôi thật sự lo rằng người ta nói đến khoản tiền khổng lồ thì đúng hơn”, nhà nghiên cứu Michel LHour cho hay.
Theo Yên Bình/An Ninh Thế Giới