Mạo hiểm vào Anh với mong ước "đổi đời"
Việc người nước ngoài nhập cư vào Anh bằng con đường bất hợp pháp không phải là chuyện hiếm thấy. Số lượng người nhập cư trái phép từ châu Á vào Anh là không nhỏ, trong đó có cả những lao động người Việt mang theo mong ước "đổi đời".
BBC dẫn lời Tiến sĩ Tamsin Barber, giảng viên Xã hội học chính trị tại Đại học Oxford-Brookes, cho biết, đối với người di cư Việt Nam, Anh có lẽ là điểm đến phổ biến nhất ở châu Âu.
Họ nghĩ rằng nếu họ đến Anh, họ có khả năng tìm được việc và kiếm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có cộng động người Việt trên khắp nước Anh, có thể giúp những người mới đến có chỗ ở và việc làm.
Nhu cầu về lao động trình độ thấp tại Anh khá cao như trong các nhà hàng Việt Nam, tiệm làm móng và ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp.
|
Nhiều lao động người Việt làm việc trong các tiệm làm móng ở Anh. Ảnh: Getty. |
Các cuộc phỏng vấn với những người trở về Việt Nam từ Anh cho thấy, phần lớn họ làm công việc lao động chân tay như nông nghiệp và đánh cá, công việc mang tính chất thời vụ hay ngẫu nhiên, hoặc điều hành các doanh nghiệp nhỏ. Một số thì thất nghiệp.
Trong khi đó, Tiến sĩ Barber cho biết: "Hiện tại, không có con đường hợp pháp nào dành cho những người di cư Việt Nam có tay nghề thấp làm việc ở Anh, vì vậy điều này rõ ràng phải được thực hiện thông qua những hành trình rất bấp bênh và mạo hiểm".
"Vỡ mộng" ở nơi xứ người
Theo Liên Hợp Quốc, người di cư Việt Nam có thể đã phải bỏ ra 300 triệu USD mỗi năm để những kẻ buôn lậu đưa họ đến Châu Âu. Để có tiền cho chuyến đi, nhiều người vay từ gia đình và người quen, hoặc bán đất đai, tài sản.
BBC cho rằng, các gia đình Việt Nam đang phải chịu những "rủi ro lớn" bởi vì họ "thực sự coi đây là một cơ hội để đưa một thành viên gia đình ra nước ngoài để kiếm tiền".
|
Ảnh: The Guardian. |
Được biết, khá nhiều người Việt làm việc trong các tiệm nail (tiệm làm móng) ở Anh, song thu nhập của họ lại không được như mong muốn.
Theo BBC, nghề làm móng là một ngành "công nghiệp" tại Anh với khoảng 5-15 nghìn cơ sở, có tổng doanh thu ước tính khoảng 500 triệu tới 1 tỷ bảng Anh một năm. Nghề này bắt nguồn từ Mỹ, lan sang Anh vào đầu những năm 2000.
Một số chủ tiệm nails tại London, Cambridge, Southampton ở Anh cho biết, một người thợ nails lành nghề, nếu là thợ người Việt, bất kể là có giấy tờ hay không, được trả 400-600 bảng/tuần. Nhưng trên thực tế, thợ nails hưởng 6 phần thu nhập, trong khi người chủ hưởng 4 phần, chưa kể còn phải trả thuế và chi phí kinh doanh.
Trong khi đó, có người Việt nhập cư trái phép vào Anh bị bóc lột sức lao động tại các tiệm làm móng.
Các nhân viên làm móng, hầu hết là trẻ vị thành niên, làm việc 6 ngày một tuần và ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Họ thường ở chen chúc với nhau tại một nơi do chủ sắp xếp.
"Một nạn nhân bị ép phải làm việc đủ 7 ngày từ sáng tới 18h hoặc 19h tối với mức lương chỉ 30 bảng (gần 40 USD) mỗi tuần", cảnh sát cho biết.
Mời độc giả xem thêm video về vụ 39 thi thể người nhập cư được phát hiện trong xe tải ở Anh (Nguồn: Vietnam Plus)
Trên thực tế, không ít lao động nhập cư trái phép trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Theo cơ quan chức năng của Anh, có khoảng 10.000 nạn nhân bị mua bán, đến từ 102 quốc gia, tại nước này. Đáng chú ý, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ 2 (năm 2017 khoảng 500 người).
Nhu cầu nhân lực trồng cần sa bất hợp pháp tăng cao khiến các băng đảng tại Anh không ngần ngại lôi kéo, dụ dỗ lao động từ các nước khác liều lĩnh nhập cư vào Anh. Lợi dụng khó khăn về kinh tế của các nạn nhân, những băng nhóm trồng cần sa đã tìm về những miền quê như ở Việt Nam, Trung Quốc,... rồi đưa ra hứa hẹn về một công việc thu nhập tốt tại Anh để dụ dỗ người lao động.
|
Không ít lao động nhập cư bất hợp pháp là nạn nhân của bọn buôn người. Ảnh: The Guardian. |
Những băng nhóm này cho nạn nhân vay chi phí sang Anh, rơi vào khoảng 10.000 - 40.000 bảng Anh rồi dùng chính món nợ khổng lồ này để gây áp lực với nạn nhân, bắt nạn nhân làm việc không công để trả nợ để trả nợ cho chúng.
Trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh, một thiếu niên người Việt cho hay cậu đã bị buôn lậu đến Anh bằng xe đông lạnh. Tại Anh, cậu bị nhốt trong những căn nhà được cải tạo thành nhà vườn trồng cần sa và phải sống trong sợ hãi, bị đòn roi suốt 4 năm.
Bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí bất chấp cả nguy hiểm để sang Anh tìm việc làm, không ít lao động nhập cư bất hợp pháp, trong đó có cả người Việt, đã phải "vỡ mộng" về cuộc sống ở nơi đất khách quê người.
Thiên An (T.H)