Chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, số lượng cử tri nước này lại lựa chọn phương án bỏ phiếu qua thư nhiều như trong mùa bầu cử 2020.
New York Times ngày 5/11 (giờ Hà Nội) cho biết, có tới 64 triệu phiếu bầu được cử tri Mỹ gửi lại cơ quan bầu cử theo đường bưu điện trước ngày bầu cử chính thức 3/11, gấp nhiều lần con số của các kì bầu cử trước đó, do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
|
Dù đó là ông Biden hay ông Trump, các thách thức với vị Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đây là rất đáng kể. Ảnh: ITN |
Trên thực tế, COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến bầu cử mà đang tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế- xã hội của Mỹ. Theo Reuters, trong quý 3-2020, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã phục hồi 33,1% so với quý trước đó và đảo ngược mức giảm 31,4% trong quý hai. Dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ 2019.
Các thống kê chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã xóa sổ mức tăng trưởng sản lượng kinh tế một năm qua cùng chuỗi tăng trưởng kéo dài 5 năm của thị trường việc làm Mỹ. Lực lượng lao động của nước này hiện ít hơn so với trước khi ông Trump nhậm chức năm 2016.
Các nhà hoạch định tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ ở mức 5,5% vào cuối năm 2021, cao hơn mức 4,7% khi Tổng thống Trump mới đắc cử.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng chóng mặt, ở mức 108.000 ca nhiễm mới trong ngày 4/11, còn vaccine thì vẫn chưa rõ khi nào có thể đưa vào tiêm chủng hàng loạt, khiến nhiều người lo ngại nước này có thể tái áp đặt các lệnh phong tỏa để kiểm soát tình hình bệnh dịch, tương tự những gì các nước châu Âu đang thực hiện. Các lệnh phong tỏa rõ ràng sẽ khiến tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, đặt thêm gánh năng lên vai người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Một vấn đề nổi cộm khác trong lòng nước Mỹ mà vị Tổng thống nhiệm kỳ mới phải ứng phó là làn sóng biểu tình đang diễn ra của người da màu. Khi các thùng phiếu đang được kiểm đếm, đám đông biểu tình đã tập trung bên ngoài trụ sở tòa án liên bang ở thành phố Portland, bang Oregon, nơi được xem là “điểm nóng” của các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc cách đây vài tháng, buộc lực lượng cảnh sát phải có mặt sẵn sàng ứng phó.
Theo Reuters, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình cũng đã nổ ra tại nhiều thành phố khác ở Mỹ. Gần Nhà Trắng, những người ủng hộ ông Trump có xô xát với người biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu trong đêm bầu cử.
Về xử lý biểu tình, bạo loạn, đương kim Tổng thống Donald Trump chỉ trích những người phức tạp tình hình tại các bang, lên án gay gắt các hành vi bạo loạn. Còn ông Joe Biden lại chỉ trích cách Tổng thống Donald Trump đối phó với khủng hoảng khiến tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, gây chia rẽ nước Mỹ. Người chiến thắng cuộc bầu cử năm nay rõ ràng phải vạch ra một chiến lược khác biệt để sớm xoa dịu đám đông phẫn nộ.
Thách thức giữ gìn vị thế siêu cường
Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới lập tức phải giải quyết những thách thức đối ngoại trong bối cảnh rất khác so với các vị Tổng thống trước. Đó là một trật tự thế giới mà Mỹ phải nỗ lực để bảo vệ vị thế hàng đầu. Sự gia tăng sức mạnh, ảnh hưởng của Trung Quốc đã và đang trở thành vấn đề lớn nhất mà người bước vào Nhà Trắng phải đối mặt.
Trong quan hệ với Trung Quốc, các chuyên gia đều chung nhận định, dù đó là ông Trump hay ông Biden làm Tổng thống Mỹ, chính sách nhằm vào Bắc Kinh sẽ khó quay lại giống như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. “Tâm lý phản đối Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn ở Mỹ trong những năm gần đây”, Jeff Moon, một nhà phân tích và từng là nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc, nhận định.
Trong khi đó, Nick Marro, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), cũng cho rằng sự đổ vỡ trong quan hệ là do cả hai bên. “Trung Quốc đang cố gắng giữ cho các mối quan hệ không trở nên xấu đi, nhưng cũng không tạo cơ sở để quan hệ tốt lên. Rất nhiều mâu thuẫn song phương hiện nay đã vượt ra ngoài vấn đề thương mại”, ông này nói.
Trong mối quan hệ với Nga, thách thức với người chiến thắng cuộc bầu cử là làm sao cải thiện quan hệ với Moscow để cùng giải quyết các vấn đề quốc tế nổi cộm.
Gần đây, Nga nhiều lần hối thúc Mỹ gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí New START và không bố trí tên lửa đến châu Âu nhằm tránh nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đang đàm phán với Nga để tìm kiếm khả năng gia hạn New START, nhưng chưa rõ kết quả.
Trong khi đó, ứng viên Joe Biden tỏ ra sẵn sàng gia hạn văn kiện này vô điều kiện khi đắc cử. Từ Moscow, giới chức lãnh đạo Nga đều tỏ ý rất sẵn lòng cải thiện quan hệ ngay khi phía Mỹ có bước đi tương xứng.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ mới còn đương đầu một loạt “điểm nóng” khác như Triều Tiên, Iran, vấn đề Biển Đông... hay duy trì quan hệ đồng minh chủ chốt, trong bối cảnh một số rạn nứt đang bộc lộ trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, cũng như giữa các nước trong khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.
Từ Châu Âu, các nước đồng minh Mỹ đang nín thở theo dõi kết quả bầu cử Mỹ. Trong thông điệp mới đây, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell khẳng định: “Người dân Mỹ đã bỏ phiếu lựa chọn và trong khi chờ đợi kết quả, Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng tiếp tục xây dựng một mối quan hệ đối tác liên Đại Tây Dương mạnh với Mỹ”.
Ứng viên Joe Biden tạm dẫn trước cuộc đua vào Nhà Trắng
Gần 2 ngày kể từ thời điểm các thùng phiếu trên khắp nước Mỹ đóng lại, tính đến 18h ngày 5/11 (giờ Hà Nội, tức 6h sáng cùng ngày, giờ bờ Đông của Mỹ), nước Mỹ vẫn chưa thể tìm thấy người chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới.
Theo mô hình thống kê của FoxNews, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hiện nhận được hơn 72 triệu phiếu bầu phổ thông, áp đảo tại 20 tiểu bang và khả năng cao giành 264 phiếu đại cử tri.
Đương kim Tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, giành được trên 68,7 triệu phiếu ủng hộ của người dân và 214 phiếu đại cử tri nhờ sắc đỏ ngập tràn tại 23 tiểu bang. Con số trên chưa bao gồm các lá phiếu vẫn đang được kiểm tại 5 bang Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Nevada và Alaska, nơi có số phiếu bầu ủng hộ áp đảo cho ông Trump.
Nếu giành chiến thắng tại một trong số các bang Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Nevada, ông Biden sẽ gom đủ 270 phiếu đại cử tri để thắng chung cuộc cuộc đua vào Nhà Trắng. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Donald Trump cần duy trì ưu thế tại các bang Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia và đảo ngược tình thế tại bang Nevada.
Truyền thông Mỹ cho rằng đây là kịch bản có thể, nhưng khó xảy ra, do phần lớn số phiếu bầu chưa được kiểm đếm là những lá phiếu được gửi qua thư và có xu hướng ủng hộ ứng viên Biden.