Sự phủ quyết nói trên có nghĩa Hungary là quốc gia thành viên EU duy nhất phản đối đợt cấm vận mới chống Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo tờ Financial Times, EU đang cố gắng thông qua một gói trừng phạt mới, cần sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên trước ngày 24/2, đánh dấu 2 năm ngày Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm mục tiêu vào 200 cá nhân và tổ chức, hầu hết đến từ xứ sở bạch dương. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng Kiev - Moscow leo thang vào đầu năm 2022, các công ty châu Á, gồm 3 doanh nghiệp Trung Quốc và một công ty Ấn Độ, cũng bị đưa vào “danh sách đen” của EU.
Brussels cáo buộc 4 công ty này đã giúp Moscow né tránh các lệnh cấm vận của liên minh, chủ yếu thông qua cung cấp cho Nga các bộ phận có thể được tái sử dụng trong máy bay không người lái (UAV) và các hệ thống vũ khí khác.
Một quan chức giấu tên hôm 15/2 tiết lộ với Financial Times rằng, Hungary không nhất trí gói trừng phạt mới do các công ty Trung Quốc cũng bị nhắm mục tiêu.
Một nguồn tin khác khẳng định, các đại sứ EU thực sự đã có “một cuộc trao đổi rất hiệu quả” về các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, Hungary đã ngăn chặn gói trừng phạt này bằng cách tuyên bố liên minh “cần thêm một chút thời gian để phân tích nội dung của các đề xuất”. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào tuần tới.
Theo đài RT, phản ứng trước thông tin trên, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích "các biện pháp trừng phạt trái phép", đồng thời quả quyết sẽ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nước này.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet