Tại Ấn Độ, hiện thật khó để đánh giá đúng mức tác động của COVID-19. Những tin nhắn tràn ngập trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp về dịch bệnh, khi người dân Ấn Độ nói về bạn bè, người thân mắc bệnh hoặc bày tỏ sự tức giận khi cho rằng chính quyền đã không làm đủ cho họ.
Các bệnh viện hết giường và oxy. 13 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới thông báo COVID-19 là đại dịch, một số nước đạt được tiến bộ trong chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn hàng đầu, dường như lại mắc kẹt và không thể hành động.
Tính đến 21/4, Ấn Độ trong nhiều ngày liên tiếp báo cáo trên 300.000 ca lây nhiễm một ngày, con số xô đổ các kỷ lục từ trước đến nay. Thậm chí ở Trung Quốc, nơi virus được phát hiện lần đầu cuối năm 2019, tổng số ca lây nhiễm cũng chỉ dưới 100.000.
Theo Vijay Prashad, nhà sử học, nhà báo Ấn Độ viết trên tờ Globetrotter, diễn biến mới đặt ra câu hỏi liệu nguyên nhân gây nên tình trạng hiện tại là sự nguy hiểm của biến thể virus mới, hay kết quả của việc chính phủ Ấn Độ đã không quản lý được chính sách giãn cách xã hội và tiêm chủng cho đủ số người dân.
“Chính phủ Ấn Độ, đứng đầu là Thủ tướng Modi, đã thất bại trong việc đánh giá đúng mức sự nghiêm trọng của đại dịch lần này. Nhìn khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy những chính phủ bất chấp cảnh báo của WHO đều đã phải chịu tác động tồi tệ của dịch COVID-19”, ông Prashad viết.
Nhà bình luận Ấn Độ cho rằng, nước này đã hành động chậm chạp, thiếu bài bản và sai lầm trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng y tế.
Tháng 1/2020, WHO đề nghị các chính phủ chú trọng các quy tắc vệ sinh cơ bản, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, cũng như xét nghiệm COVID-19, truy vết tiếp xúc các ca lây nhiễm.
Ngày 10/3/2020, trước khi WHO công bố đại dịch, Ấn Độ báo cáo khoảng 50 ca lây nhiễm COVID-19, tăng gấp đôi trong 14 ngày. Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng áp đặt lệnh giới nghiêm và phong tỏa nhưng thông báo quá gấp gáp khiến cho hàng trăm nghìn công nhân rơi vào cảnh khó khăn khi buộc phải về nhà mà không có tiền.
Trong số họ, một số chết bên đường còn một số có thể đã mang virus đi nơi khác. “Lệnh phong tỏa tiếp tục kéo dài mà không có hệ thống hay chính sách quốc gia rõ ràng được chính phủ công khai”, Prashad viết.
Thủ tướng Modi lúc đó được cho là chưa đánh giá đúng mức sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Ông kêu gọi người dân thắp nến, tạo tiếng ồn để “đuổi virus đi”. Các lệnh phong tỏa kéo dài quá mức trong khi hàng triệu người lao động phải đi làm để có đồng lương sống qua ngày, theo Prashad.
Một năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, 16 triệu người ở Ấn Độ đã lây nhiễm. 185.000 người được xác nhận đã chết.
|
Những người qua đời do COVID-19 được chôn cất ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
Nhà báo Ấn Độ cũng cho rằng việc chính phủ chưa đầu tư đúng mức cho y tế công, mà lại dựa vào các chương trình chăm sóc sức khỏe tư nhân, là một sai lầm.
Chính phủ Ấn Độ chỉ chi 3,5% GDP cho y tế năm 2018, và con số này “vẫn y nguyên trong hàng chục năm”, theo Prashad. Chi tiêu y tế bình quân tính theo đầu người của Ấn Độ, tính theo sức mua tương đương, là 275,13 USD năm 2018, xấp xỉ bằng với Kiribati, Myanmar và Siera Leone. “Đây là một con số thấp đối với một nước có khả năng công nghiệp và tài sản như Ấn Độ”, nhà sử học nhận định.
Cuối năm 2020, chính phủ Ấn Độ thừa nhận chỉ có 0,8 bác sĩ và 1,7 y tá cho mỗi 1.000 người dân Ấn. Không có nước nào có diện tích và tài sản như Ấn Độ lại có đội ngũ y tế nhỏ như vậy.
Tồi tệ hơn, Ấn Độ chỉ có 5,3 giường bệnh cho mỗi 10.000 người, trong khi Trung Quốc có 43,1 giường cho cùng một mẫu số. Ấn Độ chỉ có 2,3 giường chăm sóc đặc biệt cho mỗi 100.000 người, trong khi Trung Quốc có 3,6, và 48.000 máy thở, trong khi Trung Quốc có 70.000 máy thở chỉ tính riêng ở Vũ Hán.
“Sự yếu kém về cơ sở vật chất y tế này hoàn toàn là do quá trình tư nhân hóa, khi các bệnh viện khu vực tư nhân vận hành hệ thống trên nguyên tắc tối đa công suất và không có khả năng xử lý quá tải vào những lúc cao điểm”, Prashad đánh giá.
Việc tối ưu hóa không cho phép hệ thống xử lý các đợt nhu cầu tăng đột biến, vì họ chủ yếu vận hành trong điều kiện bệnh viện dư thừa công suất lúc bình thường. Không có doanh nghiệp tư nhân nào tự nguyện triển khai thêm giường bệnh hay máy thở. Điều này tất yếu gây ra khủng hoảng trong đại dịch.
Hơn nữa, chi tiêu y tế thấp đồng nghĩa với chi tiêu cho cơ sở hạ tầng y tế và lương của nhân viên y tế thấp. “Đây là cách tồi tệ để điều hành một xã hội”, chuyên gia viết.
Thiếu hụt là vấn đề bình thường trong bất kỳ xã hội nào. Song, việc Ấn Độ, đất nước từ lâu được biết đến là “nhà thuốc của thế giới” với ngành công nghiệp dược phẩm phát triển, thì việc thiếu hụt những hàng hóa y tế cơ bản trong đại dịch của nước này có thể gọi là một “bê bối”.
Ví dụ gần nhất, Ấn Độ sản xuất 60% vaccine toàn cầu, bao gồm 90% vaccine sởi được WHO khuyến cáo, và Ấn Độ cũng là nhà sản xuất thuốc lớn nhất trong thị trường Mỹ. Nhưng điều này không giúp được gì cho họ trong khủng hoảng COVID-19.
Vaccine COVID-19 vẫn đang chưa được cung cấp đủ nhanh cho người dân Ấn Độ. Quá trình tiêm chủng của nước này dự kiến sẽ không hoàn thành trước tháng 11/2022. Chính sách mới đây của Ấn Độ cho phép các nhà sản xuất vaccine tăng giá, nhưng không đảm bảo sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. (Trong khi đó, một lần nữa, các nhà máy sản xuất vaccine khu vực công lại đang ngồi yên).
Không có kế hoạch mua sắm quy mô lớn nào, không có đủ oxy y tế trong khi Ấn Độ đã xuất khẩu oxy và thuốc tiêm remdesivir.
Chỉ cách đây gần 2 tháng, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ thắng đại dịch trong 18 ngày. Nhưng giờ tương lai đó đã xa hơn rất nhiều.
Theo PHƯƠNG ANH/VTCnews