Đã hơn 170 năm trôi qua kể từ khi đô đốc John Franklin cùng 129 thủy thủ trên 2 con tàu Anh, HMS Erebus và HMS Terror, đi khám phá Bắc Cực (vào năm 1845) không quay về. Nhiều năm qua người ta vẫn không biết điều gì đã thực sự xảy ra với họ. Vì sao họ không bao giờ quay về nhà từ nơi lạnh lẽo đó?
|
Đô đốc kì cựu Franklin. |
Một triển lãm mang tên Death In The Ice (tạm dịch: Chết trong băng giá) tổ chức mới đây tại London, đã đem đến câu trả lời. Năm 2014 và 2016, xác 2 con tàu mất tích được phát hiện dưới đáy biển, và các nhà khảo cổ học đã kiểm tra chúng. Cuộc triển lãm cho thấy những phát hiện ban đầu và khiến người ta phải nghĩ lại hoàn toàn về chuyến đi cuối cùng đầy tính sử thi của đô đốc John Franklin.
2 chiếc tàu và toàn bộ thủy thủ mất liên lạc trong chuyến thám hiểm của Hoàng gia Anh đi từ Bắc Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương qua Vòng Cực. Họ đã chèo thuyền vào vùng bí ẩn, bơi mất phương hướng giữa hàng ngàn đảo lớn nhỏ ở eo Bering và vịnh Baffin, nơi ngập đầy băng giá và tuyết phủ.
Mùa đông năm 1845 cũng khắc nghiệt tới nỗi ngay cả người Inuit, chủ nhân vùng cực, cũng cảm thấy bất ngờ. Dưới sự chỉ huy của đô đốc 59 tuổi lừng danh Franklin, mọi chuyện diễn ra khác xa dự tính dù ông đã tới vùng Cực ba lần trước đó.
Hai tàu Erebus và Terror cũng từng tới Bắc Cực và Nam Cực nên hai chiếc tàu này đủ sức đương đầu với thời tiết khắc nghiệt. Vỏ tàu được gia cố bằng thép để tránh núi băng. Động cơ chạy bằng than đề phòng thời tiết lạnh giá làm đóng băng tất cả. Thủy thủ trên tàu đều là những người giỏi nhất.
|
Thợ lặn khám phá thân tàu. |
Tháng 5.1845, con tàu rời sông Thames, trực chỉ hướng bắc. Tới tháng 7, nó tới Greenland và tháng 8 đã tới nơi săn cá voi nổi tiếng ở Canada. Sau đó, nó hướng vào hành lang Tây-Bắc nổi tiếng trên biển để tới vùng cực. Sau đó, con tàu mất tích và suốt hơn 100 năm qua, đây vẫn là bí ẩn lớn của loài người.
Trong hai năm sau khi mất liên lạc, không ai có ý định tìm kiếm tàu Erebus và Terror. Họ có niềm tin quá lớn vào John Franklin. Chỉ tới khi bạn bè, gia đình của những thủy thủ bắt đầu lo lắng, chính phủ Anh mới có hành động quyết liệt. Tàu cỡ lớn được điều động từ phía tây và phía đông để đi vào hành lang Tây-Bắc.
Hơn 30 đội tìm kiếm đã sục sạo khắp mặt biển nhưng không thành. Thậm chí, phần thưởng 1,5 triệu bảng Anh trao ra cũng không ai giành được. Dấu vết con tàu vẫn là điều bí ẩn lớn.
Năm 1850, ba nấm mồ được phát hiện trên đảo gần hành lang Tây Bắc, trong đó có xác của hai thủy thủ và một sĩ quan điều khiển tàu. Họ là những người trên chuyến tàu định mệnh. Vậy những người còn lại đang ở đâu?
Số phận 129 thuyền viên là tranh cãi lớn của nước Anh suốt thời kì nữ hoàng Victoria sau đó. Báo, tạp chí, radio đều đưa chủ đề này vào những cuộc tranh luận.
Năm 1853, một tia hy vọng về số phận các thủy thủ xấu số được thắp lên. John Rae, nhà thám hiểm người Scotland đã quay trở về với một câu chuyện đáng chú ý từ người Inuit. Chủ nhân vùng cực nói rằng nhìn thấy hàng chục người da trắng đói rét, ốm o đi lại trên băng cho tới khi gục chết vì kiệt sức.
Người Inuit nói họ thấy rất nhiều xác chết và xoong nồi, bên trong chứa những phần nội tạng người. Kết luận hiển nhiên nhất là những người chết đã bị xẻ thịt và Rae gọi đây là “giải pháp ghê rợn cuối cùng để sinh tồn – ăn thịt đồng loại”.
Phát hiện của Rae là cú sốc lớn với dư luận Anh và khiến nhà văn nổi tiếng Charles Dicken tức giận. Ông nói rằng nếu đây là sự thật thì thủy thủ Anh đã đánh mất nhân phẩm vì ăn thịt đồng loại.
Tranh cãi tiếp tục nhưng với bằng chứng của Rae, số phận của những người trên 2 con tàu định mệnh dường như đã rõ. Toàn bộ nước Anh coi họ đã chết và trả số tiền đền bù cho thân nhân những thủy thủ.
Vợ của đô đốc Franklin không tin vào điều này. Bà cho rằng vẫn còn người sống và họ sinh tồn bằng cách bắt cá, hải cẩu và gấu Bắc Cực. 12 năm sau vụ mất tích, đích thân bà bỏ tiền ra tìm hiểu sự thật cùng nhà thám hiểm Leopold McClintock.
Trên đảo King William, Leopold bắt gặp những người Inuit đang dùng thìa và dĩa bạc giống hệt dụng cụ mà chiếc thuyền chở Franklin mang theo. Người Inuit kể về con tàu bị kẹt trong băng và thi thể chìm trong tuyết.
Leopold và nhóm tìm kiếm phát hiện ra 3 bộ hài cốt cùng một thuyền cứu sinh. Ngoài ra, họ tìm thấy rất nhiều giầy, khăn tắm và thuốc lá. Đáng chú ý hơn cả là một mảnh giấy viết tay, trong đó yêu cầu bất kì ai tìm thấy mảnh giấy hãy gửi cho người đứng đầu nước Anh. Mảnh giấy mô tả vị trí của tàu Erebus và Terror, trong đó khẳng định tàu đã cập bờ năm 1846 và “mọi người đều khỏe”.
|
Một chiếc chuông đồng tìm thấy trong khoang tàu đắm. |
Tuy nhiên, mảnh giấy chưa kết thúc và có dòng đề tựa ngày 28.4.1848 với một câu chuyện rùng rợn hơn. Mảnh giấy viết rằng con tàu đã bị mắc kẹt trong hơn 20 tháng và đô đốc Franklin đã chết cùng với 23 thủy thủ khác. 105 người khác rời bỏ con tàu. Mảnh giấy được kí tên James Fitzjames, thuyền trưởng tàu Erebus và Francis Crozier, thuyền trường tàu Terror.
Leopold quay trở lại London cùng mảnh giấy và nói rằng số phận của người chỉ huy Franklin cùng 2 con tàu của ông đã được xác định. Con tàu kẹt trong băng trên đảo King William và sau 3 mùa đông lạnh giá, nó hoàn toàn hết sạch thức ăn.
Những người thủy thủ dũng cảm tự cứu mình bằng cách sinh tồn trên đảo nhưng lần lượt chết vì đói ăn, kiệt sức, bệnh tật và giá rét. Giả thuyết ăn thịt nhau đã bị loại bỏ. Điều duy nhất không được tìm thấy ở thời điểm đó, chính là xác của 2 con tàu. Hơn 100 năm sau, con tàu vẫn nằm sâu dưới nước và mãi gần đây mới được trục vớt lên bờ. Bí ẩn của hai con tàu “ma” này hy vọng sẽ được giải đáp trong thời gian tới.
Theo Quang Minh/Dân Việt