Theo hãng tin Reuters và AP, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc sẽ tìm cách phá vỡ thế bế tắc ngoại giao với Triều Tiên, giữa lúc có nhiều lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa mới.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ vừa cho biết, ông Biden và ông Yoon sẽ thảo luận về việc hợp tác hạt nhân và Washington vẫn sẵn sàng ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện không rõ ông Biden và ông Yoon sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên như thế nào, vì Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ các nỗ lực của Washington kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm ngoái.
Ông Yoon đã báo hiệu sẽ áp dụng một đường lối cứng rắn với Triều Tiên hơn người tiền nhiệm và dự kiến sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ Biden giúp đỡ. Ông Yoon đã cảnh báo về một cuộc tấn công phủ đầu nếu có dấu hiệu một cuộc tấn công sắp xảy ra và cam kết sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn của Hàn Quốc.
Việc Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước này có thể tạo ra một lối mở. Giới chức y tế cho biết, sự thừa nhận của Triều Tiên làm tăng triển vọng về một sự mở cửa ngoại giao. Washington nói không có kế hoạch gửi vắc xin trực tiếp cho Triều Tiên nhưng Tổng thống Yoon có thể thúc giục người đồng nhiệm Mỹ làm việc đó.
Theo các nhà phân tích, một vụ thử vũ khí của Triều Tiên có thể làm lu mờ trọng tâm chuyến công du của Tổng thống Mỹ, vốn được cho là sẽ đặt trọng tâm vào Trung Quốc, thương mại cũng như các vấn đề khu vực khác.
Người đứng đầu nước Mỹ dự định đưa ra một khuôn khổ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không bao gồm Trung Quốc. Ông Biden đã kêu gọi hợp tác nhiều hơn nữa với các quốc gia "chia sẻ các giá trị của chúng ta" như Hàn Quốc.
Hôm qua (20/5), Tổng thống Mỹ và người đồng nhiệm Hàn Quốc đã đi thăm nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics, nhằm chứng tỏ cam kết mở rộng liên minh giữa hai nước từ lĩnh vực an ninh tới chuỗi cung ứng toàn cầu và các lĩnh vực khác.
Theo Hoài Linh/Vietnmanet