Theo Reuters, người đứng đầu nhóm đàm phán của Iran là Abbas Araghchi hôm 7/7 tuyên bố Tehran sẽ giảm dần các cam kết từng đạt được tại thỏa thuận hạt nhân 2015, khởi đầu bằng việc tái làm giàu uranium. Các cam kết sẽ tiếp tục bị xóa bỏ sau mỗi 60 ngày.
Ông Araghchi cho biết mức làm giàu Uranium sẽ vượt qua 3,6%, tỷ lệ mà thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho phép, để đạt 5% là mức cần thiết để vận hành nhà máy điện hạt nhân Bushehr.
|
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak của Iran. Ảnh: Far. |
Nhà ngoại giao Iran cho biết lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak sẽ được đưa về trạng thái hoạt động trước đây nếu như kế hoạch hiện đại hóa như thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đề cập không được tiến hành. Các nước phương Tây từng cáo buộc Arak là cơ sở nơi Iran sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, đại diện Iran cho biết vẫn để ngỏ phương án ngoại giao, mong muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015, với điều kiện các nước tham gia thỏa thuận này phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình.
Trước đó, Iran hôm 1/7 tuyên bố đã phá vỡ giới hạn đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 về trữ lượng uranium làm giàu ở mức độ thấp. Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cho biết nếu các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận 2015 làm những gì họ cần làm, Iran sẽ giảm trữ lượng uranium xuống dưới mức quy định.
Thông báo phá vỡ thỏa thuận của Iran được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Trump nói ông đã ra lệnh không kích vào Iran và chỉ hủy bỏ 10 phút trước khi chiến dịch bắt đầu ở ngưỡng không thể rút lại được.
|
Bên trong cơ sở hạt nhân Arak của Iran. Ảnh: AFP. |
Hãng thông tấn Iran Fars cho biết kho dự trữ uranium làm giàu của nước này hiện đã vượt quá 300 kg so với hạn mức trong thỏa thuận.
Sau tuyên bố của Iran Tổng thống Trump cảnh báo rằng nước này đang "đùa với lửa".
Các chuyên gia cho rằng bước đi của Iran có thể để lại hậu quả lâu dài trong thời điểm các nước châu Âu đang cố gắng kéo Washington và Tehran ra khỏi một cuộc đối đầu.
Theo Duy Anh/Zingnews