Câu chuyện của Nick Ward là một bi kịch trong bi kịch: Tháng 8/1979 cuộc đua thuyền buồm có truyền thống lâu đời nhất châu Âu bị một cơn bão tập kích bất ngờ vì dự báo thời tiết quá muộn, mấy chục thuyền bị lật hoặc đắm, 15 vận động viên bỏ mạng - thảm họa thuyền buồm lớn nhất trong lịch sử Fastnet Race.
Cận kề sự mất trí
Nick Ward hồi tỉnh và nhớ lại hình ảnh cuối cùng trước khi ngất đi: Một cơn sóng dữ chồm qua con thuyền Grimalkin, bẻ gãy cột buồm như một que diêm, có gì đó thúc mạnh vào gáy anh và ném anh xuống nước. Nước biển lạnh như băng khiến anh tỉnh lại sau mấy giây, hay mấy phút, hay mấy tiếng? May mà Nick được sợi cáp bảo hiểm cứu thoát. Nhưng Gerry, Dave, Matt, Mike và David đâu cả rồi? Xung quanh không một bóng người. Nick run bần bật tự kéo mình lên boong rồi gào lên gọi các bạn. Vô ích. Giờ thì Nick trơ trọi một mình giữa cơn bão tố, trên con thuyền mất cột buồm.
|
Fastnet Race là cuộc đua thuyền buồm hai năm một lần ở eo biển La Manche và biển Celtic. |
Họ đã bỏ anh lại một mình? Không thể tin nổi, nhưng có vẻ đó là sự thực. Cho đến khi anh nhìn thấy một người trong nhóm: Gerry. Trôi lập lờ trên sóng.
38 năm sau cơn ác mộng ấy Nick Ward vẫn chưa chắc chắn, liệu đã quên được phần nào cảm giác tuyệt vọng trên biển. Một điều chắc chắn là anh tĩnh trí được rất nhiều nhờ viết lại hồi ký về sự kiện đó. Một cuốn sánh vô cùng ấn tượng về ý chí sống còn của một người đàn ông gân cổ hát để biết mình còn tỉnh táo, tranh luận hàng giờ với một xác chết, cận kề ranh giới của sự mất trí.
Hoàng hôn ma quái
Cuộc đua 600 hải lý từ miền Nam nước Anh đến Ireland hôm 11/8/1979 khởi đầu như không thể đẹp hơn ở cảng xuất phát Cowes, nắng chiếu tưng bừng trên khuôn mặt các vận động viên tham gia, và trên mặt Ward: Ở tuổi 15 anh bị xuất huyết não và liệt tứ chi, phải học cách đi từng bước chân một lần nữa như một em bé. Cuộc đua này đối với anh như trở lại cuộc đời xưa, và chuyến đua thuyền là tấm giấy thông hành đầy kiêu hãnh. Vào ngày ấy anh đã lành lặn trở lại như phép thần, chỉ một chân là hoàn toàn không có cảm giác, như khúc gỗ, và anh phải uống thuốc suốt đời để ngăn các cơn động kinh.
Hôm đầu gió nhẹ, nhưng đến ngày thứ hai thì mạnh lên trông thấy. Chập tối cả đội rất hài lòng, trừ Ward có phần chộn rộn trong lòng như anh ghi lại trong hồi ký: “Hoàng hôn nhuốm màu ma quái, các vệt sáng đỏ, cam và nâu vừa đẹp dữ dội vừa ma quái, như tôi chưa bao giờ thấy trong đời. Tất cả nhìn trò chơi màu sắc như bị thôi miên. Liệu có phải điềm báo trước thời tiết bất lợi? Tôi chợt nhận ra đã lâu không thấy bóng con hải âu nào”.
|
Trực thăng cứu hộ đến kịp khi chiếc Grimalkin sắp đắm. |
Và gió nổi lên ngày càng mạnh. Đội trưởng trấn an mọi người và nhắc lại dự báo thời tiết của đài BBC ngày 12/8, cho biết sức gió mạnh nhất chỉ đạt cấp 8. Một sai lầm tai hại, được BBC sửa lại vài giờ sau đó, đúng lúc một trận cuồng phong đang hoành hành trên biển Celtic. Thuyền Grimalkin vặn mình răng rắc trước các con sóng cao 12 mét, vận động viên phải dùng cáp bảo hiểm buộc mình vào thuyền. Đỉnh cột buồm đã mấy lần chạm nước. “Tất cả biết rõ rằng giờ thảm họa sắp bắt đầu, câu hỏi chỉ còn là bao giờ. Chỉ cần một động tác sai, một hiệu lệnh đến chậm, một con sóng bị đoán nhầm…”.
Mấy phút sau một đợt sóng cuốn Ward khỏi thuyền: “Nước lạnh đến nỗi tôi ngừng thở. Dây cáp siết chặt lồng ngực, vì tôi bị thuyền lôi đi với tốc độ khủng khiếp như một bao xi măng. Sóng đánh tung hàng cúc trên chiếc áo vải nhựa và ùa vào người tôi, áo quần len hút nước nặng trĩu xuống tận giày”.
Đội trưởng mất kiểm soát
Ward tự lên được thuyền vài lần liền, không ai có thì giờ đỡ anh. Đội trưởng David quyết định đánh điện xin cứu hộ. Đây là việc rất nguy hiểm, vì ông phải vào khoang, nơi mọi đồ vật bị sóng ném đi ném lại như trong lồng máy giặt. Vừa phát đi tín hiệu cấp cứu thì ông bị một vật nặng đập trúng đầu. Mathew, con trai ông, kéo ông bố bất tỉnh và đầm đìa máu ra ngoài.
Cả đội cãi nhau, nên ở lại thuyền hay xuống phao cứu hộ. “Trên biển có một quy tắc bất di bất dịch: không bao giờ rời thuyền khi nó còn chưa chìm. Vỏ thuyền Grimalkin bằng chất dẻo pha sợi thuỷ tinh chắc chắn hơn mọi phao cứu sinh cao su bơm căng”.
Ward lên tiếng, nhưng hình như ý kiến của anh không lọt tai ai. Khi đội trưởng tỉnh lại và mệt mỏi gật đầu cho phép rời thuyền thì không gì đảo lại được số phận nữa. Nick Ward thất kinh, anh cho rằng đội trưởng không hề biết mình làm gì sau khi ngất đi. Các vận động viên chưa kịp đẩy phao xuống nước thì đợt sóng mới tràn lên, và Ward không còn biết gì nữa.
Người ta bỏ lại anh vì trận cãi vã? Ward không muốn tin điều đó, trước khi phát hiện ra Gerry bị buộc vào cáp cứu hộ đang trôi cạnh thuyền. Ward loay hoay kéo Gerry được lên thuyền và hô hấp nhân tạo. Gerry thở lại được, nhưng chết sau đó mấy tiếng, chỉ kịp thều thào câu cuối cùng: “Nói với vợ tôi là tôi yêu cô ấy lắm!”.
"Mắt anh ta đỏ bầm và mở trừng trừng. Tôi tháo găng tay ra và vuốt mắt anh”.
Tranh luận với xác chết
Đợt sóng tiếp theo cuốn xác Gerry vào khoang, đè ập lên Ward. Anh thoáng nghĩ, có nên đẩy Gerry xuống biển. “Nhưng tôi nhìn khuôn mặt méo mó của anh, cái mũi thẳng bê bết máu và cặp môi xám ngoét của anh. Không, tôi không nỡ nào làm thế. Không ai được phép làm thế với một người bạn và đồng đội”.
Từ giờ phút đó trở đi, làm việc gì Ward cũng hỏi xác chết; chui xuống khoang, xem lại máy phát sóng cực ngắn còn chạy không… "Gerry là hộp cộng hưởng vĩ đại cho các suy nghĩ của tôi. Tôi tranh luận với anh và ngộ ra nhiều điều, lấy lại được tự tin. Tôi phải giữ cho thần kinh hoạt động”.
Rốt cuộc Ward lặn xuống khoang. Máy phát đã hỏng cả. Thuốc chống động kinh của anh bị nước hòa tan hết. Can nước ngọt dự trữ biến mất tăm. Thức ăn duy nhất là dứa đóng hộp thì không mở được. May mà còn một hộp bìa cứng đựng sữa. Ward dần tuyệt vọng, và khi một chiếc phi cơ cứu hộ bay qua trên đầu mà không trở lại, anh phải tìm chỗ trút cơn giận. “Tôi chửi người bạn đã chết của tôi không thương tiếc, nói những lời mà tôi chưa hề nói trong đời và còn định đánh anh. Sau này tôi biết, đó là hệ quả của sự cô đơn mà tôi không vượt qua nổi, nhưng cũng là một van xả để tôi không phát rồ”.
Ward biết, bây giờ mà thiếp đi thì chết. “Tôi luôn tay múc nước trong khoang hắt xuống biển. Thuyền chìm dần, và tôi phải tìm việc gì đó để làm. Tôi cãi nhau với Gerry, khoe với anh những kiến thức địa lý của mình, miêu tả các ngọn hải đăng ở bờ biển Cornwalls, đọc to số điện thoại cả nhà, cả của em trai tôi ở Hong Kong”.
Tối 14/8, khi Ward đã kiệt sức và nằm chờ chết thì được một chiếc thuyền buồm nhìn thấy. Lát sau một chiếc trực thăng của Hải quân Hoàng gia bay đến…
Sau này Ward biết là chiếc Grimalkin bị chìm một nửa, đội trưởng David bị sóng cuốn mất, anh và Gerry nằm trong đống dây nhợ trên mặt nước và bị coi là chết rồi. Cả đội dùng phao cứu hộ bơi đi và được cứu sau đó mấy tiếng.
Nick Ward tự hỏi, tại sao cả đội không xem lại, liệu anh và Gerry đã chết thật chưa. Không ai xin lỗi anh. Ward cắt đứt quan hệ với cả đội. Anh chỉ còn biết cảm ơn Gerry là mình còn sống.
Theo Lê Quang/TT&VH