Hàng ngày chị phải dậy từ mờ sáng để chuẩn bị món ăn cho nhà hàng 5 sao tại khu khách sạn sòng bạc của MGM, trong khi ở nhà chị chỉ dám ăn mì tôm để tiết kiệm tiền. “Tôi nhìn mọi người trong nhà hàng và tự hỏi làm thế nào họ kiếm nhiều tiền đến như vậy”, chị nói. “Tôi phàn nàn, nhưng chẳng thay đổi được gì”.
|
Hình ảnh hào nhoáng của các casino ở Macao. |
Macao, là một trong những nơi giàu nhất trên thế giới, với GDP bình quân đầu người cao hơn cả Singapore, Na Uy và Thụy Sĩ. Những sòng bài ở đây thu về 28 tỉ đô la chỉ trong năm ngoài. Mặc dù, giảm nhẹ trong năm 2015, nhưng nhiều số liệu gần đây cho thấy doanh thu từ các sòng bài có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo tờ The Guardian, ở nơi xa hoa được cho là Las Vegas của phương Đông này, bên cạnh những người cực giàu vẫn còn những người cực nghèo.
Thống kê của chính quyền cho thấy, chỉ 2,3% dân số Macao sống trong nghèo đói, nhưng con số này mới chỉ dựa trên thu nhập chứ chưa tính đến chi phí sinh hoạt leo thang theo đà bùng nổ của ngành công nghiệp sòng bạc. Theo tổ chức Caritas, thực tế thì có khoảng 10% dân số Macao là người nghèo và 7% trong số đó phải vật lộn mưu sinh qua ngày.
|
Khu nhà của người nghèo ở Macao. |
Ông José Pereira Coutinho cho rằng, “đất đều dành cho các sòng bạc, và thay vì xây nhà cho người nghèo thì lại dành cho bàn sòng bạc”. Mười năm trước, chính quyền tăng diện tích thành phố lên 1/5. Nhưng gần như toàn bộ phần đất đó lại dành cho phát triền sòng bạc bất chấp giá cả sinh hoạt leo thang.
Cách khu sòng bạc hạng sang như Venetian không xa là những khu nhà ở tạm bợ chật hẹp, đông đúc. Ở quận Iao Hon, gần Trung Quốc đại lục, khoảng 1/3 dân số kiếm sống nhờ vào các sòng bài. Ở đây toàn là những khu nhà bê tông xám xịt chẳng hề có bất kì hình ảnh hào nhoáng của các sòng bạc như thường thấy.
Paul Pun thuộc tổ chức Caritas nói rằng, khoảng cách giàu nghèo ở Macao rất lớn. “Mặc dù chính quyền cũng quan tâm đến vấn đề này, nhưng họ cần phải đối mặt với vấn đề và trao đổi trưc tiếp với những nhà kinh doanh bất động sản”, ông nói.
Hiện nay, phí sinh hoạt tăng cao đã buộc nhiều người phải rời bỏ Macao để tìm kiếm nơi ở mới. Ông Leung Kam-hoi đã lớn lên và làm công nhân xây dựng ở Macao hơn 40 năm. Nhưng bốn năm trước, ông đã buộc phải lựa chọn giữa rời thành phố hay thành vô gia cư.
Ông hiện thuê một căn hộ nhỏ ở thành phố Chu Hải. Từ đây, ông chỉ có thể nhìn sang bên kia đang phát triển từng ngày. “Ở đây, tôi thấy cô đơn, tất cả bạn bè tôi đều ở Macao, còn tôi chẳng có ai để bầu bạn”, ông Leung nói. “Cả đời, tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ Macao lại thay đổi nhanh đến như vậy”.
Theo Phương Thảo/Vietnamnet