Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 79 khai mạc hôm nay tại New York, Mỹ, với chủ đề “Không bỏ lại ai phía sau: Cùng nhau hành động vì sự tiến bộ của hoà bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thê hệ hiện tại và tương lai”.
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 79 sẽ diễn ra nhiều cuộc họp song phương và cấp bộ trưởng về các vấn đề từ hệ sinh thái Đại Tây Dương đến nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine hay cuộc xung đột đang ngày một leo thang tại Trung Đông. Một sự kiện mà Liên Hợp Quốc gọi là “Siêu cúp ngoại giao toàn cầu”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Để xây dựng lại lòng tin, chúng ta phải bắt đầu từ hiện tại và hướng tới tương lai. Trên khắp thế giới, mọi người đang hy vọng vào một tương lai hòa bình, phẩm giá và thịnh vượng. Họ đang kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, giải quyết bất bình đẳng và giải quyết các rủi ro mới và đang nổi lên đe dọa mọi người. Và họ coi Liên Hợp Quốc là yếu tố thiết yếu để giải quyết những thách thức này".
Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là sự kiện thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới trong suốt gần 8 thập kỷ qua kể từ khi tổ chức đa phương này được thành lập tại San Francisco. Đây là nơi diễn ra các bài phát biểu dài, các phiên thảo luận riêng giữa các quốc gia và các cuộc họp nhóm về mọi vấn đề từ việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo đến các cuộc xung đột toàn cầu.
Năm nay, Liên Hợp Quốc một lần nữa vướng vào cuộc tranh luận về vai trò và hiệu quả của mình trong khi cố gắng ngăn chặn các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine và Sudan. Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi cải cách Liên Hợp Quốc để phản ánh tốt hơn thế giới ngày nay, “khắc phục bất công lịch sử đối với châu Phi” khi không có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an và tăng cường tính đại diện của khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ Latin. Diễn ra ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đã đạt được sự đồng thuận về việc nâng cấp Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết các thách thức.
Tại sự kiện, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh: "Đây là một cơ hội để thực hiện lời hứa cải cách cấu trúc quản trị toàn cầu, bao gồm các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đặt số phận của an ninh thế giới vào tay một số ít người được chọn khi mà phần lớn người dân trên thế giới phải gánh chịu hậu quả của nhiều mối đe dọa khác nhau. Điều này là bất công, không công bằng và không bền vững".
"Thành công của nhân loại nằm ở sức mạnh tập thể của chúng ta, không phải ở chiến trường. Và đối với hòa bình và phát triển toàn cầu, cải cách trong các thể chế toàn cầu là điều cần thiết. Cải cách là chìa khóa cho sự phù hợp", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp lời.
Biến đổi khí hậu, hàng loạt cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ chủ đề chi phối hầu hết các phát biểu và cuộc họp diễn ra. Một cuộc họp về vấn mực nước biển dâng cũng sẽ được tổ chức ngay trong ngày đầu tiên của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các nhà lãnh đạo đến từ các quốc đảo dễ bị tổn thương đang kêu gọi nhiều hành động hơn để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.
Theo Thu Hoài/VOV