|
37 tù nhân bị nhốt trong một phòng giam ở nhà tù PJALLB, bang Pernambuco |
Trên thế giới có rất nhiều nhà tù nổi tiếng, có thể là vì sự tàn bạo, kiên cố, có thể là vì sự văn minh, sang trọng đến không ngờ. Loạt bài viết dưới đây sẽ mang lại góc nhìn bên trong những nhà tù tàn bạo nhất thế giới ở các quốc gia như Brazil, Na Uy, Triều Tiên và Mỹ .
Nhà tù ở bang Pernambuco, Brazil có thể là hệ thống tù giam tồi tệ nhất trên thế giới, theo trang Elite Readers. Tại đây, chính tù nhân cai trị lẫn nhau, giết hại, buôn bán ma túy và thậm chí có chìa khóa riêng vào phòng giam.
Các nhà chức trách tại nhà tù của bang rất sợ tù nhân và buộc phải trao quyền kiểm soát cho những kẻ nguy hiểm nhất được gọi là Người cầm chìa khóa – những tù nhân kiểm soát một nhóm phòng giam nhằm “duy trì trật tự”, theo Daily Mail.
Người cầm chìa khóa thường là những kẻ giết người, hiếp dâm và buôn bán ma túy vì họ được các tù nhân khác "tôn trọng”, theo nguồn tin bên trong nói với tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
|
Nhà tù ở bang Pernambuco, Brazil có thể là hệ thống tù giam tồi tệ nhất trên thế giới. |
HRW quan sát 4 nhà tù ở bang Pernambuco và gọi những gì xảy ra bên trong là cuộc khủng hoảng nhà tù và các nhà chức trách đã để “quỷ dữ” lên nắm quyền.
Tại các nhà tù “địa ngục” này, cứ 31 tù nhân thì chỉ có 1 lính gác. Trong khi tù nhân yếu thế chịu cảnh chèn ép trong các phòng giam hàng chục người, Người cầm chìa khóa lại hưởng cuộc sống xa hoa.
“Thủ lĩnh” nhà tù được sống trong các phòng riêng rộng rãi với TV, tủ lạnh, quạt và phòng tắm riêng.
Tù nhân thậm chí còn buộc phải đóng thuế hàng tuần từ 5-15 Reais (khoảng 35-100 nghìn đồng). Bất cứ ai không nộp đủ sẽ bị đánh tập hoặc giết bởi băng đảng của Người cầm chìa.
|
Các nhà chức trách tại nhà tù của bang rất sợ tù nhân và buộc phải trao quyền kiểm soát cho những kẻ nguy hiểm nhất được gọi là Người cầm chìa khóa. |
Ngoài ra, “thủ lĩnh” cũng kiếm tiền bằng cách bán ma túy cho tù nhân (ma túy được buôn lậu vào nhà tù qua lính canh và cảnh sát) và bắt gia đình ở bên ngoài phải trả nợ, theo Daily Mail.
Người thân của tù nhân, cô Sandra, cho biết một Người cầm chìa khóa đã gọi cho cô và yêu cầu trả nợ tiền ma túy cho con trai. Hắn còn đe dọa: "Trả tiền hoặc mua quan tài cho con trai".
Sandra nói với HRW: "Tôi đã bán tất cả những gì tôi có."
Người cầm chìa khóa còn là những người cáo buộc tù nhân vi phạm quy định với các quan chức nhà tù. Chúng làm điều này khi muốn đòi lại phòng giam hoặc cảm thấy bị tranh giành quyền lực.
Một giám đốc nhà tù nói với HRW: "Nếu một Người cầm chìa khóa đến ban quản lý và nói rằng một tù nhân đã tấn công ai đó, mang theo nhân chứng, chúng tôi sẽ tin anh ta và trừng phạt người vi phạm".
|
Hai người đã chết trong cuộc bạo động kéo dài 2 ngày ở nhà tù Curado, Brazil hồi năm 2015. |
Người cầm chìa khóa “tuyển” các tù nhân khác làm tay sai. Quy tắc của chúng là luôn sử dụng “sức mạnh” của đội tay sai này. Một phụ nữ tên là Maria nói rằng họ đã đánh đập cháu trai của cô. Cô không dám báo ai vì sợ bị trả thù. "Đó là luật rừng trong nhà tù", cô nói.
Những người mới đến và những tù nhân yếu thế là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hai tù nhân đã nói họ bị cưỡng hiếp khi đang ở trong "khu vực được bảo vệ" do Người cầm chìa khóa quản lý.
Tù nhân Jorge, 28 tuổi, (tên đã được thay đổi) bị phục kích bởi mười người đàn ông trong phòng giam của nhà tù Cotel ở bang Pernambuco.
Jorge đã bị chụp đầu bằng túi nilon, trói tay sau lưng và cưỡng hiếp bởi các tù nhân trong phòng.
|
Tù nhân yếu thế chịu cảnh chèn ép trong các phòng giam hàng chục người. |
Theo Daily Mai, nhà tù Brazil giam giữ hơn 607.000 người trong khi chỉ được thiết kế dành cho cho khoảng 377.000 người. Tại Pernambuco, gần 32.000 tù nhân bị giữ trong tù với sức chứa chỉ 10.500 người.
Sau khi chỉ ra hiện trạng kinh hoàng tại các nhà tù ở bang Pernambuco, báo cáo của HRW đề xuất các giải pháp cụ thể cho các cấp chính quyền. Tổ chức này nói rằng các nhà chức trách Pernambuco cần cải cách sâu rộng hệ thống nhà tù sau nhiều năm bỏ bê, dẹp bỏ “Người cầm chìa khóa”, chấm dứt việc buôn bán ma túy, cải thiện tình trạng vệ sinh và chăm sóc sức khỏe trong nhà tù.
Theo Trà My/Dân việt