Dịch tả ở Nam Phi làm 15 người chết, 37 người nhập viện

Google News

Ít nhất 15 người đã thiệt mạng vì dịch tả ở Nam Phi trong khi số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên, theo Metro.

Chính quyền thành phố Tshwane (Nam Phi), nơi đã phải đối mặt với các vấn đề về nước và điều kiện vệ sinh kém trong nhiều năm, cho biết gần 100 người mắc bệnh tả, đã được đưa đến bệnh viện và 37 người được nhập viện .
Cư dân ở tỉnh đông dân nhất của đất nước đổ lỗi cho các chính trị gia vì đã không cung cấp nước sạch.
Ngày 21/5, Bộ Y tế Nam Phi xác nhận, dịch tả đang bùng phát ở Hammanskraal, gần Pretoria, nơi cư dân không được tiếp cận với nước sạch trong nhiều thập kỷ qua.
Dich ta o Nam Phi lam 15 nguoi chet, 37 nguoi nhap vien
Trẻ em Syria uống vaccine ngừa bệnh tả, tháng 3/2023. Ảnh: EPA. 
Sello Samuel Lekoto, 36 tuổi, cư dân Hammanskraal đang được điều trị bệnh tả tại Bệnh viện Jubilee, cho biết: “Chúng tôi đang uống nước đó, nhưng họ không muốn làm sạch nó hoặc đặt một đường ống khác để cung cấp cho chúng tôi nước sạch”.
Chính quyền thành phố xác nhận nước không thể uống được và người dân được cảnh báo không được uống.
"Vấn đề nước ở Tshwane đã là một vấn đề trong nhiều năm," Thứ trưởng Bộ Nước và Vệ sinh Nam Phi David Mahlobo cho biết trong một cuộc họp báo.
Cho đến nay, 41 trường hợp mắc bệnh tả đã được xác nhận trên khắp Nam Phi.
Có 34 người ở tỉnh Gauteng, một người ở tỉnh Limpopo và sáu người ở Free State, một phát ngôn viên của bộ y tế cho biết.
Bệnh tả có thể gây tiêu chảy cấp tính, nôn mửa và suy nhược và chủ yếu lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Người mắc bệnh tả có thể chết trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.
Căn bệnh này có liên quan đến việc không được tiếp cận đầy đủ với nước sạch và các công trình vệ sinh sạch sẽ.
Theo Giám đốc về ứng phó dịch tả toàn cầu của WHO Henry Gray, các ca bệnh tả đã giảm dần trong hơn 10 năm nhưng xu hướng này đã đảo ngược vào năm 2021. Số ca mắc tả và tử vong do căn bệnh này đã tăng vọt trong năm ngoái, khi bệnh tả lan đến những khu vực mới, đặc biệt là vùng xung đột và khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. “Trong năm nay, có 24 quốc gia đã ghi nhận bùng phát dịch tả. Sự gia tăng các ca nhiễm tả là do nghèo đói, xung đột, biến đổi khí hậu và cuộc sống của người tị nạn trong điều kiện bấp bênh”, ông Henry nêu rõ.
Theo WHO, dịch tả đang lan nhanh trong điều kiện người dân không được vệ sinh đầy đủ và thiếu nước uống. Bệnh tả lây lan qua đường tiêu hóa, khi người bệnh ăn, uống phải thực phẩm hoặc nước nhiễm khuẩn. Bệnh này thường gây ra các triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Các trường hợp nặng dẫn đến tiêu chảy cấp tính và có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vài giờ nếu không được chữa trị.
Để đẩy lùi dịch tả, việc tiếp cận nước sạch, hệ thống vệ sinh cũng như công tác tiêm phòng và chữa trị nhanh chóng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Henry, WHO không thể cung cấp đủ vaccine, khi chỉ có 8 triệu liều vaccine được đáp ứng trong tổng số 18 triệu liều được yêu cầu trong năm 2023. Do đó, WHO và các đối tác đã quyết định chỉ áp dụng tiêm phòng một liều vaccine, thay vì hai liều như thông thường.
Thảo Nguyên (Theo Metro)