Theo National Interest, tàu ngầm hạt nhân K-429, lớp Charlie (Đề án 670) được coi là tàu ngầm đen đủi nhất thế giới khi bị chìm đến hai lần trong vòng hai năm.
|
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Charlie. |
Được thiết kế từ đầu những năm 1960, tàu ngầm hạt nhân lớp Charie lần đầu bàn giao cho hải quân Liên Xô vào năm 1967. Tàu có lượng giãn nước 4.900 tấn, đạt tốc độ tối đa 44 km/giờ và mang theo tên lửa cận âm P-70, có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 200kt.
Khả năng tấn công từ dưới mặt nước của tàu ngầm hạt nhân lớp Charlie khiến giới hoạch định quân sự NATO đau đầu trong một thời gian dài.
Tàu ngầm K-429 là chiếc thứ 10 thuộc lớp Charlie đề án 670, đưa vào hoạt động tháng 9.1972. Tàu được biên chế cho hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên Xô tại cảng Petropavlovsk.
Đến năm 1983, K-429 trải qua quá trình nâng cấp tại cảng khi vẫn mang tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và ngư lôi.
Nhưng căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Liên Xô vào mùa xuân năm 1983 đạt đến mức cao trào nhất trong Chiến tranh Lạnh.
Mỹ huy động nhóm tác chiến tàu sân bay, máy bay chiến đấu tập trận rầm rộ ở phía Bắc Thái Bình Dương. Washington cũng “nắn gân” hệ thống phòng thủ trên biển và trên bờ của Liên Xô ở biên giới.
|
Tên lửa hành trình có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân P-70. |
Máy bay Mỹ có thời điểm còn bay qua quần đảo tranh chấp giữa Liên Xô và Nhật Bản.
Căng thẳng gia tăng buộc hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô phải ra lệnh đưa tàu ngầm K-429 quay trở lại trực chiến sớm hơn dự kiến, trước khi quá trình nâng cấp hoàn thiện.
Thuyền trưởng Nikolai Suvorov không thể tập hợp thủy thủ đoàn kịp thời nên bộ chỉ huy Liên Xô ra mệnh lệnh huy động 120 người từ các tàu ngầm khác. Nhiều thủy thủ lần đầu lên tàu K-429 và chưa quen với các hệ thống hiện đại trên tàu ngầm hạt nhân.
Họ chỉ được tập hợp đầy đủ ba giờ trước khi tàu ra khơi mà không có thời gian để kiểm tra hệ thống hay máy móc trên tàu.
Thuyền trưởng Suvorov không hề biết rằng hệ thống thông gió trên tàu ngầm đã để mở trong quá trình đại tu, thiết bị đo đạc trên tàu không được hiệu chỉnh chính xác, trong khi thủy thủ đoàn không có kinh nghiệm về máy móc trên tàu hay phối hợp cùng nhau.
Ngày 23.6.1983, Suvorov được lệnh đưa tàu đến khu vực có độ sâu 2.000 mét để phóng thử ngư lôi. Thuyền trưởng này phản đối và yêu cầu được thử lặn trước ở khu vực vùng biển gần bờ. Chính quyết định này đã giúp cứu mạng toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn.
Con tàu sau đó lặn thử nghiệm ở vịnh Sarannaya. Tàu nhanh chóng bị chìm do các thủy thủ không hiểu quy tắc vận hành. Ngay cả khi hệ thống báo động khẩn cấp trên tàu được kích hoạt, các thủy thủ cũng phản ứng rất chậm.
Thay vì tìm cách để tháo bớt nước ra, các thủy thủ lại nhầm lẫn khi đổ thêm nước vào, khiến con tàu chìm xuống đáy biển ở độ sâu 160 mét, còn hệ thống điện bị ngắt hoàn toàn. 420 mét khối nước tràn vào các khoang ở phần đầu tầu ngầm khiến 14 thủy thủ chết ngay lập tức.
Các thủy thủ không thả phao khẩn cấp để phát tín hiệu radio và thủy âm về đất liền cầu cứu, vì lo sợ bị kỷ luật. Ban đầu, Suvorov hy vọng sở chỉ huy sớm nhận ra việc tàu ngầm đang chìm dần, nhưng ông trở nên lo lắng hơn khi không nhận được tín hiệu phản hồi nào sau nhiều giờ.
Lúc này, một vài cục pin chính của tàu như thể sắp phát nổ bởi nhiệt độ bên trong một số khoang tàu ngầm đã lên tới 120 độ C.
|
Những tàu ngầm hạt nhân lớp Charlie từng khiến NATO phải đau đầu. |
Bế tắc chỉ được tháo gỡ khi hai thủy thủ tình nguyện thoát ra ngoài theo khoang chứa ngư lôi, bơi vào đất liền để báo cáo sự cố. Vài giờ sau, đội cứu hộ đến nơi, các thợ lặn mang theo đồ lặn vào trong tàu và giúp những người còn lại thoát ra.
Ba tháng sau, Suvorov và một sĩ quan trên tàu bị bắt giữ, kết án 10 năm tù do vi phạm các quy định của hạm đội. Ông Suvorov chỉ phải ngồi tù 3 năm cho đến khi được trả tự do trước thời hạn. Tổng cộng có tất cả 16 thủy thủ thiệt mạng trong báo cáo về vụ tai nạn này vào những năm 1990.
Vì không gặp phải thiệt hại nghiêm trọng nào đối với lò phản ứng hạt nhân nên con tàu được trục vớt, sửa chữa và đưa trở lại hoạt động. Tháng 9.1985, không rõ vì lý do gì mà con tàu lại từ từ chìm nghỉm xuống đáy biển tại cảng, khiến một thủy thủ thiệt mạng.
Nguyên nhân vụ đắm tàu lần hai không được tiết lộ nhưng dường như không liên quan đến vụ chìm tàu đầu tiên.
Trải qua hai vụ chìm tàu ngầm hạt nhân, K-429 không bao giờ được hải quân Liên Xô tin dùng nữa mà chuyển đổi trở thành tàu huấn luyện. K-429 kết thúc số phận cùng các tàu ngầm lớp Charlie khác trong thập niên 1990, khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Chuyên gia Robert Farley kết luận, sức ép từ cuộc chạy đua quân sự với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh là một trong những nguyên nhân khiến tàu ngầm hạt nhân K-429 gặp tai nạn dưới đáy biển.
Năm 1985, con tàu sau này lại bị chìm một lần nữa ở thời điểm Liên Xô bắt đầu thiếu nguồn lực để duy trì hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt