Vì sao Anh tránh được làn sóng dịch Covid-19 đang tấn công châu Âu?

Google News

Chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cùng với việc chấp nhận cho virus lưu hành trong cộng đồng một thời gian dài đã giúp Anh thoát khỏi đợt bùng phát dịch...

Chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cùng với việc chấp nhận cho virus lưu hành trong cộng đồng một thời gian dài đã giúp Anh thoát khỏi đợt bùng phát dịch mới tại châu Âu.
Nhờ vào chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người lớn tuổi và đối tượng dễ bị tổn thương, Anh duy trì tỷ lệ nhập viện và tử vong tương đối ổn định mà không cần áp đặt các hạn chế mới. Trong khi đó, ác mộng phong tỏa và biện pháp phòng dịch đang trở lại nhiều quốc gia châu Âu do số ca mắc tăng cao, theo Bloomberg.
Thành công của Anh trong việc tránh được đợt bùng phát dịch mới nhất trên khắp châu Âu đi kèm với một cái giá đắt. Tỷ lệ người qua đời vì Covid-19 ở Anh cao hơn nhiều so với hầu hết nước Tây Âu khác, dù nước này được tiếp cận với vaccine sớm hơn so với Liên minh châu Âu (EU).
"Chúng tôi hành động như thể tình hình ở châu Âu tồi tệ hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi chịu đựng số người chết và mắc bệnh cao hơn trong thời gian dài", Devi Sridhar, giáo sư về sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh ở Scotland, cho biết.
Số người qua đời vì Covid-19 tăng vọt từ tháng 7, khi Thủ tướng Boris Johnson đồng ý dỡ bỏ tất cả hạn chế, thậm chí yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang. Con số ghi nhận hàng ngày hiện tại tăng gần gấp 5 lần so với những tuần trước "Ngày Tự do". Tổng số ca nhiễm virus tại Anh đã tăng lên tới mười triệu người vào ngày 25/11.
Vi sao Anh tranh duoc lan song dich Covid-19 dang tan cong chau Au?
 
Vai trò mũi tiêm tăng cường
Chỉ riêng tỷ lệ tiêm chủng quốc gia không nói lên toàn bộ câu chuyện.
Ở Đức, chỉ khoảng 86% dân số từ 60 tuổi trở lên - nhóm chiếm hơn 90% số ca tử vong Covid-19 của cả nước - đã được tiêm phòng. Điều đó có nghĩa 3,4 triệu người dễ bị tổn thương vẫn chưa được bảo vệ.
Ở Anh, 90% người trong độ tuổi đó đã nhận đủ mũi vaccine.
Mike Ryan - người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho rằng các nước EU có thể học hỏi từ Anh về tầm quan trọng của việc tập trung vào những người cần tiêm phòng nhất.
"Chính phủ nên biết chính xác những ai chưa tiêm chủng và chuyển sự quan tâm sang họ", ông nói. "Anh thực sự dẫn dầu thế giới về cách xem xét dữ liệu".
Có sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố dẫn đến việc Vương quốc Anh có số ca Covid-19 cao nhưng tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ổn định. Hôm 24/11, nước này báo cáo hơn 47.000 ca nhiễm mới - một trong những mốc cao nhất châu Âu - cùng với 147 trường hợp tử vong.
Mũi tiêm tăng cường có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Gần 16 triệu người đã tiêm mũi thứ 3 ở Anh, so với 6,6 triệu người ở Đức.
Vi sao Anh tranh duoc lan song dich Covid-19 dang tan cong chau Au?-Hinh-2
 Tỷ lệ dân số nhận mũi vaccine tăng cường ở một vài quốc gia châu Âu. Đồ họa: Bloomberg.
Việc triển khai vaccine chậm chạp cho những người trẻ tuổi cũng có thể là một yếu tố. Sự lây lan của virus corona tăng ở học sinh và trẻ em - đối tượng ít có khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid-19.
"Khả năng miễn dịch cộng đồng là câu trả lời", David Heymann - giáo sư về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm tại trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London - cho biết. "Anh có khả năng miễn dịch cộng đồng rất cao vì virus đã lưu hành một thời gian dài".
Tuần này, Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot, suy đoán rằng việc Anh phụ thuộc nhiều vào loại vaccine này dành cho người lớn tuổi có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong. Ông nói vaccine của AstraZeneca có hiệu quả lâu dài hơn, dù một số nhà khoa học cho rằng đây không phải lý do chính.
"Anh có khả năng miễn dịch cao hơn nhiều nơi", Graham Medley, thành viên ban cố vấn Covid-19 của chính phủ, cho biết. "Nếu mọi người tiếp tục tiêm chủng và nhận liều vaccine tăng cường, tiếp tục xét nghiệm để hạn chế lây truyền, Anh có thể không phải đưa ra bất kỳ biện pháp nào để giảm số lượng bệnh nhân nhập viện".
Mô hình chống dịch nào hiệu quả?
Những diễn biến dịch khác nhau giữa các quốc gia tạo ra một cuộc tranh luận chính trị gay gắt về cách tốt nhất nhằm đánh bại làn sóng dịch mới.
Áo phong tỏa toàn quốc và có lệnh bắt buộc tiêm chủng, trong khi Italy và Đức có biện pháp cứng rắn với những người không chủng ngừa.
Trong khi đó, Anh có hướng đi ngược lại. Nước này phụ thuộc nhiều vào mũi tiêm tăng cường để giữ số ca tử vong và nhập viện ở mức có thể kiểm soát được.
Thủ tướng Johnson lên tiếng cảnh báo về "trận bão Covid-19 từ phía đông", nhưng chính phủ không có kế hoạch thay đổi các quy tắc về khẩu trang hoặc thông qua giấy chứng nhận tiêm chủng - điều mà nhiều nước EU đã áp dụng.
Đánh đổi giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế, một số quan chức y tế châu Âu cho biết các chính phủ không có đủ điều kiện để lựa và chọn chính sách. Theo quan điểm của họ, cái gì làm được thì phải làm.
Giải pháp thay thế là “tình trạng quá tải hệ thống y tế trong hai tháng tới”, Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, cho biết. “Chúng tôi không có sự lựa chọn giữa việc tiêm vaccine hoặc các biện pháp can thiệp khác. Chúng tôi phải làm cả hai điều đó”.
Vi sao Anh tranh duoc lan song dich Covid-19 dang tan cong chau Au?-Hinh-3
Một khu chợ Giáng sinh bị đóng cửa tại trung tâm thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: Bloomberg. 
Trong khi đó, các chính trị gia lại đang tranh giành quyền kiểm soát tình hình ở quốc gia mình.
Slovakia - quốc gia có số ca tăng mạnh nhất thế giới trong tuần qua - hôm 24/11 ban bố lệnh phong tỏa mới. Mặt khác, Pháp đang theo sát Anh và chống lại những biện pháp nghiêm ngặt như vậy. Chỉ còn vài tháng trước khi Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt với các cuộc bầu cử, chính phủ muốn tránh "đóng cửa, giới nghiêm hoặc phong tỏa".
Mặc dù tình hình ở nước Anh hiện có vẻ khả quan hơn, ít nhất là so với một số nước láng giềng, vẫn chưa rõ hai mô hình chống dịch này sẽ hoạt động như thế nào trong lễ Giáng sinh.
Trong đợt dịch Covid-19 vào mùa đông năm 2020, số ca mắc Covid-19 của Anh ban đầu giảm nhanh hơn so với các nước EU, nhưng tăng mạnh ngay trước thềm năm mới. Sự gia tăng đột biến sau đó được kiềm chế trong bối cảnh triển khai vaccine nhanh chóng.
Theo Phương Linh/Zing