Giải pháp hòa bình nào cho cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan?

Google News

(Kiến Thức) - Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ-Pakistan những ngày qua có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột quân sự. Trước tình hình hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi hai bên đối thoại, giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao.

Liệu chiến tranh Ấn Độ-Pakistan có xảy ra?
Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực biên giới leo thang những ngày gần đây bắt nguồn từ việc phiến quân Jaish-e-Mohamad (JeM), một nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động tại Pakistan, tấn công đoàn xe an ninh của Ấn Độ tại huyện Phulwama thuộc bang Jammu và Kashmir, khiến 45 sĩ quan thiệt mạng hôm 14/2.
Tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu khi hôm 26/2, Ấn Độ tuyên bố không kích tiêu diệt hoàn toàn một doanh trại của nhóm khủng bố cực đoạn Jaish-e-Mohamad trên đất Pakistan. Đến ngày 27/2, Pakistan thông báo đã bắn hạ 2 máy bay và bắt sống phi công Ấn Độ, còn New Delhi tuyên bố bắn hạ 1 máy bay của Pakistan.
Trước tình hình này, dư luận lo ngại một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan.
Giai phap hoa binh nao cho cuoc xung dot An Do-Pakistan?
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan leo thang tại khu vực biên giới trong những ngày gần đây. Ảnh:  CNBC.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Đại tướng Yuri Baluyevsky, cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, tình hình bùng phát hiện tại ở khu vực tranh chấp Kashmir sẽ dẫn đến đụng độ cục bộ. Tuy nhiên, giống như trong những lần khủng hoảng trước đây, nó sẽ không trở thành xung đột quân sự quy mô tổng lực.
"Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra như ở các giai đoạn bùng phát từng xảy ra trong quá khứ: Trên tuyến giáp giới sẽ có đụng độ cục bộ, có thể sẽ chuyển sang giai đoạn các trận không chiến địa phương, nhưng hiện thời vẫn chưa thấy Ấn Độ và Pakistan tạo lập các nhóm tấn công địa phương dành cho xung đột toàn lực", Sputnik dẫn lời Tướng Yuri Baluyevsky hôm 27/2.
Theo Thủ tướng Pakistan Imran Khan, New Delhi và Islamabad không đủ điều kiện tham gia một cuộc chiến mới và ông sẽ cùng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay.
Giải pháp nào cho xung đột Ấn Độ-Pakistan?
Sau khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang những ngày qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi hai bên đối thoại, giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao.
Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng Nam Á, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà May cũng khẳng định nước này đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, bao gồm thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm hạ nhiệt căng thẳng. 
Trung Quốc hy vọng hai nước nhanh chóng đối thoại giải quyết vấn đề. 
“Trung Quốc hy vọng Ấn Độ và Pakistan có thể kiềm chế một cách tối đa, nhanh chóng tiến hành đối thoại, kiểm soát hiệu quả cục diện nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực tiểu lục địa Nam Á”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu.
Về phía Mỹ, nước này đã ra thông cáo phản đối căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai bên có các bước xuống thang nhằm làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay.
Ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ làm mọi cách để căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tại Kashmir hạ nhiệt.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đặc biệt quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi New Delhi và Islamabad giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao.
Còn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara cũng rất quan ngại về căng thẳng Ấn Độ-Pakistan và sẵn sàng hỗ trợ hai bên giải quyết những bất đồng.

Mời độc giả xem thêm video: Ấn Độ và Pakistan bên bờ vực xung đột vũ trang (Nguồn: VTC14)

Và "ý tưởng" giải quyết xung đột hai nước bằng đối thoại, ngoại giao dường như cũng nhận được sự ủng hộ từ chính "người trong cuộc".
Hôm 27/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đưa ra lời đề nghị hòa bình và đối thoại với Ấn ĐộThủ tướng Khan tuyên bố, phi công Ấn Độ điều khiển chiếc máy bay bị bắn hạ và bị các lực lượng Pakistan bắt giữ trong tuần này sẽ được thả vào ngày 1/3. Đây là hành động trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng tiếp diễn giữa hai nước.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định, nước này sẽ trao trả viên phi công Ấn Độ bị bắt giữ nếu việc đó giúp giảm căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ.
Thiên An (T.H)