4 năm trước, khi Glenda Fors, 39 tuổi, chuyên viên tư vấn Công nghệ thông tin toàn thời gian sống ở Tyreso, phía Nam thủ đô Stockholm, thuê người dọn dẹp nhà cửa, một trong những điều đầu tiên cô nhận thấy ngoài mặt bàn bếp sáng loáng thì vợ chồng cô cũng giảm số lần tranh cãi về chuyện chia sẻ việc nhà.
Thụy Điển đứng đầu trong Chỉ số Bình đẳng giới của EU, với gần 80% phụ nữ đi làm; nhưng nếu như 74% phụ nữ làm việc nhà hoặc nấu ăn ít nhất một giờ mỗi ngày, thì chỉ có 56% nam giới làm tương tự.
Mức trung bình ở châu Âu là 79% và 34%. Đối với Glenda Fors việc quyết định thuê người làm việc nhà là nhờ vào chính sách nhà nước trả 50% hóa đơn làm các việc nhà, chẳng hạn như dọn dẹp, giặt, ủi, với mức trần khoảng 50.000 kronor (5.170 đô la Mỹ) mỗi năm.
Lợi ích kép cho cả chủ nhà và người làm thuê
Tiền công theo giờ cho việc dọn dẹp ở Thụy Điển thường dao động trong khoảng 250-400 kronor (26-42 đô la) trước khi được trợ giá. Tháng trước, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thụy Điển đã công bố bản đánh giá bao quát đầu tiên về chương trình này kể từ khi được đưa ra áp dụng vào năm 2007.
Theo đó, trong các gia đình nhận trợ cấp, cả nam giới và phụ nữ đều cho biết họ làm việc có lương nhiều giờ hơn và kiếm thêm được trung bình 19.000 kronor (2.015 đô la)/ năm, so với những người có hoàn cảnh tương tự nhưng không dùng phúc lợi này.
|
Chỉ có 56% nam giới Thụy Điển làm việc nhà. |
Không thể kết luận mối liên hệ nhân quả trực tiếp, vì cũng có thể là các cặp vợ chồng thuê dịch vụ quét dọn nhiều hơn do thu nhập của họ tăng lên thay vì ngược lại.
Nhưng nghiên cứu riêng biệt từ các học giả tại Đại học Stockholm năm 2014 kết luận rằng, những phụ nữ đã kết hôn và đi làm toàn thời gian có thuê người giúp việc nhà thì dành trung bình 60% thời gian họ tiết kiệm được để làm việc có lương; việc mở rộng các dịch vụ giúp việc nhà có thể giúp giảm thiểu cách biệt về giới trong việc trả lương ở Thụy Điển.
Những người ủng hộ các khoản trợ cấp thuế của Thụy Điển lập luận rằng chính sách trợ cấp thuế này cũng giúp củng cố việc làm, giảm bớt thị trường chợ đen đối với các dịch vụ việc nhà thanh toán bằng tiền mặt.
Almega, Tổ chức Ngành dịch vụ Thụy Điển của giới chủ, gần đây đã công bố một báo cáo theo đó ước tính rằng chính sách này đã tạo ra hơn 13.000 việc làm cho những người trước đây bị thất nghiệp hoặc nằm ngoài thị trường lao động chính thức, vì Thụy Điển đã tận dụng việc trả mức rẻ đối với công việc quét dọn.
Tổ chức này cũng cho biết có sự sụt giảm những công việc giúp việc nhà không được khai báo (thường là được trả bằng tiền mặt), do đó ước tính sẽ làm tăng doanh thu thuế thêm 500 triệu kronor (53 triệu đô la) mỗi năm. Với dân số chỉ hơn 10 triệu, 966.000 người Thụy Điển đã sử dụng các dịch vụ được khấu trừ thuế năm 2018, so với 113.000 người trong năm 2009.
Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thụy Điển kết luận rằng khái niệm này có tác động tích cực đối với lao động ngoại quốc. Những người giúp việc nhà được trợ cấp thuế từ năm 2011 đến 2017 trung bình kiếm được nhiều hơn 1.300 kronor (136 đô la) một tháng so với những người khác có hoàn cảnh tương tự (bao gồm thời gian ở Thụy Điển, trình độ học vấn, lịch sử thu nhập, giới tính, tuổi tác và nơi sinh).
Cho dù làm việc cho các công ty hay tự làm độc lập, những người quét dọn và những người cung cấp dịch vụ việc nhà khác đã đăng ký ở Thụy Điển đều hưởng lợi từ chế độ phúc lợi mạnh mẽ, không giống những người nhận tiền mặt.
Điều này có nghĩa là họ có thể tiếp cận nhiều lợi ích khác nhau, từ chăm sóc y tế được trợ cấp đến 480 ngày nghỉ thai sản có lương cho mỗi cặp vợ chồng, học bổng cho sinh viên và lương hưu nằm trong số tốt nhất thế giới.
Khái niệm gây tranh cãi
Bất chấp tác động tích cực đối với cả người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ dọn dẹp, chế độ khấu trừ thuế vẫn đang là cuộc tranh luận ở nước này.
Những người chỉ trích cho rằng mặc dù tất cả người Thụy Điển đều được hưởng lợi, những người tận dụng chính sách này tập trung vào 10% nhóm người có thu nhập hàng đầu, trong khi sự lan tỏa đến các gia đình có thu nhập thấp và cha mẹ đơn thân là hết sức hạn chế.
|
Nhiều phụ nữ Thuỵ Điển quyết định thuê người làm việc nhà sau khi có chính sách nhà nước trả 50% hóa đơn làm các việc nhà. |
"Cơ bản mà nói thì đó là chủ nghĩa xã hội dành cho những người giàu có và sự lười biếng. Nếu bạn cần được trợ cấp thuế để thuê ai đó dọn dẹp nhà cửa, thì có lẽ bạn sở hữu một ngôi nhà quá lớn hoặc bạn cảm thấy có đặc quyền", Nico Pavasovic, kỹ sư sản xuất ở Stockholm, lập luận. Người đàn ông 32 tuổi này mới chuyển đến ở cùng với bạn gái, nói rằng anh làm việc dọn dẹp trong căn hộ “nhiều hơn một ít”.
Anh tin rằng tiền thuế của dân nên được dành cho các dịch vụ công khác như tăng hỗ trợ tại gia cho người già hoặc người bệnh lâu năm.
Đối với Solvita Gabriuna, một người lau dọn 34 tuổi, đã làm việc ở Stockholm khoảng một thập kỷ, phúc lợi xã hội và giáo dục miễn phí mà cô có được nhờ làm việc có đăng ký “chắc chắn là một lợi ích'”, nhưng cô cũng cảm thấy không thoải mái khi vì công việc của cô bị trợ cấp thuế ảnh hưởng.
"Việc có lau dọn hay không là lựa chọn của bạn. Tôi không đồng ý lấy tiền thuế của người khác để chi trả. Tôi nghĩ rằng tiền thuế có thể được dùng cho mục đích khác".
Những người chỉ trích khác đã chỉ ra sự tréo ngoe tiềm tàng của các giá trị giới tính. "Hàm ý việc nhà là công việc của phụ nữ vẫn được duy trì và điều này xảy ra với cái giá là sự bất bình đẳng kéo dài giữa phụ nữ thuộc các giai tầng khác nhau và với các sắc tộc khác nhau", Birgitta Jordansson và Linda Lane, hai nhà xã hội học thuộc Đại học Gothenburg, viết trong một công trình nghiên cứu được công bố năm 2018.
Họ lập luận rằng những người phụ nữ có tiền thuê người làm việc nhà, khi làm việc đó là đã thúc đẩy thị trường lao động do nam giới tạo ra để phù hợp với các chuẩn mực giới tính lỗi thời.
Các nhà quan sát khác đã lập luận rằng thay vì chỉ trích những người trả tiền để thuê người quét dọn, cần nỗ lực nhiều hơn để nâng tầm vị thế của việc nhà, cho dù được trả lương hay không trả lương.
Nhưng, vấn đề gây tranh luận lớn nhất là liệu chính sách này có đáng đồng tiền hay không: nó tiêu tốn 5,4 tỷ kronor Thụy Điển (570 triệu đô la) vào năm 2019.
Khi chương trình trợ giá được đưa ra lần đầu tiên, những người ủng hộ lập luận rằng cuối cùng nó sẽ hoàn phí, vì nó sẽ tạo ra nguồn thu thuế đủ từ việc làm để bù lại số tiền nhà nước bỏ ra.
Nhưng trong khi phúc trình của Tổ chức Ngành Dịch vụ Thụy Điển của giới chức ước tính rằng chính phủ thu hồi 90% chi phí, thì các nhà nghiên cứu của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thụy Điển lại thận trọng hơn nhiều. "Chúng tôi không đưa ra một con số chính xác. Nhưng nó không phải là tự thu bù chi", bà Anna Brink, quản lý dự án, cho biết.
Bà cũng chỉ ra rằng chính sách này đã khuyến khích dòng lao động di cư từ các nước trong khối EU nhưng kém phát triển hơn Thụy Điển như Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn không phải là mục tiêu ban đầu. Bởi nếu mục đích của chính sách là mọi người trên thị trường lao động Thụy Điển có việc làm, thì đương nhiên đó sẽ là vấn đề nếu những công việc này rơi vào tay lao động di cư.
Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách trợ cấp này lập luận rằng chi phí hay giá trị của nó không thể chỉ được đo lường theo khía cạnh tài chính.
Chính phủ Thụy Điển có bốn tháng để chính thức báo cáo trước Quốc hội về cách họ nhìn nhận kết quả nghiên cứu, nhưng một số chính trị gia cao cấp từ liên minh trung tả đã bày tỏ lo ngại về phí tổn.
Bộ trưởng Tài chính Magdalena Andersson đã viết trên một trong những tờ báo lớn nhất hồi tháng trước rằng tác động tích cực của chính sách này “ít hơn mọi người hy vọng” và nói rằng cần phải xem xét khả năng cải cách.
Tuy nhiên, bà Anna Brink từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thụy Điển, nói rằng bà sẽ “rất ngạc nhiên nếu chính phủ sẽ đề xuất bất kỳ thay đổi lớn nào trong chính sách này”, vốn vẫn rất được lòng các đảng đối lập trung hữu và các đảng này thậm chí còn ủng hộ mở rộng chương trình thêm nữa.
Thực tế, kinh nghiệm của Bỉ chứng minh cho dự đoán của bà. Ở Bỉ, các khoản trợ cấp thuế thông qua chương trình voucher đã được áp dụng trong hơn 15 năm, với hơn một triệu người dùng ở một đất nước có 11,5 triệu dân. Nhưng ở một đất nước như Thụy Điển vốn hướng về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, chính sách này vẫn là một vấn đề gây tranh luận mạnh mẽ.
Theo Ngọc Trang/ CAND