Theo Reuters, Bình Nhưỡng chỉ mời đại diện của một số ít cơ quan thông tấn, báo chí, thay vì các chuyên gia kỹ thuật tới chứng kiến việc xóa bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền bắc Triều Tiên trong tuần này. Số người được mời rất hạn chế, bất chấp việc Mỹ kêu gọi phía Triều Tiên phải cho phép "tiếp cận không giới hạn" đối với cơ sở nói trên.
|
Các phóng viên quốc tế đang xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 22/5. Ảnh: Joint Press Corps. |
Việc Triều Tiên ngày 21/4 tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử Punggye-ri đã được xem là một bước nhượng bộ then chốt trong vài tháng qua, nhằm xoa dịu căng thẳng giữa nước này với Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, tiến trình hòa giải ngoại giao giữa các bên dường như đang vấp phải trở ngại, khi Bình Nhưỡng tuần trước đe dọa hủy cuộc gặp lịch sử dự kiến giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào ngày 12/6 tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang công du Washington và dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Mỹ Trump trong ngày hôm nay, 22/5 để bàn hướng giải quyết vấn đề cũng như đảm bảo hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch.
|
Một người Triều Tiên (giữa) tự giới thiệu là phóng viên của báo Rodong Sinmun đang trò chuyện với các đồng nghiệp quốc tế tại sân bay Bắc Kinh. Ảnh: Yonhap. |
Báo Korean Times đưa tin, phóng viên thuộc các báo đài Trung Quốc, các hãng thông tấn Mỹ như AP, CNN, CBS và báo Nga Russia Today nằm trong số những người làm thủ tục đăng ký tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, trước khi bắt chuyến bay của hãng hàng không Koryo tới Triều Tiên. Theo Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, nhóm phóng viên quốc tế này hiện đã hạ cánh ở sân bay của thành phố Wonsan, miền đông Triều Tiên.
Nhiều hãng thông tấn quốc tế khác, bao gồm cả Reuters đã tìm cách xin tham gia đoàn phóng viên tới chứng kiến việc Triều Tiên đóng cửa bãi thử Punggye-ri, nhưng không được chấp thuận.
Hàn Quốc lấy làm tiếc vì các nhà báo của nước này rốt cuộc cũng bị từ chối cấp visa để dự sự kiện này, dù đã được mời trước đó.
"Dù thế nào, chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ quan tâm theo dõi việc Triều Tiên xúc tiến cam kết loại bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, biện pháp đầu tiên để giải trừ hạt nhân, như kế hoạch. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng các động thái như vậy sẽ dẫn tới việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới", trích tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet.vn