Hai năm xung đột Nga-Ukraine: Khi nào cuộc chiến kết thúc?

Google News

Sau 2 năm kể từ ngày đặc biệt khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, thế giới đã trải qua những thay đổi không bao giờ còn đổi thay được nữa. Những diễn biến của cuộc chiến đã ảnh hưởng to lớn đến nhân loại.

Hai nam xung dot Nga-Ukraine: Khi nao cuoc chien ket thuc?

Binh lính Ukraine trên chiến trường giữa mùa đông. Ảnh: Reuters.

 Câu hỏi được mong chờ nhất có lẽ là khi nào cuộc chiến kết thúc.

Từ SWIFT đến mèo Nga

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, với những mục tiêu cụ thể "là bảo vệ những người trong suốt 8 năm đã bị chế độ Kiev bắt nạt và diệt chủng". Vì thế, ông Putin nói, Nga "quyết tâm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đưa ra công lý những kẻ đã phạm vô số tội ác đẫm máu chống lại dân thường, trong đó cả các công dân Liên bang Nga".

Những mục tiêu này sau đó được bổ sung thêm bằng việc sáp nhập thêm 4 tỉnh mới (ngoài Crimea) vào liên bang Nga, bao gồm: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Tổng diện tích những tỉnh mới này tương đương nước Anh.

Mặc dù được gọi bằng cái tên "chiến dịch quân sự đặc biệt", và cả Nga lẫn Ukraina đều chưa từng tuyên chiến với nhau, nhưng trên thực tế đây là một cuộc chiến tổng lực tại Ukraine giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Những mặt trận chính của nó là: Chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh công nghệ và chiến tranh truyền thống, qua các xung đột quân lực và vũ khí thông thường.

Ngay sau ngày Nga khai chiến, lập tức phương Tây tuyên chiến toàn diện với Nga về kinh tế, ngoại giao và thông tin. Nắm trong tay các công cụ mạnh mẽ nhất toàn cầu: đồng đô la, các định chế tài chính lớn nhất, các hãng thông tấn, hơn nữa, nhiều tổ chức quốc tế đặc biệt là LHQ đang đặt tại Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ, nên phương Tây lập tức gây sức ép toàn diện lên liên bang Nga. Hàng ngàn lệnh cấm vận đã được đưa ra, từ những việc rất lớn như khai trừ Nga khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), áp giá trần xuất khẩu dầu mỏ, cấm các vận động viên Nga cho đến những việc rất nhỏ như cấm cả mèo Nga được dự thi quốc tế.

Bức tranh đối lập

Tuy nhiên, sau 2 năm, theo số liệu của cả Nga và phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ. GDP của Nga hiện cao hơn so với trước đợt trừng phạt của phương Tây. GDP tăng trưởng ít nhất 3,5% trong năm 2023. Chính phủ Nga cũng đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất nội địa. Các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Nga đã bắt đầu tăng trưởng trở lại từ tháng 3 năm 2023 sau 11 tháng giảm liên tiếp.

Nga vẫn tiếp tục tăng doanh thu từ dầu khí với giá bán cao hơn mức giá trần áp đặt của phương Tây. Hãng tin Reuters ước tính, doanh thu từ dầu khí của Nga tăng lên xấp xỉ 733 tỷ rúp (tương đương 7,6 tỷ đôla) trong tháng 9/2023, tăng 9% so với tháng 8. Thậm chí nhiều tờ báo phương Tây còn phải đưa tin rằng nước Nga đang giàu lên trông thấy. Nói không ngoa, chính phủ Nga đang ngập trong tiền.

Ngoài những lợi ích kinh tế nêu trên, Nga còn hưởng lợi rất lớn từ nền kinh tế của gần 10 triệu người dân từng ở Ukraine, nay di cư qua Nga hoặc đang sinh sống tại các vùng mới sáp nhập. Vùng lãnh thổ mới sáp nhập có diện tích khoảng 120 ngàn km2, cộng thêm 39 ngàn km2 biển Azov nay đã biến thành biển nội địa Nga cũng đem lại cho nước này những lợi ích vô cùng lớn trước mắt và lâu dài. Donbass từng là vùng công nghiệp lớn, giàu có tài nguyên khoáng sản nhất vùng Ukraine với những nhà máy luyện kim và những mỏ than lớn nhất liên bang Xô viết.

Bức tranh nền kinh tế Ukraine sau 2 năm chiến tranh lại nhuốm màu đen tang tóc. Theo lời ông Denys Shmyhal, thủ tướng Ukraina, quốc gia này đã mất 30% nền kinh tế kể từ ngày đầu chiến dịch. Thêm vào đó, Ukraine đã mất 3,5 triệu việc làm cùng với 20% lãnh thổ, 10 triệu người đã ra đi, đến các nước châu Âu, Mỹ và Nga. Để phục hồi hạ tầng Ukraina sẽ cần đến 487 tỷ đô la và hàng chục năm xây dựng. Những con số này dĩ nhiên còn tăng lên nhanh chóng cùng với thời gian.

Trên thực tế, tình hình còn bi thảm hơn những gì Denys Shmyhal nói, vì gần 50% ngân sách Ukraina hiện nay là do phương tây tài trợ. Quốc gia này gần như buộc phải sống dựa vào phương Tây, không chỉ vũ khí mà còn lương bổng cho các nhân viên nhà nước, lương hưu cho người già… Nếu gạt phần tài trợ này ra, và tính đến những mất mát vĩnh viễn từ 5 tỉnh đã được sáp nhập vào Nga, thì thực tế nền kinh tế Ukraine có lẽ chỉ còn độ 1/3 so với trước chiến tranh.

Hai nam xung dot Nga-Ukraine: Khi nao cuoc chien ket thuc?-Hinh-2

Tổng thống Ukraine Zelensky thề quyết tâm mở chiến dịch phản công mới trong năm 2024. Ảnh: Reuters.

Những mất mát về con người của 2 bên vẫn còn là bí mật quốc gia của họ. Nhiều nguồn tin phương tây cho rằng nước Nga đã mất khoảng 45 ngàn người, những nguồn tin khác cho con số mất mát của Ukraine lớn hơn nhiều lần, đến cả triệu người. Thực tế hiện nay những số liệu này nằm trong cuộc chiến tranh thông tin sâu rộng mà phương tây đang nắm quyền chi phối, nên tạm thời những con số này chỉ nên được nghe cho biết. Chúng không nói được gì hơn sự thật là ai đang làm chủ hệ thống tuyên truyền toàn cầu.

Nếu nhìn "ngoài hộp đen", ta có thể thấy thực tế Ukraine đang thiếu quân nghiêm trọng, cần huy động thêm 500 ngàn người, còn nước Nga vẫn tương đối ung dung với quân lực của mình, mặc dù Nga còn phải để quân giữ những vùng biên giới vô cùng dài rộng của họ với các quốc gia khác.

Thực tế mới

Thực tế chiến trường cho thấy Nga đang chuyển hẳn qua thời kỳ tổng tấn công trên toàn mặt trận. Sau khi giải phóng được Avdiivka, thành trì quan trọng trên hệ thống phòng thủ kéo dài hàng ngàn km của Ukraine, quân đội Nga bắt đầu tấn công hàng loạt thành phố quan trọng khác, và Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tự tin rằng nước này có thể cần tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ukraine đang thực sự khó khăn. Những trợ giúp khổng lồ từ tiền bạc, công nghệ, tuyên truyền, ngoại giao, cho đến vũ khí và nhân lực trực tiếp của phương tây dường như không thể ngăn cản quân đội Nga hoàn thành những mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đặt ra. Người Mỹ cũng bắt đầu ngần ngại với những khoản trợ giúp mới cho Ukraine vì với sự thực dụng của các nhà tư bản, họ dường như không muốn phải bỏ tiền ra mà không có nhiều hy vọng thu hồi lại. Nạn tham nhũng sâu rộng của quan chức Ukraine cũng là một nỗi băn khoăn lớn với những nhà tài trợ, họ không chắc số tiền họ bỏ ra sẽ đến đúng nơi, đúng lúc, đúng người.

Một thực tế nữa là đa số cư dân Đông Ukraine nói tiếng Nga như ngôn ngữ thứ nhất. Họ có những mối quan hệ gia đình và làm ăn sâu rộng với nước Nga và dân Nga. Về mặt lịch sử, đó cũng là những vùng đất của đế quốc Nga. Tất cả những điều này đều gây khó khăn cho quân đội Ukraina: họ phải chiến đấu tại những vùng đất mà người dân có thiện cảm với đối thủ. Thậm chí có rất nhiều người dân mang cờ ra chào đón quân đội Nga.

Làm gì để chấm dứt chiến tranh?

Tuy nhiên, cuộc chiến nào rồi cũng phải đến điểm kết thúc nào đó, nhất là những cuộc chiến giữa lòng châu Âu — nơi đã lâu rồi không phải nếm mùi khói lửa chiến tranh. Chắc chắn các chính phủ châu Âu và Mỹ đều đang đau đầu tìm cách ngăn chặn sự lan rộng của chiến dịch quân sự đặc biệt này. Cần, rất cần một thỏa hiệp giữa các bên, và đã gọi là thỏa hiệp thì các bên đều phải có những nhượng bộ nhất định với nhau.

Hiện nay, chính phủ Nga nhất quyết không từ bỏ các mục tiêu ban đầu và thực tế chiến trường cũng như các số liệu kinh tế cho họ có được niềm tin mạnh mẽ rằng càng kéo dài chiến sự, họ càng có lợi và càng làm tốt hơn. Nhưng về phía Ukraina, tổng thống Zelensky vẫn nhất định không chịu từ bỏ lãnh thổ. Các lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ, Đức hiện nay cũng không muốn Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ của mình. Điều đó cũng dễ hiểu vì mặc dù Trung Quốc đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đượng, vượt Mỹ đến gần 30%, nhưng nói chung phương tây vẫn đang giữ vị thế mạnh trên toàn cầu về nhiều lĩnh vực, và sự chiến thắng của nước Nga là điều rất khó chấp nhận với họ, một trái đắng khó nuốt trôi.

Vấn đề ở chỗ: Ông Putin gần như chắc chắn sẽ lãnh đạo nước Nga thêm ít nhất 6 năm nữa, còn lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước phương tây khác có thể mất quyền lực chỉ sau vài ba tháng.

Vì vậy, trước mắt rất khó có một giải pháp cho cuộc xung đột này. Nếu có thì phải với những lãnh đạo mới, hoặc từ phía Nga, hoặc từ phía Ukraine và phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Hiện nay, theo những thống kê mới nhất thì chỉ 10% dân châu Âu tin rằng Ukraina có thể thắng cuộc chiến này. Những trì hoãn liên quan đến 60 tỷ đô viện trợ mới từ Mỹ cho Ukraine cũng thể hiện sự mất niềm tin của chính giới Hoa Kỳ với sự kết thúc có lợi cho Ukraine trong cuộc xung đột. Vậy nên rồi cũng sẽ đến lúc phương Tây yêu cầu tổng thống Zelensky đàm phán với chính phủ Nga. Với tư cách là nhà tài trợ chính, thậm chí có thể nói là duy nhất, phương Tây chắc chắn đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột này.

Giải pháp khả thi nhất cho Ukraine có lẽ là một hiệp ước ngừng bắn, chấp nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý tại những tỉnh mới sáp nhập vào Liên bang Nga, chấp nhận thực tế lãnh thổ mới, và yêu cầu được một cam kết đảm bảo hòa bình cho Ukraine từ nhiều bên: Nga, Mỹ, EU, thậm chí Trung Quốc. Dĩ nhiên chẳng có một hiệp ước hòa bình nào có thời hạn vĩnh viễn, nhưng chí ít nó cũng đóng băng cuộc xung đột trong ít lâu, để hòa bình về lại với châu Âu. Còn nếu cứ kéo dài tình trạng này thêm vài năm nữa thì sự tồn tại tiếp tục của chính Ukraine cũng là một dấu hỏi lớn, đặc biệt là nếu như ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai!

Theo Thiên Lương/Dân Việt