Truyền thông Myanmar đưa tin vụ đụng độ tại Muse là vụ mới nhất kể từ khi cuộc đảo chính ngày 1-2 dẫn đến bùng phát xung đột với các nhóm nổi dậy ở các vùng biên giới, cũng như các vụ đánh bom, xả súng và đốt phá trên khắp đất nước.
Đài truyền hình DVB và Khit Thit Media đưa tin vụ đấu súng xảy ra vào lúc rạng sáng (giờ địa phương). Khit Thit Media đã công bố những hình ảnh được cho là những chiếc xe dân dụng bị thủng lỗ chỗ vì trúng đạn. Chưa có thông tin về thương vong.
Trước đó 1 ngày, Quân đội Độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm sắc tộc thuộc liên minh trên, đã tấn công 1 đồn quân sự ở khu vực Tây Bắc Myanmar, cách thị trấn Muse khoảng 320 km và gần với biên giới Ấn Độ.
Một tòa nhà ở thị trấn Muse bị hư hại vì cuộc đấu súng. Ảnh: Gulf Times
Chính quyền quân sự đang đối phó với 1 loạt những xung đột kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 1-2 và lật đổ bà Aung San Suu Kyi. Các nhóm sắc tộc có vũ trang vốn đấu tranh giành quyền tự trị trong nhiều thập kỷ đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình chống chế độ quân sự.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra mỗi ngày để phản đối quân đội. Các trận đụng độ làm nhiều trường học, bệnh viện và doanh nghiệp tư nhân tạm ngưng hoạt động.
Một thành viên của Liên đoàn Giáo viên Myanmar cho biết hơn 125.000 giáo viên, chiếm gần 1/3 tổng số, đã bị đình chỉ vì tham gia biểu tình. Theo nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 812 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hậu đảo chính.
Tuy nhiên, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing phủ nhận con số này. Phát biểu trên truyền hình, ông Aung Hlaing khẳng định số dân thường thiệt mạng là 300 người còn phía cảnh sát cũng có 47 người tử vong.
Ngoài ra, tổng tư lệnh quân đội Myanmar tiết lộ bà Suu Kyi vẫn khỏe mạnh và sẽ sớm xuất hiện tại tòa. Phiên điều trần tiếp theo, diễn ra vào ngày 24-5, sẽ xét xử các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi như sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm đến vi phạm luật bí mật nhà nước.
Quân đội Myanmar đảo chính vì cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11-2020.
Theo Bảo Hạnh/NLD