Mời độc giả xem video: khoảnh khắc vụ đánh bom liều chết khiến hơn chục người thiệt mạng ở Manbij ngày 16/1 (nguồn: RT)
Tuy nhiên, nhanh chóng bác bỏ mọi lời đồn đoán, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết vẫn rút quân khỏi Syria như kế hoạch.
Trong cuộc họp với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 16/1, Tổng thống Trump thể hiện sự sẵn sàng triển khai kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria và Afghanistan.
Đài Sputnik dẫn lời Thượng nghị sĩ Rand Paul tham gia cuộc họp đưa tin: “Tổng thống không chỉ tiến hành theo chính sách Syria, mà tôi thực sự nghĩ cũng có sự thay đổi ở Afghanistan. Hãy nhìn vào bảng số liệu thăm dò của người dân Mỹ, tôi nghĩ họ muốn ủng hộ tổng thống, vì họ quá mệt mỏi với sự đấu đá từ hai đảng. Chúng tôi bàn thảo nghiêm túc về Syria. Ngài ấy nói về việc chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo IS không còn là vấn đề nữa”.
Phát ngôn của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi người phát ngôn của chiến dịch có tên là "Operation Inherent Resolve" (tạm dịch là Chiến dịch Nhổ tận gốc) đăng tweet một vài binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở Manbij. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, một phẩn tử đánh bom liều chết đã cho nổ bom gần một nhà hàng khi một đội tuần tra của liên quân đi qua khu vực này. Khủng bố IS thừa nhận đứng sau vụ tấn công.
|
Hiện trường tấn công liều chết ở thành phố Manjib ngày 16/1. Ảnh: AP |
Không chỉ có vậy, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16/1 đưa ra khẳng định: “Chúng ta sẽ ở lại khu vực và sẽ tiếp tục chiến đấu để đảm bảo rằng IS không thể lại ngóc đầu lên” trong một cuộc gặp với các Đại sứ Mỹ tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.
Ông Pence khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ thành quả mà binh sỹ nước này cũng như các đối tác trong liên quân đã giành được trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Tại cuộc gặp này, Phó Tổng thống Pence vẫn khẳng định kế hoạch rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria, cho rằng giờ đây Mỹ có thể thực sự chuyển giao cuộc chiến chống IS tại Syria cho các đối tác trong liên quân. Ông nhấn mạnh cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" mà IS từng tuyên bố hình thành năm 2014 trên một vùng rộng lớn của Syria và Iraq đã sụp đổ và tổ chức này đã bị đánh bại.
Các nhà phân tích nhận định vụ tấn công ngày 16/1 phản ánh một thực tế tại thực địa, theo đó IS có thể tiến hành hoạt động nổi dậy cấp thấp tại Syria. Theo chuyên gia cấp cao Charles Lister tại Viện Trung Đông, đây là cách thức mà tổ chức thánh chiến này đã thích ứng trong nhiều năm qua.
Trong một diễn biến liên quan, bình luận trước thông tin cuộc tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ không thay đổi ý định rút quân khỏi Syria vì cuộc tấn công.
Phát biểu trực tiếp trê sóng truyền hình khi người đồng cấp Croatia có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho biết mục đích của cuộc tấn công liều chết ở Manbij muốn ảnh hưởng tới quyết định rút quân của Tổng thống Trump, song Mỹ sẽ không rút quân vì điều đó đồng nghĩa với việc IS chiến thắng.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức