Dịch Covid-19 lây lan mạnh dẫn đến hàng loạt lệnh phong tỏa, khiến kế hoạch về với người thân ăn Giáng sinh phải hủy bỏ. Các quy định giãn cách khiến nhiều người Việt phải “ai ăn Giáng sinh nhà nấy”, không còn được chúc tụng thoải mái, ấm cúng như truyền thống.
Mùa lễ ở những thành phố đẹp nhất châu Âu năm nay giảm hẳn sự lung linh, nhộn nhịp vốn có - “một Giáng sinh buồn của người châu Âu”, như một người Việt ở Đức mô tả.
|
Thường đông người mua sắm vào dịp lễ, phố Regent ở London hầu như không có người vào ngày 21/12. Ảnh: New York Times. |
Giáng sinh từ xa vì London bất ngờ phong tỏa
Hào hứng về lần đầu tiên trải nghiệm Giáng sinh ở London, Minh Anh, đang học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh, đã chuẩn bị đủ quà tặng cho gia đình bạn trai ở Brighton. Họ dự định trao đổi quà vào sáng ngày Giáng sinh như truyền thống, tuân thủ hướng dẫn của chính phủ là chỉ tối đa 3 hộ được phép tụ tập.
Nhưng tuyên bố ngày 19/12 của Thủ tướng Boris Johnson, nâng London và nhiều vùng đông nam nước Anh thành vùng dịch cấp 4, khiến Minh Anh và khoảng 17 triệu người khác phải chịu giới hạn đi lại.
“Kế hoạch của em bị ảnh hưởng toàn bộ... chắc em sẽ gọi video với gia đình bạn em”, cô nói với Zing. Cô và gia đình đang tính tổ chức đố vui qua video để làm “Giáng sinh từ xa” thú vị hơn.
|
Giáng sinh “đúng nghĩa” đầu tiên của Minh Anh ở Anh lại là giữa đại dịch và lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
'Chị gái của bạn trai cô cũng phải hủy kế hoạch về ăn Giáng sinh, vì bị lây Covid-19 từ bệnh nhân tại bệnh viện mà chị làm việc.
Từ trước ngày Giáng sinh, mùa lễ của Minh Anh đã bị gián đoạn bởi hai đợt cách ly - đầu tiên là 14 ngày do hai học sinh của cô nhiễm virus, sau đó là 10 ngày do tiếp xúc ca nhiễm khi ra ngoài mua đồ ăn.
“Nhờ ứng dụng ‘Test and Trace’... người nào tiếp xúc với mình khoảng cách 2 m mà bị báo là mắc Covid-19 thì sẽ có tin nhắn gửi về điện thoại mình, mình bắt buộc phải cách ly, trước là 14 ngày, nhưng quy định mới là 10 ngày”, Minh Anh cho biết.
Kèm theo đó là nỗi lo không có người thân bên cạnh, nếu mắc bệnh sẽ không ai chăm sóc.
Số ca mắc Covid-19 ở Anh đang tăng chóng mặt, khiến phần lớn nước Anh phải nâng lên thành vùng dịch cấp độ 4.
Nước này ghi nhận con số kỷ lục 36.804 ca nhiễm mới ngày 22/12, theo sau 33.364 ca ngày 21/12 và 35.928 ca ngày 20/12 - một phần do biến chủng virus mới lây lan mạnh hơn.
|
Trang trí mùa lễ ở khu Convent Garden của London, bình thường sẽ đông khách mua sắm Giáng sinh. Ảnh: New York Times. |
Cảm giác mông lung, không thể lên kế hoạch
Nguyễn Hải An, 28 tuổi, sống ở London, cho biết bố mẹ chồng cô ở Peterborough đã chuẩn bị đồ ăn cho tiệc Giáng sinh. Quà cũng được các thành viên gửi về nhà ông bà, chờ được bóc và trao cho nhau vào sáng ngày Giáng sinh.
Nhưng kế hoạch phải hủy sau khi cả London và Peterborough được nâng thành vùng dịch cấp độ 4. Đồ ăn ở nhà bố mẹ chồng ở Peterborough phải để vào tủ đông, còn Hải An và chồng phải gấp rút rời London ngay trong ngày 19/12, tới nhà một người chị chồng ở vùng khác cấp độ 2.
“Chị ấy gọi điện bảo tụi em là tình hình như thế thì có qua nhà chị luôn được không. Tụi em bảo phải suy nghĩ đã, một tiếng sau gọi lại thì chị nức nở khóc”, Hải An, đang dạy kèm môn toán tại một trường trung học, nói.
“Mọi chuyện quá áp lực không như ý, gia đình của chị ấy cũng vừa mắc Covid-19, cũng vừa cách ly rồi khỏi bệnh, cũng bị mệt dù đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các lệnh của chính phủ... Giáng sinh không tổ chức nữa thì nhiều việc dồn dập quá”, Hải An cho biết thêm.
Người Anh đang bất bình với Thủ tướng Boris Johnson vì tuyên bố các lệnh phong tỏa quá sát Giáng sinh.
Đầu năm nay, ông Johnson phong tỏa Anh muộn hơn hẳn so với các nước châu Âu khác, khiến Anh có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao gần nhất châu lục. Đến hè, chính phủ lại khuyến khích mọi người trở lại làm việc - còn trợ giá bữa ăn trưa - khiến virus lây lan mạnh trở lại, theo New York Times.
|
Nguyễn Hải An (trái) không thể về ăn Giáng sinh ở nhà bố mẹ chồng do lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
Cho đến tận ngày 16/12, ông Johnson vẫn kiên quyết muốn nới lỏng giới hạn đi lại cho dịp lễ. Đường phố London nhộn nhịp người mua sắm, cho tới ngày 19/12 khi thủ đô nước Anh bất ngờ thành vùng dịch cấp độ 4.
“Đầu tiên, chính phủ nói Giáng sinh có thể nới lỏng cho mọi người... bây giờ mọi người thất vọng, tức giận cảm giác nước sát đến chân rồi thì nhà nước mới báo cho mọi người”, Hải An nhận xét.
Cô nhớ lại Giáng sinh năm trước “rất ấm cúng”, đi khu vui chơi Winter Wonderland, và đi xem kịch cùng gia đình chồng. “Bây giờ ai tự làm Giáng sinh nhà nấy, rồi gọi video cho nhau, có thể chơi trò gì đó qua Zoom”.
|
Đường St. Martin’s ở trung tâm London ngày 21/12. Ảnh: New York Times. |
Trước đó, tiệc Giáng sinh ở cơ quan, mà cô thấy “khá háo hức”, cũng bị hoãn sang ngày 4/1 năm sau khi mọi người đi làm lại. Nhưng chưa ai biết có tổ chức được không, vì lệnh phong tỏa London không có ngày kết thúc.
“Ở đây rất mông lung, bây giờ phải nghe ngóng tin tức theo từng tuần, không thể tính xa đến tháng 1. Nếu vẫn là vùng dịch cấp 4, vẫn làm ở nhà, thì kế hoạch đổ bể hết”, Hải An nói.
Sự bất trắc còn nằm ở cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ thương mại hậu Brexit. Người Anh đón một Giáng sinh ảm đạm trong bối cảnh có thể xảy ra gián đoạn lớn trong giao thương vào cuối năm, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận.
Người Việt ở Đức và Giáng sinh “rất khó khăn”
Không chỉ Anh, mà hàng loạt nước châu Âu trải qua Giáng sinh với những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất, sau nhiều tuần dịch bệnh hoành hành.
Chẳng hạn, Đức phong tỏa toàn quốc ngày 16/12, cho đến ngày 10/1 năm sau. Mọi cửa tiệm, trường học, nhà hàng, điểm giải trí phải đóng cửa. Tối đa chỉ 5 người (từ hai hộ gia đình) được vào cùng một nhà, theo BBC.
Italy cũng phong tỏa toàn quốc trong phần lớn dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Mỗi nhà chỉ được có hai khách. Lệnh giới nghiêm 22h đến 5h sáng được áp dụng trên cả nước.
Trong khi đó, Pháp nới lỏng bớt giới hạn, theo đó người dân không còn phải điền đơn khi ra khỏi nhà. Trường trung học vẫn mở, nhưng nhà hàng, điểm giải trí phải đóng. Vẫn có lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 20h đến 6h sáng.
|
Quảng trường Gendarmenmarkt của Berlin năm nay vắng bóng người, không còn tiếng nhạc và tiếng xì xèo của món xúc xích. Ảnh: New York Times. |
Bà Phạm Thị Xuyên, 61 tuổi, sống ở trung tâm thủ đô Berlin đang là tâm dịch ở Đức, nói cuộc sống của người Việt tại đây đang “rất khó khăn”. Qua trò chuyện với những người quen, bà Xuyên cho biết người Việt sang đây chủ yếu bán các đồ tặng phẩm, quần áo hoặc hàng ăn.
“Cửa hàng quần áo thì phải đóng cửa hoàn toàn, còn hàng ăn thì thưa thớt, không có người”, bà nói với Zing.
Ở München, hiện là một tâm dịch khác ở Đức, Huỳnh Hải Đăng, 36 tuổi, kỹ sư phần mềm, nói: “Người Việt đa phần làm quán, ở đây còn được mở cửa để giao hàng, sau 21h là giới nghiêm. Quán xá ế ẩm nên nhiều chỗ cũng đóng luôn”.
Anh cho biết tình hình căng thẳng khiến nhiều người chọn ăn Giáng sinh ở nhà, không đi đâu thăm ai. Có lệnh phong tỏa trước Giáng sinh gần hai tuần, “nên ai chưa mua quà Giáng sinh cũng khổ, mà khổ nhất là những người bán chợ Giáng sinh”.
Tại Berlin, vì biết bà Xuyên sống một mình sau khi chồng mất, một số người thân sống xung quanh mời bà qua ăn Giáng sinh. Nhưng quy định chỉ cho phép tụ tập 5 người, nên họ cho biết sẽ bảo con hoặc cháu tránh đi, khiến bà Xuyên cảm thấy ngại.
“Chắc tôi sẽ không tới, chỉ gọi điện chúc nhau thôi. Tôi cũng cao tuổi rồi, tránh cho mình, tránh cho người ta. Con trai tôi ở xa, nếu tôi làm sao thì cũng không thăm được nhau”, bà Xuyên nói.
Bà dự định sang Áo đón Giáng sinh cùng vợ chồng con trai và ba cháu, như các năm gần đây. Nhưng kế hoạch này phải hủy từ tháng 11 do các giới hạn đi lại, chỉ có thể thay bằng gọi video.
Dành phần lớn thời gian ở nhà, bà vẫn cố gắng ra ngoài đi bộ hai tiếng mỗi ngày, vì “trong nhà đợt này, toàn lò sưởi, khô hết cả cổ, không chịu nổi”. Trên TV là cảnh các bệnh viện quá tải ở thành phố Berlin, và cảnh thiếu hụt nhân viên y tế.
Trung bình 7 ngày tính đến 22/12 trên toàn nước Đức có hơn 25.000 ca nhiễm virus mới. Số ca tử vong trung bình 7 ngày là khoảng 650.
Sống trong chung cư chủ yếu là sinh viên và người cao tuổi sống độc thân, bình thường bà Xuyên có thể bấm chuông hàng xóm để chúc nhau ly rượu vang sủi sekt phổ biến trong dịp Giáng sinh của Đức, nhưng năm nay thì không.
|
Bà Phạm Thị Xuyên cho biết người Việt đang “rất khó khăn” mùa Giáng sinh năm nay. Ảnh: NVCC. |
“Bây giờ nếu ra đường, gặp hàng xóm thì mới chuyện trò với nhau thôi. Nhưng chán lắm, đứng cách 2 m nói chuyện thì còn ra gì nữa”, bà Xuyên thở dài.
|
Một thánh lễ tại nhà thờ Apostel Paulus ở Berlin ngày 20/12. Thánh lễ được rút ngắn và không cho phép hát nhạc Giáng sinh. Ảnh: New York Times. |
Thiếu vắng những cuộc vui
Đối với Nguyễn Ngọc Bách, 21 tuổi, sinh viên Đại học Kỹ thuật Hamburg, dịch bệnh khiến Giáng sinh thiếu vui đi so với các năm trước.
Mọi người ít ra ngoài đường, nên Bách không còn được vừa đi dạo vừa uống rượu Gluhwein “để chống rét” khi đi chơi Giáng sinh ở Đức.
“Chợ Giáng sinh cũng rất vui, có nhiều đồ ăn ngon”, anh nhớ lại các dịp lễ năm trước. Bách cũng thường đi chơi thành phố khác với các bạn.
|
Một chợ bán đồ Giáng sinh ở Berlin vài ngày trước lệnh phong tỏa. Ảnh: New York Times. |
“Năm nay không ai đi đâu cả, hạn chế nhiều thứ quá. Nhưng mình cũng không buồn, vì quen như vậy từ đầu năm rồi”, Bách nói.
Năm nay, nhóm sinh viên ở trường Bách không thể tổ chức sự kiện mừng dịp lễ như mọi năm. Một lễ hội khác thường được mở ba lần một năm, và thường tổ chức lớn vào mùa lễ, thì Giáng sinh năm nay cũng không còn.
Từ thủ đô Rome của Italy, Lý Dật Thụ, học thạc sĩ ngành y Đại học Rome, cho biết bạn bè của anh mọi năm thường lên kế hoạch du lịch trong Italy hoặc quanh châu Âu vào dịp Giáng sinh, nhưng năm nay thì không thể.
“So với hồi tháng 3, người dân giờ đây có ý thức hơn, 99% mọi người tuân thủ đeo khẩu trang, tất nhiên không còn sợ như hồi tháng 3 nữa”, Thụ nói.
Các tân sinh viên Việt Nam ở đại học bên Italy phần lớn học online từ Việt Nam, thay vì sang Italy.
Dù sự trầm lắng bao trùm Giáng sinh nhiều nước châu Âu, khiến người Việt không có được không khí nhộn nhịp, họ vẫn tìm được đâu đó tinh thần của mùa lễ, không mất đi trong đại dịch.
Từ Berlin, bà Xuyên cho biết vẫn thường xuyên gọi video cho gia đình con trai, các cháu ở Áo. Con trai tuy bận rộn nhưng vẫn thường gọi điện. “Con nghe được tiếng mẹ là con thấy yên tâm rồi”, anh thường nói với bà.
Ở London, Minh Anh cho biết các nhóm bạn của cô khi nói chuyện vẫn thường bảo nhau giữ gìn sức khỏe. Các bạn cùng nhà đã mua đồ ăn hộ trong những ngày cô phải cách ly.
“Anh bạn của em ở Leeds, điện thoại hết pin phải nhờ một bà ngồi cạnh (trên tàu), thì bà còn cho anh ấy cái bánh, rồi nói ‘Merry Christmas’ (Giáng sinh vui vẻ)”, Minh Anh nói.
Theo Trọng Thuấn/Zing