Giới nghiên cứu quốc tế nghĩ gì về Cách mạng tháng Tám?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế, dân tộc Việt Nam thực sự đã làm nên điều kỳ diệu với chiến thắng vẻ vang trong Cách mạng tháng Tám vào 19/8/1945.

Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công là một trong những sự kiện quan trọng và hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Dân tộc Việt Nam đã làm nên điều diệu kỳ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong suốt gần 1 thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 1.000 năm, và lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn tác động tới nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ.
Đối với nhiều nhà nghiên cứu và sử gia quốc tế, Cách mạng tháng Tám là sự kiện đặc biệt ấn tượng và trong suốt 73 năm qua, họ đã dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu. Càng đi sâu vào tìm hiểu, họ lại càng cảm phục trước thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đặc biệt là cuộc Cách mạng tháng Tám.
Gioi nghien cuu quoc te nghi gi ve Cach mang thang Tam?
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội vào tháng 8/1945. Nguồn ảnh: Tư liệu TTXVN. 
Trong cuốn sách “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Tạm dịch: Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh), nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền tự do dân chủ: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”.
“Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa”, chuyên gia Stein Tonnesson viết.
Gioi nghien cuu quoc te nghi gi ve Cach mang thang Tam?-Hinh-2
Cuốn sách “The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” của nhà sử học Na Uy Tonnesson. Ảnh: Amazon.com. 
Nhà sử học Mông Cổ Sanon Ish Dashtsevel ca ngợi vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tài lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa cuộc Cách mạng tháng Tám đến thắng lợi.
“Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là do đường lối và chính sách đúng đắn khoa học của Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được mọi tầng lớp trong xã hội, đoàn kết đấu tranh để thực hiện thành công mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, mang lại đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân”, Sanon Ish Dashtsevel nhấn mạnh.
Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến và cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chuyên gia Alain Ruscio rất cảm phục trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, đặc biệt Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Theo Alain Ruscio, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ.

Mời độc giả xem video: Cách mạng tháng Tám - Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam (Nguồn: VTC16)

Đồng quan điểm với sử gia Alain Ruscio, nhà sử học nổi tiếng người Pháp Charles Fournieau cũng cho rằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn có tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó.
Cũng theo Fournieau, cuộc Cách mạng Tháng Tám đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Với nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Roussel, cuộc cách mạng tháng Tám 1945 là biểu tượng của cuộc đấu tranh kỳ kiệu của nhân dân Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng thời khẳng định quyền làm chủ vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Nhà báo Daniel Roussel cũng ca ngợi chiến lược tài ba của các nhà lãnh đạo Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giúp dân tộc Việt Nam giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
“Nổi bật trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm bắt được tình hình thế giới, tận dụng thời cơ, phối hợp hành động, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp” là nhận định của chuyên gia sử học Francis Gendreau.
Thiên An (Tổng hợp)