|
Hàng trăm người bị rơi xuống sông khi cây cầu treo ở bang Gujarat, Ấn Độ bị sập. Ảnh: Reuters.
|
Atul Prajapati, một nhân viên y tế tại bệnh viện gần nơi xảy ra vụ tai nạn sập cầu treo tại Ấn Độ, cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy thi thể của 81 người”. Các quan chức cũng cho biết hàng chục người đã bị thương sau vụ việc trên, Reuters đưa tin.
Theo nhà chức trách, hơn 400 người đã ở trên và xung quanh cây cầu treo vào thời điểm xảy ra vụ sập. Harsh Sanghavi, người đứng đầu cơ quan nội vụ của bang Gujarat cho biết hơn 150 người đã có mặt trên cây cầu khi vụ tai nạn xảy ra.
Đoạn phim ghi lại cho thấy hàng chục người bám vào dây cáp và những phần khác của cây cầu bị sập, trong khi lực lượng cứu hộ tìm cách giải cứu họ.
Cây cầu trên bắc qua sông Machhu ở thị trấn Morbi, được nhiều du khách kéo đến tham quan nhân dịp lễ hội ánh sáng Diwali và ngày lễ Chhath Puja.
"Nhiều trẻ em đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ Diwali và chúng đến đây để tham quan. Tất cả chúng đều bị ngã. Cây cầu bị sập do quá tải", một nhân chứng cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông đã chỉ đạo nhà chức trách địa phương điều động các đội khẩn cấp tham gia hoạt động cứu hộ.
Chính phủ cho hay 50 thành viên lực lượng hải quân, 30 thành viên lực lượng không quân và một đội quản lý thảm họa quốc gia đã được điều động để tìm kiếm những người mất tích. Ngoài ra, một nhóm 5 nhà điều tra cũng được phân công tìm hiểu nguyên nhân gây nên vụ tai nạn trên.
Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ 400.000 rupee (gần 5.000 USD) cho mỗi người thiệt mạng và 50.000 USD (hơn 600 USD) cho mỗi người bị thương.
Cây cầu treo bị sập dài 230 m, được xây dựng dưới thời kỳ cai trị của Anh ở Ấn Độ vào thế kỷ XIX. Cây cầu chỉ vừa hoàn thành quá trình tân trang vào 5 ngày trước khi vụ tai nạn xảy ra, theo India Today.
Mục Thế giới giới thiệu sách tham khảo về châu Á với tựa đề “Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991 - 2016” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu, phân tích, lý giải chuyên sâu về những diễn biến chính trị nổi bật diễn ra tại Đông Á và những tác động, ảnh hưởng của những sự kiện này tới đời sống chính trị khu vực và thế giới giai đoạn này. Đồng thời, tác giả cũng tập trung nghiên cứu cấu trúc, sự tương tác và biến đổi của cục diện chính trị khu vực Đông Á kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ đến nay. Các điểm nóng của khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, xung đột ở biển Đông, cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc… cũng được luận giải, góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh còn ẩn khuất.
Theo Hồng Sơn/ Zing